Trả lại tầm nhìn không gian Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Mường Lò - cái tên đã trở nên nổi tiếng và rất đỗi gần gũi đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Tạo hóa cùng quá trình canh tác của những cư dân nông nghiệp đã dệt nên bức tranh hùng vĩ giữa điệp trùng núi non. Bức tranh vốn dĩ đẹp đẽ ấy đã bị làm xấu đi bởi chính những chủ nhân của nó. Trả lại tầm nhìn Mường Lò là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra việc giải tỏa diện tích lấn chiếm trên cánh đồng Mường Lò.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra việc giải tỏa diện tích lấn chiếm trên cánh đồng Mường Lò.

Bức tranh Mường Lò

Cánh đồng Mường Lò phần thuộc huyện Văn Chấn có diện tích 1.604 ha, trải rộng trên địa bàn 7 xã và 2 thị trấn, là khu vực có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp của huyện nói riêng. Với “bờ xôi ruộng mật”, hệ thống thủy lợi được đầu tư tốt nên rất thuận lợi trong canh tác và, nhân dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời đã tạo nên những bản làng trù phú.

Hàng năm, khu vực cánh đồng Mường Lò chiếm 40-45% sản lượng thóc gạo của toàn huyện. Lịch sử của quá trình khai khẩn, cư dân Mường Lò đã chọn những khu vực đất đồi bãi, cao ráo quanh các sườn đồi làm nơi định cư lập mường, lập bản, nhường phần đất màu mỡ để canh tác lúa nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của đời sống kinh tế xã hội, trước sức ép về dân số, nhà ở và nhu cầu phát triển sản xuất, nhiều hộ dân tự ý cơi nới, đào đắp và chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích đất ruộng vào mục đích riêng.

Theo thống kê của các ngành chức năng, đã có 192 hộ cá nhân vi phạm với 22,5 ha đất ruộng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, trong đó có 15 ha đất làm nhà ở, 1,4 ha làm lều lán tạm còn lại là diện tích sử dụng vào mục đích khác. Quá trình này diễn ra trong nhiều năm và đã tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng đất sản xuất, gây nên những xáo trộn trong sản xuất nông nghiệp, cản trở quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp và làm mất mĩ quan đồng ruộng.

Kiên quyết, dứt điểm và đúng luật

Nhận thức tầm quan trọng của cánh đồng Mường Lò và thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng, tháng 3/2007, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn đã ra nghị quyết về việc giải tỏa các diện tích lấn chiếm đất ruộng. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện chưa kiên quyết nên hiệu quả đạt được chưa cao. Tháng 11 năm 2008, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp đánh giá kết quả thực hiện công tác giải tỏa lấn chiếm đất ruộng khu vực cánh đồng Mường Lò, tìm ra tồn tại cần khắc phục, chỉ ra những khó khăn phải vượt qua.

Trên cơ sở những kinh nghiệm triển khai trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra chủ trương quyết tâm xử lý triệt để vấn đề lấn chiếm đất ruộng khu vực cánh đồng Mường Lò, gắn việc giải tỏa với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động các hộ vi phạm.

Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn ngày 03/11/2008 chỉ đạo chính quyền các địa phương quyết liệt hơn việc xử lý giải quyết các lều, lán dựng trái phép trên đất ruộng. Trước mắt là vận động thuyết phục . dân tự giác dỡ bỏ.

Các đảng viên nếu vi phạm phải gương mẫu thực hiện dỡ bỏ trước, nếu cố tình không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.

Trên cơ sở tuyên truyền vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ dân, lên phương án hỗ trợ các hộ thực sự khó khăn và kiên quyết xử lý các hộ cố tình chống đối. Huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng theo dõi hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện quy trình giải tỏa theo đúng pháp luật.

Qua quá trình tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ dân đã hiểu và tự giác thực hiện. Điển hình như các xã Thanh Lương, Phù Nham đã giải quyết cơ bản các hộ vi phạm. Tuy nhiên, do quá trình xâm lấn đất ruộng kéo dài, số hộ làm nhà ở khá lớn, nhiều hộ đã được cấp quyền sử dụng đất và xây dựng nhà kiên cố. Một số hộ khác do thiếu đất ở nên cơi nới tạm ra ở riêng, nên việc xử lý các hộ rất khó khăn.

Các diện tích đã đào đắp, xây dựng nhà kiên cố nay có được giải tỏa cũng khó trả lại hiện trạng ban đầu. Hiện nay, khu vực này vẫn còn một số hộ cố tình chống đối như ở xã Phúc Sơn vẫn còn 2 hộ tự ý xây nhà kiên cố trên đất ruộng, kiên quyết không chịu di dời.

 Theo ông Dương Văn Thống - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Chủ trương của Huyện ủy là xử lý kiên quyết các hộ vi phạm, trên cơ sở giải quyết có tình có lý, làm sao để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất ruộng khu vực cánh đồng Mường Lò để làm gương cho các hộ khác, nhưng không gây bức xúc trong dân. Đối với các hộ cố tình chống đối, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động, đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý để cưỡng chế nếu cần thiết. Các diện tích đất của các hộ chống đối, sẽ thu hồi để sử dụng vào mục đích công”.

Tiến hành kiên quyết việc giải tỏa các diện tích lấn chiếm đất ruộng sẽ trả lại cảnh quan khu vực cánh đồng Mường Lò, xóa đi những tiền lệ xấu trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp ở Mường Lò và tạo điều kiện thúc đẩy áp dụng KHKT và cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trong hoàn cảnh mức bình quân đất nông nghiệp khu vực cánh đồng Mường Lò còn thấp, diện tích đất ruộng của các hộ dân chưa tập trung thì việc trả lại mặt bằng sản xuất nông nghiệp là một trong những bước đi cần thiết trong việc thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã đề ra.

Trần Van

Các tin khác
Đã có 15ha rừng khoanh nuôi tái sinh bị phá.

YBĐT - Từ cuối năm 2008, sau khi phát hiện những vụ phát nương nhỏ lẻ, Kiểm lâm Văn Yên (Yên Bái) đã tiến hành xử lý. Tuy nhiên, sang năm 2009 các vụ phát nương lại có những diễn biến phức tạp hơn. Ngày 28/5/2009, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện Văn Yên và chính quyền xã Xuân Tầm đã có cuộc họp khẩn cấp bàn các phương án điều tra, xử lý.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý chủ trương cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài khai thác vàng được phép chuyển vàng đã qua sơ chế tại nước ngoài về Việt Nam.

Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo Cục Thú y và lãnh đạo các tỉnh có đường biên giới với Lào và Campuchia tăng cường công tác kiểm dịch nguồn trâu bò nhập vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư vàng cần thận trọng trước diễn biến phức tạp của giá vàng thế giới.

Sáng nay (2.6), giá vàng trong nước đã "hạ nhiệt" sau nhiều ngày tăng mạnh mẽ. Cụ thể, giá vàng SJC đã giảm 230.000 đồng/lượng so với mức giá cao kỷ lục của ngày hôm qua là 21,65 triệu đồng/lượng xuống còn 21,42 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục