“Muốn giàu nuôi cá”

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn nhưng ngành thủy sản vẫn chưa phát triển xứng tầm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Coi trọng phát triển nghề cá thực sự là nhu cầu bức thiết nhằm phát huy lợi thế, phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng đến sản xuất hàng hóa.

Nông dân thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thu hoạch cá.
Nông dân thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thu hoạch cá.

Dân ta có câu "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo ở không". Câu ca đó muốn nói lên lợi ích to lớn của nghề nuôi cá. Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có tiềm năng to lớn cho việc nuôi trồng thủy sản với 32 nghìn ha mặt nước, trong đó có gần 30 nghìn có thể đưa vào nuôi trồng thủ sản; có 1 hồ Thác Bà rộng lớn hàng nghìn ha; trên 600 hồ vừa và nhỏ như hồ: Từ Hiếu (Lục Yên), hồ Vân Hội, Việt Thành (Trấn Yên)... cùng dòng sông Hồng, sông Chảy và nhiều ngòi lớn chảy qua địa bàn.

Tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn nhưng ngành thủy sản vẫn chưa phát triển xứng tầm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Coi trọng phát triển nghề cá thực sự là nhu cầu bức thiết nhằm phát huy lợi thế, phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng đến sản xuất hàng hóa.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện nay mới có khoảng 21 nghìn ha mặt nước đưa vào nuôi thả cá, sản lượng cá hàng năm đạt gần 6.000 tấn. Số liệu nêu trên cho thấy, diện tích mặt nước chưa được khai thác còn rất lớn; sản lượng đánh bắt hàng năm còn rất thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Đó là điều hết sức đáng tiếc, cho dù mỗi năm Yên Bái đã trích khoản ngân sách 500 triệu đồng để ươm thả cá giống vào hồ tự nhiên nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó là chương trình khuyến ngư được tổ chức liên tục, ở nhiều địa phương với các mô hình trình diễn, thí điểm; đề án hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp cũng đã hỗ trợ cho mỗi ha ruộng một vụ, kém hiệu quả, chuyển đổi sang đào ao, nuôi cá là 30 triệu đồng... Vậy đâu là nguyên nhân khiến nghề cá Yên Bái chưa phát triển? Đem câu hỏi này trao đổi với những cán bộ thủy sản và cả những người quan tâm đến nghề cá thì nhận được câu trả lời chung là: chúng ta chưa nhận thức hết tiềm năng to lớn của nghề cá, hay nói cách khác, tỉnh chưa thật sự quan tâm đến nghề cá. Bằng chứng là kinh phí đầu tư cho thủy sản rất thấp, đối tượng cây con mới đều được trợ cước, trợ giá còn cá giống mới thì không! Chúng ta chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ thủy sản đủ mạnh, nói đúng hơn là đội ngũ này hiện rất thiếu (9/9 huyện thị không có cán bộ thủy sản; toàn tỉnh chỉ có 17 kỹ sư thủy sản).

Ông Duy Linh - Phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái: Đẩy mạnh việc nuôi thả cá không chỉ giúp dân cải thiện bữa ăn, nâng cao thu nhập, tiếp cận với sản xuất hàng hóa mà còn giúp ngành dịch vụ, du lịch phát triển.

Phong trào đi câu giải trí đang phát triển rất mạnh; hàng trăm người như tôi mong tìm được cơ sở câu cá giải trí mà không có. Mỗi vé câu từ vài chục đến trăm nghìn đồng kèm theo lại còn ăn uống và các dịch vụ khác nữa. Tiềm năng lớn thế mà chưa được khai thác.

Ông Lê Quang Hanh - xã Bảo Hưng (Trấn Yên): Tôi bỏ đi 2 sào ruộng tốt để làm ao nuôi cá, vụ đầu tiên thu lãi hơn 5 triệu đồng. Số tiền ấy nếu trồng lúa giống siêu sản, siêu chất lượng cũng không bao giờ có được và lại chẳng phải lo sâu bệnh, hạn hán gì.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập, diện tích mặt nước lớn như vậy nhưng lĩnh vực quan trọng này từ lâu gần như đã khoán trắng cho 5 cán bộ của Trung tâm Thủy sản, còn chính quyền các địa phương thì gần như đứng ngoài cuộc. Điều này đã dẫn tới tình trạng dùng mọi phương tiện để khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản như: mìn, lưới mắt nhỏ, vó bè thắp điện và nhất là kích điện bắt cá. Ngay cả đề án hỗ trợ chuyển đổi ruộng xấu sang nuôi cá cũng có nhiều bất cập.

Với quy định chuyển đổi 10 nghìn m2 ruộng sang nuôi cá mới được hỗ trợ 30 triệu đồng, nhiều người cho rằng đó là một chính sách không mang tính khả thi vì một gia đình không lấy đâu ra 10 nghìn m2 ruộng xấu mà chuyển đổi để được hưởng 30 triệu đồng. "Vùng cao ruộng ít, lại không bằng phẳng, Đề án hỗ trợ lại quy định chuyển đổi 10 nghìn m2 ruộng sang ao mới được hỗ trợ 30 triệu đồng thì lấy đâu ra? Quy định như vậy, chẳng khác nào bảo anh nông dân ốm yếu cứ vác được hòn đá nặng 3 tạ đi, sẽ được thưởng tiền!" - ông Lò Văn An ở Sơn Thịnh (Văn Chấn) đã trao đổi với chúng tôi như vậy.

Cơ chế chính sách, quản lý Nhà nước là vậy, sự nghiệp thủy sản trong dân còn nhiều chuyện đáng nói hơn. Phải khẳng định, tư duy kinh tế, nhất là kinh tế chăn nuôi, thủy sản của đồng bào ta là rất kém. Cả tỉnh Yên Bái không có nổi mô hình chăn nuôi cá nào đạt đến cỡ vài chục tấn/năm. Vùng cao, nhất là đồng bào Tày, Thái phong tục, tập quán đào ao quanh nhà vẫn được duy trì nhưng nhìn lại nhà nào cũng có ao nhưng chỉ là thửa ao, mảnh ao con con cỡ vài chục, đến vài trăm mét vuông. Bà con thả cá chứ chẳng chịu nuôi cá. Thả rồi mà không cho ăn, khi nhà có công, có việc hoặc năm hết tết đến thì tháo bắt cá, có khi vừa thả được mấy tháng đã quăng chải, thả vó bắt lên ăn. Cá ở hồ, ở sông, suối thì dùng mọi hình đánh bắt, bắt cho bằng hết không còn nghĩ đến việc con cháu mai sau bắt con gì.

Giám đốc Trung tâm Thủy sản Yên Bái cho rằng: "Với lượng cá giống mà Trung tâm sản xuất và cung ứng lên tới 32 triệu con mỗi năm, nhiều vùng quê như: Vân Hội, Việt Thành (Trấn Yên) và các xã ven hồ Thác Bà, hồ Từ Hiếu đã cho thấy nghề cá đang phát triển. Cùng với đó là những mô hình cá ruộng, cá lồng, cá giống mới được xây dựng ở nhiều xã, phường trong tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm đầu tư và khuyến khích ngành nghề thủy sản hơn nữa, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ có vậy, nghề cá mới phát triển, tiềm năng, lợi thế mới được phát huy".

           Lê Phiên

Các tin khác

Các đường hàng không mới và điều chỉnh sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian bay, đơn giản hoá thủ tục cấp phép bay dân dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bay và điều hành bay dân dụng.

Vừa giảm khá mạnh vào hôm trước, giá vàng trong nước đã ngay lập tức tăng trở lại, đạt mức 2,16 đồng/chỉ vào sáng nay (3/6).

Chuẩn bị giống cho trồng rừng vụ thu.

YBĐT- Thực hiện kế hoạch trồng mới 15 ngàn ha rừng trong năm 2009, ngay từ những ngày đầu năm các huyện thị đã tổ chức đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân. Do chuẩn bị tốt diện tích đất, cây giống và các vật tư thiết yếu cùng với khí hậu thời tiết thuận lợi, bà con nhân dân và các nông -lâm trường đã trồng được trên 7.563 ha rừng, đạt 50,4% kế hoạch năm.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra việc giải tỏa diện tích lấn chiếm trên cánh đồng Mường Lò.

YBĐT - Mường Lò - cái tên đã trở nên nổi tiếng và rất đỗi gần gũi đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Tạo hóa cùng quá trình canh tác của những cư dân nông nghiệp đã dệt nên bức tranh hùng vĩ giữa điệp trùng núi non. Bức tranh vốn dĩ đẹp đẽ ấy đã bị làm xấu đi bởi chính những chủ nhân của nó. Trả lại tầm nhìn Mường Lò là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục