Mù Cang Chải: Khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển
- Cập nhật: Thứ tư, 10/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước, Mù Cang Chải (Yên Bái) có trên 90% là đồng bào Mông, phong tục, tập quán lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 54,2%. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt chính sách an ninh lương thực, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước nên bước đầu Mù Cang Chải đã có những đổi thay tích cực về kinh tế - xã hội.
Phiên chợ vùng cao Mù Cang Chải.
|
Để tháo gỡ những khó khăn trong đời sống của nhân dân, huyện chủ trương tập trung giải quyết tốt vấn đề lương thực và khai thác tốt tiềm năng nông lâm nghiệp có tính đặc thù của huyện.
Ông Thào A Sàng- Chủ tịch UBND huyện cho biết: “điều vui mừng đối với địa phương là 5 năm trở lại đây, việc gieo cấy lúa nước 2 vụ/ năm đã dần đi vào ý thức tự giác của người dân. Năm 1991, cấy thử nghiệm vụ xuân 15 ha, năm 2007 diện tích lúa xuân đã cấy được 600 ha bằng các giống Nhị Ưu 838 và TH33 và năm 2008 là 650 ha, năm 2009 đã lên 700 ha.
Năng suất lúa xuân trung bình đạt 42 tạ/ ha. Vụ mùa bà con gieo cấy ổn định 2.345 ha, năng suất đạt 37 tạ/ ha. Bên cạnh cây lúa đã góp phần tăng đáng kể sản lượng lương thực thì cây ngô trồng 2 vụ khoảng 2.500 ha và 350 ha đậu tương. Năm 2008, sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 17.254 tấn, năm 2009 phấn đấu lên 18.200 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 360 kg/ năm, Mù Cang Chải đã có thể đảm bảo đủ an ninh lương thực.
Ngoài các loại cây trồng, do đặc thù là huyện vùng cao nên chăn nuôi gia súc cũng là thế mạnh với đàn trâu đã có gần 10.000 con, đàn bò gần 7.000 con, đàn lợn trên 25.000 con.
Để phát triển kinh tế bền vững và khai thác tốt thế mạnh nông lâm nghiệp, Mù Cang Chải đã coi trọng việc tổ chức mở các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm tới các thôn, bản dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”; đưa cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh về phát triển kinh tế hộ thông qua các chương trình, dự án và đào tạo nghề cho nhân dân.
Cùng với việc khai thác thế mạnh nông lâm nghiệp, Mù Cang Chải còn có lực lượng lao động dồi dào và huyện cũng đã coi đây là nguồn lực để xóa đói giảm nghèo thông qua xuất khẩu lao động. Các nguồn đầu tư của Chính phủ qua chương trình 134, 135 và dự án của các tổ chức phi chính phủ đã được triển khai thực hiện rất hiệu quả để củng cố, phát triển hệ thống cơ sở vật chất: điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch vệ sinh môi trường, nâng cao dân trí, ổn định cuộc sống của nhân dân. 5 năm trở lại đây, mỗi năm huyện giảm 7% hộ nghèo; 13/ 13 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 10/13 xã được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 70% số hộ được sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường; 85% số hộ có phương tiện nghe nhìn; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 55%; công nghiệp – xây dựng 18%; thương mại dịch vụ 27%; tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt 11,5%; năm 2009 ước đạt 12,5%.
Cùng với việc từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nhằm tạo động lực trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đề cao việc phát huy dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; giải quyết tốt những ý kiến, kiến nghị của nhân dân để nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đây cũng là điều kiện quan trọng để tạo ra sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc thúc đẩy đời sống kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Thạch Phong
Các tin khác
Liên bộ Tài chính - Công thương đã cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước tăng giá 1.000 đồng/lít xăng, dầu. Giá mới sẽ được áp dụng vào 10 giờ sáng nay 10.6.
YBĐT - Giống T10 được lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp DT10 của Việt Nam và Amber 33 của Irắc, đã được khảo nghiệm, kiểm nghiệm quốc gia qua 3 vụ (từ vụ mùa 2003-2004), đa số nông dân Đại Phác, Phù Nham (Yên Bái)đều đánh giá rất cao năng suất cũng như chất lượng của nó.
Ngày mai (11-6), thỏa thuận nối liền hệ thống đường sắt của 28 quốc gia châu Á và châu Âu, được LHQ hậu thuẫn, sẽ chính thức có hiệu lực. Thông báo này vừa được Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) đưa ra trong cuộc họp tại New York (Mỹ) ngày 9-6.
Tập đoàn vận tải hàng không Việt Nam ngày 8.6 đã được trao một trong bốn giải thưởng của Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) tại Đại hội thường niên của Hiệp hội được tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia.