Phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2009 | 12:00:00 AM

Trong chiến lược từ nay đến 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam được tổ chức lại theo hướng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường…

Tại hội thảo “Tình hình chăn nuôi Việt Nam - cơ hội và thách thức” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh hôm nay (11/6), ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, ngành Chăn nuôi Việt Nam sẽ được tổ chức lại theo hướng gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chăn nuôi sẽ được phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2001- 2008, ngành chăn nuôi có mức tăng trưởng bình quân 8,4%/năm, nhưng năm 2008 chỉ đạt 5,82%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm từ 22,6% - 25,5% (năm 2008 chiếm 24,1%).

Chăn nuôi Việt Nam đang gặp những khó khăn, do quy mô nhỏ, phân tán, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật kém và thiếu đồng bộ; năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đều và chưa đảm bảo an toàn thực phẩm; giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.

Hoạt động chăn nuôi thiếu bền vững do dịch bệnh thường xảy ra, trong khi đó hệ thống thú y và trang bị kỹ thuật chưa đủ khả năng kiểm soát, khống chế dịch bệnh…Tỷ lệ giết mổ và chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm công nghiệp còn ít, chỉ chiếm khoảng 4% sản lượng thịt. Thị trường kinh doanh, mua bán, vận chuyển, đặc biệt là bảo quản sản phẩm chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ngành chăn nuôi Việt Nam mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có cơ hội phát triển, do nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi trên thế giới cũng như trong nước ngày càng tăng. Mặt khác, điều kiện tự nhiên, lao động, nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng được phần lớn cho chăn nuôi trang trại và công nghiệp. Đặc biệt, hiện nay phát triển chăn nuôi đã được hầu hết các địa phương ưu tiên đầu tư trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp…

Thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành chăn nuôi cơ bản sẽ chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, trang trại, công nghiệp; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 42%. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020: sản lượng thịt xẻ đạt 5.500 tấn/năm, trong đó thịt lợn chiếm 63%, thịt gia cầm 32%, thịt bò 4%, thịt khác 1%; sản lượng trứng đạt 14 tỷ quả và sữa tươi đạt trên 1 triệu tấn. Đến năm 2020, bình quân sản phẩm chăn nuôi/đầu người/năm đạt 56 kg thịt xẻ, 140 quả trứng và hơn 10kg sữa tươi; tỷ trọng thịt được giết mổ, chế biến công nghiệp đạt trên 40%...

Để đạt mục tiêu đề ra, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như: lợn, gia cầm, bò; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang chăn nuôi trang trại và công nghiệp…Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, như đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng bình quân 7,8%/năm, đạt 19 triệu tấn trong 27 triệu tấn thức ăn tinh vào năm 2020… Các địa phương chuyển một phần đất nông nghiệp để trồng cỏ thâm canh và cây nguyên liệu thức ăn năng suất cao, giàu chất đạm; tăng cường chế biến thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước và tận dụng phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi… Quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến gắn với chăn nuôi hàng hóa, đa dạng hóa mặt hàng thực phẩm chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Củng cố, nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương, nhất là thú y cơ sở, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; có khả năng khống chế kịp thời và hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi…

(Theo VOV)

Các tin khác

Từ 12/6, Bộ Tài chính chính thức giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu ma zút xuống còn 25%, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khi giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng cao.

Đội xe khách “VIP Hải Phượng” mới được đầu tư.

YBĐT - Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng Bến xe khách Nước Mát với tổ hợp thương mại và dịch vụ quy mô lớn tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng vừa triển khai dự án đầu tư nâng cấp phương tiện vận tải và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Lãnh đạo BIDV, VRB và Công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng.

YBĐT - Ngày 11/6, tại Yên Bái đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng dự án Thuỷ điện Văn Chấn giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB) và công ty Cổ phần thuỷ điện Văn Chấn.

Ngày mùa ở Mường Lò.

YBĐT - Nằm trong cánh đồng Mường Lò, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là cây lúa. Song, số hộ nghèo hiện nay của toàn xã theo tiêu chí mới vẫn có tới 300 hộ/760 hộ trong toàn xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục