Văn Chấn: Sản xuất lúa hàng hóa là tốt ... nhưng!
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái) là huyện có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, với 84 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và trên 4 ngàn ha diện tích lúa nước. Trong đó có cánh đồng Mường Lò rộng lớn phì nhiêu, người dân có trình độ thâm canh, hệ thống nước tưới ổn định. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song trong sản xuất nông nghiệp của Văn Chấn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
|
Có một thực tế là trong những năm qua huyện Văn Chấn đã có nhiều cố gắng, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất, sản lượng lương thực. Một trong những biện pháp chỉ đạo của huyện là tập trung đưa các giống lúa lai năng suất cao, lúa thuần ngắn ngày chất lượng tốt vào sản xuất. Bên cạnh đó huyện còn ban hành một số cơ chế chính sách như hỗ trợ sức kéo, vôi bột, trợ giá giống… tổng nguồn vốn lên đến gần một tỷ đồng mỗi năm.
Với quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao, hình thành vùng sản xuất hàng hoá ở vùng thấp huyện đã dốc toàn lực cho sản xuất. Nhờ những nỗ lực đó sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng tích cực theo hướng sản xuất tập trung, tăng hệ số sử dụng đất, giá trị trên mỗi ha canh tác. Tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đã đạt 50.357 tấn, trong đó thóc đạt gần 40 ngàn tấn, còn lại là ngô. Đời sống nông nghiệp, nông dân đã được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên tốc độ tăng trư-ởng trong ngành nông nghiệp vẫn chư-a tương xứng với tiềm năng-. Cơ cấu cây trồng tuy có chuyển dịch song tốc độ chậm, tình trạng thiếu lư-ơng thực và đói giáp hạt ở vùng cao vẫn còn nhiều. Vùng thấp tuy đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá song chưa rõ nét, hiệu quả thấp.
Nhận thấy rõ những tồn tại trong phát triển sản xuất, cùng với quyết tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp sản xuất tập trung, hàng hoá, năng suất, chất lượng huyện xây dựng “Dự án sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao” từ vụ mùa 2009. Dự án được thực hiện ở 10 xã tập trung ở cánh đồng Mường Lò với tổng diện tích 1.200 ha trong vụ mùa 2009 và mở rộng diện tích lên 1.400 ha vào vụ mùa 2010.
Dự án hỗ trợ cho các hộ thuộc vùng dự án với mức 10 ngàn đồng/kg giống lúa mới năng suất, chất lượng, 50% giá vôi bón ruộng cải tạo đất, tăng độ phì và các dịch vụ trực tiếp cho thâm canh… trong vụ mùa 2009 và 2010. Tổng vốn đầu tư cho cả hai vụ trên 37 tỷ đồng.
Mục tiêu của Dự án phấn đấu đến năm 2010, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn đạt trên 55 ngàn tấn; diện tích vụ đông đạt trên 2100 ha, đưa giá trị thu nhập trên mỗi ha sản xuất nông nghiệp đạt từ 50 triệu đồng trở lên.
Không phải đến hôm nay vùng Mường Lò mới có dự án trong sản xuất nông nghiệp, mà nó đã có một vài dự án trước đó với quy mô còn “hoành tráng” hơn, từ diện tích đến vốn đầu tư nhưng chưa có dự án nào thành công!
Việc xây dựng Dự án sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao là phù hợp với tiềm năng và xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhưng để thành công cũng cần phải có những giải pháp tốt.
Một trong những khó khăn, không riêng gì ở Văn Chấn mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh là ruộng đất của nông dân rất nhỏ lẻ. Trong khi đó sản xuất tập trung đòi hỏi phải liền vùng, liền thửa rồi đến trình độ, điều kiện của các hộ cũng phải tương đồng.
Không phải bây giờ bà con mới sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao mà đã làm từ vài ba năm nay, nhưng cuối cùng vẫn không có lúa gạo bán mà chỉ thành công ở hộ gia đình. Không cơ giới hoá vào sản xuất, làm manh mún, tự phát, giống lúa tạp nham, mạnh ai người nấy làm, thiếu đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, thiếu vốn đầu tư… đó là rào cản lớn trong sản xuất lúa hàng hoá.
Để Dự án sản xuất lúa hàng hoá hiệu quả Văn Chấn nhất thiết phải có quy hoạch tốt, vùng sản xuất lúa hàng hoá là phải liền ô, liền thửa chứ không làm kiểu “xôi đỗ” như hiện nay. Những thôn, bản, xã nào có điều kiện, người dân nhận thức tốt thì nên vận động bà con dồn điền đổi thửa để sản xuất tập trung. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ khi làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến khi thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Giống gieo trồng phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, ít nhất cũng phải là giống nguyên chủng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Một vấn đề hết sức quan trọng góp phần làm cho Dự án sản xuất bền vững đó là phải tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phát huy hết những tiềm năng vốn có, cùng với giải quyết tốt các tồn tại đã nêu chắc chắn Dự án Sản xuất lúa hàng hoá ở Văn Chấn thành công, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân 2008-2009, tỉnh Yên Bái gieo cấy trên 17.300 ha lúa, tăng 500 ha so với đông xuân trước. Trong đó, có 71% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa lai chủ yếu là Nhị Ưu 838 và các giống lúa thuần như: HT1, Chiêm Hương, Khang Dân. Đến nay, bà con trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa chiêm xuân. Năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 51 tạ/ha, tăng hơn vụ đông xuân trước 2,5 tạ/ha.
YBĐT - 5 tháng đầu năm 2009, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã trồng mới được trên 2000 ha rừng các loại, đạt trên 72% kế hoạch năm. Trong đó, có 734 ha quế, 500 ha keo, 785 ha bồ đề và cây lâm nghiệp khác.
Sáng 11-6, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đã khai trương đôi tàu chất lượng cao SP3, SP4 chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai.
Trong chiến lược từ nay đến 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam được tổ chức lại theo hướng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường…