Trấn Yên: Cần đầu tư chế biến để tăng hiệu quả kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh lâm nghiệp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã rà soát quy hoạch đất rừng sản xuất giao quyền làm chủ cho người dân; khuyến khích nhiều thành phần tham gia trồng rừng; từng bước quy hoạch trồng rừng gắn với chế biến. Hàng năm, các cơ sở chế biến trên địa bàn khai thác khoảng 50- 60 ngàn m3 gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Phơi ván gỗ ở Lương Thịnh (Trấn Yên).
Phơi ván gỗ ở Lương Thịnh (Trấn Yên).

Trồng rừng được chú trọng

Huyện Trấn Yên có đất lâm nghiệp trên 46.518 ha, trong đó có trên 14.276 ha rừng tự nhiên và trên 31.689 ha rừng trồng kinh tế. Xác định trồng rừng là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã vận động nhân dân nhận đất trồng rừng, tuyên truyền và hướng dẫn người dân phát triển vốn rừng. Rừng và đất rừng được giao cho nhân dân quản lý và sử dụng hiệu quả. 

Để giảm bớt khó khăn cho người trồng rừng ở các xã vùng cao, các xã khó khăn, huyện có chính sách hỗ trợ các giống cây lâm nghiệp, phân bón; phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn cung cấp cây giống vật tư kịp thời vụ, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đến từng hộ dân.

Nhờ vậy, người dân đã rất gắn bó với rừng, đặc biệt, ở các xã vùng cao như: Hồng Ca, Quy Mông, Việt Hồng… trước đây chỉ quen phát rừng làm nương rẫy thì nay cũng tích cực tham gia trồng rừng. Hàng năm, toàn huyện trồng mới 1.500-2000 ha rừng; riêng từ đầu năm 2009 đến nay, đã trồng mới được trên 1.200 ha rừng tập trung, đưa tổng diện tích rừng kinh tế lên trên 31.689ha. Bà con tập trung trồng bằng giống keo, bạch đàn mô. Đây là giống cây có vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, chu kỳ sản xuất ngắn mà hiệu quả cao.

Việc đưa cây măng tre Bát Độ vào trồng đã tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế rừng tại Trấn Yên. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha đã cho thu hoạch hàng ngàn tấn măng mỗi năm. Xã Kiên Thành mỗi vụ măng đã đem về vài tỷ đồng. Các xã: Quy Mông, Đào Thịnh, Việt Cường, Việt Hồng, Việt Thành... trồng rừng cũng đang là hướng thoát nghèo và đi lên làm giàu.
                                       
Gắn trồng rừng với đầu tư chế biến

Hàng năm, Trấn Yên khai thác được 50 - 60.000m3 gỗ rừng trồng, đây là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến. Trong những năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, huyện ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút vốn đầu tư mở nhà máy, cơ sở chế biến gỗ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân. Trên địa bàn huyện đã có khoảng 70 cơ sở chế biến gỗ lớn, nhỏ giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động.

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến nhỏ lẻ và chế biến thô, dây chuyền lạc hậu đã dẫn đến gỗ thành phẩm thấp, khả năng thâm nhập thị trường kém, không đáp ứng điều kiện ký kết các hợp đồng lớn, hàng hoá chất lượng cao. Hầu hết các cơ sở sản xuất hiện nay đều thu mua gom nguyên liệu rồi về sản xuất ván bao bì, gỗ bóc... Sản phẩm làm ra chủ yếu là bán trong tỉnh, duy chỉ có sản phẩm đũa gỗ là xuất khẩu được dẫn đến giá trị chế biến gỗ nói chung còn thấp.

 

Khai thác gỗ rừng trồng ở xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên). (Ảnh: H.N)

Việc quy hoạch và cấp phép các cơ sở chế biến gỗ một cách tràn lan dẫn đến tình trạng có nơi thì nhiều nhà máy chế biến, nơi thì không có, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa dẫn đến người dân chi phí vận chuyển cao, tư thương ép giá. Ngược lại, những nhà máy sẵn có vẫn chưa tạo được vùng nguyên liệu tương xứng cho sản xuất, đặc biệt là các nhà máy giấy thời gian vừa qua thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản xuất cầm chừng.

Để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, huyện Trấn Yên cần hình thành các vùng nguyên liệu bền vững như vùng nguyên liệu sợi dài cho chế biến giấy vàng mã, giấy bao bì và vùng nguyên liệu phục vụ chế biến giấy, ván bóc, công nghiệp chế biến gỗ lớn; phát triển cơ sở chế biến lâm sản có công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp, hạn chế thấp nhất việc tiêu thụ nguyên liệu thô, tránh tình trạng xây dựng cơ sở nhà máy chế biến mang tính tự phát và tự điều chỉnh, thiếu ổn định; tạo điều kiện để người trồng rừng ở các xã khó khăn cùng các cơ sở chế biến được vay vốn ưu đãi để sản xuất.

Để khuyến khích người trồng rừng trực tiếp bán sản phẩm cho các cơ sở chế biến không qua các tổ chức trung gian thì các công ty lâm nghiệp, cơ sở chế biến nên hợp đồng hoặc ký kết với các hộ để bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác dự báo thị trường, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản rừng trồng, trong đó chú ý đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ chế biến lạc hậu. Có như vậy, mới khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của rừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Văn Thông

Các tin khác

Giá vàng trong nước sáng nay (17/6) tăng 5.000 đồng/chỉ so với giá áp dụng cuối buổi sáng hôm qua, nhờ giá vàng thế giới trải qua một phiên phục hồi nhẹ. Giao dịch trên thị trường vàng miếng chưa có sự chuyển biến nào lớn, dù mốc giá 21 triệu đồng/lượng đã không còn.

Ngày 16/6, Ngân hành Nhà nước và Ngân hàng thế giới (WB) đã ký hiệp định tín dụng cấp 202 triệu USD tín dụng ưu đãi, giúp Việt Nam tăng nguồn cung điện cho lưới điện quốc gia từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Nông dân huyện Yên Bình thu hoạch lúa xuân.

YBĐT - Vụ xuân năm 2009, Hội Phụ nữ huyện Yên Bình (Yên Bái) đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Trung tâm Xúc tiến việc làm Tỉnh hội phụ nữ triển khai thử nghiệm mô hình bón phân viên nén dúi sâu tại 3 xã: Đại Minh, Hán Đà và Vũ Linh.

YBĐT - Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của tỉnh Yên Bái đạt trên 6 triệu 500 nghìn USD (đạt trên 38% kế hoạch năm) và tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2008. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu trong 5 tháng gồm: giấy vàng mã, tinh bột sắn, quế vỏ, sứ điện, bột Cácbonatcanxi, ván ghép thanh, đũa gỗ, chè chế biến, sản phẩm may mặc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục