Chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa: Người nuôi thiếu giống tốt
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/3/2010 | 2:43:50 PM
YBĐT - Theo số liệu thống kê năm 2009, toàn tỉnh có 400.000 con lợn, trong đó có 49.000 con lợn nái, 1.553 lợn đực giống.
![]() |
Một mô hình nuôi lợn nái ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Chi)
|
Nếu xét về mặt lý thuyết thì với 49.000 lợn nái, trong đó có khoảng 35.000 lợn nái trong thời điểm sản xuất, mỗi lợn nái chỉ cần cung cấp 14 con lợn giống/năm thì chúng ta hoàn toàn có thể tự túc được giống lợn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lợn nái hiện nay chủ yếu được nuôi trong các hộ với quy mô nhỏ lẻ.
Có ý định phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ông Nguyễn Kim Hội ở thôn 1 xã Văn Phú (TP. Yên Bái) đã mua thêm 22 con lợn giống tại Phú Thọ để bổ sung cho đủ 100 con.
Thật không may, ông đã mua phải lợn ủ bệnh và ngay sau khi mua về đã phát bệnh và lây lan sang toàn bộ đàn lợn đang có tại nhà, làm chết gần 100 con lợn, gây thiệt hại khá lớn. Tương tự như vậy, ông Vũ Văn Vị, thôn 7 xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) có sẵn 70 con lợn, mua thêm 30 con lợn giống thông qua lái buôn tại Vĩnh Phúc.
Ngay sau khi mua bổ sung, đàn lợn đã phát bệnh, làm cho gia đình lao đao, đến bây giờ vẫn còn “sợ” chưa dám nuôi trở lại.
Đó không phải là cá biệt đối với các hộ đầu tư nuôi lợn thịt với quy mô lớn, gặp phải rủi ro trong việc mua phải con giống ủ bệnh. Anh Nguyễn Văn Hồi, thôn 3 xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) là hộ có trên 20 lợn nái mới mua về nói: “Khi có ý định phát triển chăn nuôi lợn, chúng tôi cũng đã phải tìm hiểu và nắm bắt về khoa học kỹ thuật, cho nên biết rằng việc mua con giống trôi nổi thì nguy cơ mắc dịch bệnh là rất lớn, con giống không đồng đều về độ tuổi, rất khó chăm sóc, song chúng tôi cũng chẳng biết mua ở đâu cả nên đành phải đặt hàng những người chuyên buôn lợn giống cung cấp cho chúng tôi”.
Anh Trần Văn Thống cùng ở xã Tân Thịnh là một thương lái đã cung cấp khá nhiều lợn giống cho các trang trại chăn nuôi lợn trong năm 2009 cho biết: nguồn cung cấp lợn giống chủ yếu là mua gom tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh và các tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang.
Thấy lợn khỏe mạnh thì mua, cũng chẳng biết người ta đã tiêm phòng bệnh hay chưa. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mình, khi mua về anh đều đưa về nhà và tiêm phòng bệnh xong mới giao cho các hộ và bảo hành đàn lợn 20 ngày nên được mọi người tín nhiệm. Với lại, anh Thống sẵn có nghề thú y nên lỡ lợn có mắc bệnh thì cũng chạy chữa được. Nếu người chăn nuôi không có kinh nghiệm, chỉ cần mua phải vài con mắc bệnh hay ủ bệnh thì sẽ lây lan ra cả đàn.
Qua tìm hiểu, thấy rằng hầu hết các hộ chăn nuôi đều có khó khăn trong việc mua giống lợn và nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh gây rủi ro là rất lớn, đặc biệt là đối với những hộ bắt đầu đi vào phát triển chăn nuôi lợn. Điều này, đặt cho chúng ta một câu hỏi là, phải giải quyết vấn đề về giống như thế nào?
Anh Nguyễn Tất Thắng, thôn Thanh Bình xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình) cho biết: hiện nay, gia đình anh nuôi ổn định 200 lợn thịt/lứa. Ban đầu anh cũng đã gặp phải dịch bệnh khi mua giống lợn từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ chuyển lên. Sau vài lần rủi ro, anh quyết định nuôi thêm 30 lợn nái để có thể chủ động cung cấp nguồn giống phục vụ, từ đó anh đã có thể yên tâm phát triển chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê năm 2009, toàn tỉnh có 400.000 con lợn, trong đó có 49.000 con lợn nái, 1.553 lợn đực giống. Nếu xét về mặt lý thuyết thì với 49.000 lợn nái, trong đó có khoảng 35.000 lợn nái trong thời điểm sản xuất, mỗi lợn nái chỉ cần cung cấp 14 con lợn giống/năm thì chúng ta hoàn toàn có thể tự túc được giống lợn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lợn nái hiện nay chủ yếu được nuôi trong các hộ với quy mô nhỏ lẻ.
Theo số liệu của Trung tâm Giống vật nuôi, thực hiện điều tra 948 hộ chăn nuôi lợn nái tại vùng thấp các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn (là vùng có phong trào chăn nuôi lợn tương đối phát triển) thì mới có 1.800 con lợn nái, như vậy mỗi hộ trung bình chỉ nuôi chưa được 2 con lợn nái trong đó, lợn giống nội (Móng Cái, ỉ, lang hồng) chiếm 70%, lợn nái lai chiếm 30%); giống nuôi không đồng nhất, thiếu chọn lọc, chủ yếu lợn nái được phối giống bằng phương pháp nhẩy trực tiếp, cũng là vấn đề cho thấy chăn nuôi lợn tại vùng được coi là tương đối phát triển vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ngoài ra, dịch bệnh cũng là một trở ngại rất lớn cho người chăn nuôi.
Ông Lương Văn Vinh – một hộ làm nghề nuôi lợn đực giống tại xã Mậu A (huyện Văn Yên) cho biết: “Tôi đi nhiều nơi thấy, từ năm 2008 đến nay bệnh lợn nghệ (leptospira) xuất hiện rất nhiều trên đàn lợn nái. Nhiều hộ đã phải để trống chuồng do lợn mắc bệnh chết, mà nếu có chữa khỏi thì khả năng sản xuất cũng không cao, bệnh này có khả năng lây lan mạnh và rất khó chữa”.
Trong 2 năm trở lại đây, với chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa, tỉnh cũng đã hỗ trợ 30 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lợn nái với quy mô 20 con trở lên. Chính sách này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Đã có gần 100 trang trại chăn nuôi lợn nái đảm bảo các tiêu chí được hỗ trợ. Tuy nhiên, số lượng như vậy còn rất ít, cần phải đẩy mạnh phát triển thêm nữa. Kèm theo đó là phải kiểm soát tốt chất lượng đàn nái nuôi trong các hộ này để đảm bảo có con giống tốt.
Trở lại vấn đề, làm thế nào để phát triển sản xuất giống lợn trong nông hộ có hiệu quả? Thì mô hình phát triển chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Tất Thắng là một trường hợp cho chúng ta một gợi ý rất đáng quan tâm.
Trước mắt, người chăn nuôi lợn thịt nên chủ động con giống bằng cách chăn nuôi lợn nái để có thể tự cung cấp con giống và giảm được giá thành. Hai cơ sở chăn nuôi lợn lớn của tỉnh hiện nay là Tổng công ty Hoà Bình Minh và Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao cũng đang áp dụng hình thức này.
Tuy nhiên, về lâu dài thì tỉnh cũng cần phải có những trang trại chăn nuôi lợn ông bà để có thể cung cấp đàn lợn bố mẹ cho người chăn nuôi lợn sản xuất lợn thương phẩm. Có như vậy thì chúng ta mới có thể kiểm soát được vấn đề chất lượng con giống và dịch bệnh. Còn về lợn đực giống, hiện nay với hình thức phối giống nhẩy trực tiếp là chủ yếu (trung bình cứ 32 lợn nái có 1 lợn đực giống).
Điều này là không tốt, do chủ yếu sử dụng lợn đực giống nhẩy trực tiếp, chất lượng con giống sẽ không cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn. Trong 2 năm gần đây, Trung tâm Giống vật nuôi cũng đã xây dựng được 6 điểm thụ tinh nhân tạo lợn tại vùng thấp các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn theo hình thức chủ yếu là chuyển đổi các hộ đang nuôi lợn giống nhẩy trực tiếp, chuyển sang làm thụ tinh nhân tạo.
Các hộ này được đào tạo về kỹ thuật khai thác, pha chế tinh lợn và phối giống cho lợn nái và chịu sự quản lý về kỹ thuật của Trung tâm. Ngoài ra, còn được hỗ trợ mua giống lợn có chất lượng tốt để khai thác tinh. Thực tế cho thấy, mô hình chuyển đổi này rất hiệu quả, mỗi năm 6 điểm này đã phối giống cho được gần 10.000 lượt lợn nái, nếu tiếp tục phát triển trong thời gian tới sẽ đảm bảo được chất lượng của con bố cho việc phát triển sản xuất lợn giống tại địa phương. Hiện nay, sản lượng thịt lợn hàng năm chiếm tới gần 80% tổng sản lượng thịt của tỉnh.
Việc phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa tập trung không những tạo ra cơ hội làm giàu cho người chăn nuôi mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Tuy nhiên, vấn đề con giống cần phải được chú trọng hơn nữa để tạo tiền đề phát huy hiệu quả trong chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Nguyễn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Sáng 11/3, Huyện ủy - HĐND- UBND huyện Lục Yên đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân xuân Canh Dần 2010.

Sau khi xuống mức giá thấp nhất kể từ hai tuần qua, giá vàng trong nước đã tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng 12.3.

YBĐT - Đó là một trong những hình ảnh có thể bắt gặp bất cứ lúc nào trên rất nhiều cánh đồng ở Lục Yên trong những ngày này. Người dân phải chờ đợi, tìm mọi cách có thể và mong ngóng từng dòng chảy quý báu...
YBĐT - 2 tháng đầu năm 2010, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đạt 8 tỷ 120 triệu đồng (bằng 4,9% kế hoạch năm, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2009).