Những trăn trở từ mô hình hóa ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/4/2010 | 2:50:40 PM

YBĐT - Nhằm giúp người dân thường xuyên tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã không ngừng mở rộng các mô hình trình diễn, nhằm nhân rộng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình gà an toàn sinh học tại xã Minh Quán (Trấn Yên).
Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình gà an toàn sinh học tại xã Minh Quán (Trấn Yên).

Từ những mô hình

Là một trong những hộ mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, ông Nguyễn Đình Vị, thôn 4, xã Minh Quán cho biết: “Đúng là nuôi gà an toàn có khác! Nhà tôi nuôi 200 con nhưng từ khi mua về đến khi bán không có con nào bị chết do dịch bệnh, thời gian sinh trưởng lại nhanh. Sau 2 tháng, mỗi con gà đã đạt từ 2,2 kg đến 2,5 kg”.

Cùng chung niềm vui trên, bà Nguyễn Thị Giang, thôn 4 cho biết: “Qua lứa đầu tiên nuôi thử, tôi thấy nuôi gà theo mô hình an toàn sinh học cho hiệu quả nổi trội so với các loại gà công nghiệp khác về độ an toàn và chất lượng thịt. Hiện gia đình đã đầu từ xây dựng chuồng trại để mở rộng mô hình này”.

Qua trao đổi với các cán bộ tại Trạm Khuyến nông huyện được biết, ngoài mô hình nuôi gà an toàn sinh học thì mô hình thử nghiệm hai giống lúa mới TL6 và SH2 cũng thu được những kết quả khả quan và sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Theo anh Đặng Văn Tình, ở thôn 2, xã Minh Quán, vụ đông xuân 2009, nhà anh đưa giống TL6 vào gieo trồng trên cả 4 sào ruộng, năng suất đạt 57 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ so với các giống lúa thông thường.

Cũng mạnh dạn đưa giống SH2 vào gieo cấy, nhiều gia đình như bà Nguyễn Thị Mùi, Đàm Văn Tuấn… rất vui mừng vì năng suất thu được cao hơn nhiều so với mọi năm.

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông cho biết: “Năm 2009, Trạm đã thực hiện 16 mô hình trình diễn, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, có khẳ năng nhân ra diện rộng và sản xuất đại trà như: mô hình nuôi gà an toàn sinh học, mô hình thử nghiệm hai giống lúa chất lượng cao là TL6, SH2 và các mô hình ứng dụng tiến bộ vào sản xuất”.

Còn nhiều trăn trở…

Đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, nhưng bà Giang cũng không khỏi băn khoăn vào trước sự bấp bênh của giá cả và thị trường tiêu thụ. Bà cho biết: “Cũng may, hồi tôi bán lứa gà là vào dịp có nhiều đám cưới, đám hỏi nên hết ngay, nhưng giá lại hơi thấp. Như vậy, nếu vào những dịp bình thường thì chúng tôi rất khó trong tiêu thụ sản phẩm?”.

Qua khảo sát, đa phần các gia đình thực hiện mô hình nuôi gà an toàn sinh học đều băn khoăn bởi nếu mở rộng mô hình thì sẽ tìm nguồn cung ứng giống tốt ở đâu? Trong khi đó, lại gặp khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại. Theo bà Liệu, có nhiều mô hình thực hiện mang lại hiệu quả nhưng đến khi nhân rộng thì lại gặp khó khăn về vốn...

Bên cạnh đó, sự tiếp nhận của người dân lại ở những mức độ khác nhau, có người thì nhiệt tình áp dụng, đưa kỹ thuật mới vào sản xuất, có người lại sợ không muốn áp dụng cái mới vào vì sợ thất bại. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, có người tham gia mô hình chỉ để nhận hỗ trợ, khi kết thúc thì không có nhu cầu bỏ vốn ra mở rộng sản xuất.

Thêm vào đó, những quan ngại về đầu ra cho sản phẩm cùng với sự bấp bênh của giá cả thị trường đang là trở ngại cho việc nhân rộng các mô hình khuyến nông.

Đặt vấn đề này với ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện, được biết, để giải quyết những khó khăn này, huyện đang đẩy  mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp họ làm quen với sản xuất hàng hoá, thay cho sản xuất tự cung tự cấp.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện là giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay, vì thế huyện đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tập trung nguồn lực, nguồn vốn cho các hộ vay theo các chương trình kinh tế trọng điểm. Cử lãnh đạo ngân hàng tham gia các ban chỉ đạo các chương trình kinh tế...

Hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Vạn Đạt là ký hợp đồng đầu tư trồng tre măng Bát Độ và bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện, nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp, nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư đã được thực hiện như: tạo hành lang thông thoáng về cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính và mặt bằng xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng là một giải pháp mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

Kết quả thu được từ nhiều mô hình trình diễn, là cơ sở để sản xuất nông nghiệp thay đổi bộ mặt, chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình, phát huy những kết quả đã đạt được, cần có sự quyết tâm, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành và sự đồng thuận từ phía người dân.

Hùng Cường

Các tin khác

Mở cửa giao dịch đầu tuần (19.4), giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng nhẹ. Giá vàng trong nước tăng khoảng 20.000 đồng/lượng; còn giá vàng thế giới tăng 2 USD/ounce.

Mô hình trồng rau vụ đông ở Trạm Tấu thu lợi trên 30 triệu đồng/ha.

YBĐT - Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu lâu nay thường xuyên thiếu rau xanh. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao Trạm Tấu lại không thể tự sản xuất rau xanh để phục vụ nhu cầu tại chỗ?

YBĐT - Vụ xuân năm 2010, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) gieo cấy lúa xuân với cơ cấu 100% giống kỹ thuật. Thời gian qua, thời tiết khô hạn kéo dài nên toàn huyện bị khô hạn 9 ha lúa xuân.

Bộ Công Thương vừa ban hành chỉ thị nhằm đảm bảo việc cung - cầu, bình ổn giá cả mặt hàng thép, góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục