Bình ổn giá và kiềm chế lạm phát: Không để “té nước theo mưa”

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/4/2010 | 8:06:57 AM

Kết thúc quý I, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,12% so với tháng 12-2009. Đây thật sự là một gánh nặng cho mục tiêu bình ổn giá và kiềm chế mức lạm phát không quá 7% trong năm nay.

Những diễn biến bất thường
CPI tháng 3 các năm thường tăng trưởng âm. Nhưng năm nay đã có những diễn biến không bình thường. Cụ thể, sau khi giảm nhẹ trong tháng 2, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới trong tháng 3 tiếp tục tăng (dầu thô, phôi thép, giấy…) trước những thông tin khả quan về phục hồi kinh tế, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cao hơn so với năm ngoái. Tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt với đồng USD cũng diễn biến không thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu.

Trong nước, do tháng 3 diễn ra nhiều lễ hội, nên giá một số dịch vụ, hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao. Hơn nữa, sau khi giá một số mặt hàng "đầu vào" quan trọng liên tục tăng, như điện, xăng… dẫn đến việc tăng CPI. Do chi phí sản xuất tăng, giá nguyên liệu nhập khẩu cao hơn (giá thế giới tăng, tác động điều chỉnh tỷ giá, lãi suất cho vay…) nên giá một số hàng hóa đã, đang tăng. Đặc biệt, giá thép xây dựng gần đây đã tăng cao, có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới. Một yếu tố khiến giá cả thị trường "nhấp nhổm" là do chuẩn bị tăng lương cho nhiều đối tượng. Đó là những nhân tố ảnh hưởng đến CPI tháng 3 và những tháng sắp tới. So với mục tiêu kiềm chế CPI cả năm tăng 7%, những tháng còn lại sẽ chỉ được phép tăng trung bình khoảng 0,3%/tháng. Đây là thách thức lớn đối với sự điều hành vĩ mô của công tác quản lý.

Kiểm soát chặt chẽ bán lẻ
Hơn 8 tháng còn lại của năm là khoảng thời gian khá dài, nếu xu hướng tăng giá như những tháng đầu năm tiếp tục diễn ra thì việc khống chế mức lạm phát không quá 7% sẽ rất khó. Hiện, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố làm cho CPI có thể tăng, như mức tăng giá điện được tính vào tháng 4 (CPI tháng 4 tính từ ngày 15-3 đến 15-4), giá nguyên, nhiên liệu nhập khẩu có xu hướng tăng, lãi suất ngân hàng tuy đã dịu xuống, nhưng vẫn ở mức cao so với sức chịu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ đẩy giá thành của nhiều loại sản phẩm gia tăng. Tâm lý tăng giá bán hàng, nhất là hàng tiêu dùng đang trở thành "làn sóng" đe dọa CPI tiếp tục tăng.

Câu hỏi đặt ra cho các cấp quản lý làm thế nào để kiềm chế CPI, mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một số biện pháp đã được cân nhắc, khuyến cáo như theo dõi diễn biến quan hệ cung - cầu những mặt hàng thiết yếu; các loại nguyên, nhiên vật liệu "đầu vào" cho sản xuất để can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Từng DN, nhất là tập đoàn, tổng công ty cần có đối sách để thực hiện việc tiết giảm chi phí, thận trọng tính giá bán… Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với những giải pháp hợp lý vẫn có khả năng đạt mục tiêu ngăn chặn đà lạm phát. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ khu vực bán lẻ trên thị trường tự do (hiện chiếm 40% doanh số các mặt hàng trong "rổ" CPI), bởi thị trường này khó kiểm soát, rất "nhạy cảm". Nếu quản lý tốt khu vực này sẽ hạn chế được tình trạng "tát nước theo mưa".

Các chuyên gia cảnh báo, về lý thuyết giá cả tuân thủ theo nguyên tắc và diễn biến của quan hệ cung - cầu, song thực tế những năm qua việc cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm về số lượng và thời gian, nhưng giá cả vẫn tăng. Vì thế, yếu tố tâm lý rất quan trọng, cần nghiên cứu cách ứng phó, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động tuyên truyền để giới tiêu dùng chủ động. Mặt khác, cũng không nên cho rằng, các yếu tố "đầu vào" tăng, sẽ dẫn đến tăng chỉ số giá ngay lập tức. Vấn đề là hiệu ứng liên tục, nhưng vẫn cần có thời gian để thị trường tự điều chỉnh cũng như cần đến sự điều hành của ngành chức năng.

Một công cụ đắc lực cho quản lý giá là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đang được nhắc đến và nhấn mạnh vai trò, nhất là ở địa bàn các đô thị lớn. Tại Hà Nội, lực lượng QLTT đang triển khai đồng loạt nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm vào những DN, cơ sở kinh doanh những mặt hàng có biểu hiện tăng như thép, phân bón, tân dược, lương thực, đường, xi măng… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm. Được biết, những đợt kiểm tra tương tự đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố và được dư luận đồng tình ủng hộ.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, chống tăng giá bất hợp lý, nâng cao trách nhiệm với xã hội và xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là kiềm chế lạm phát, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến là trước mắt chưa tăng giá xăng dầu; cần điều chỉnh lãi suất ngân hàng hợp lý, linh hoạt; tăng cường các hoạt động kiểm soát giá trên thị trường; thắt chặt việc cấp vốn, nhất là ngừng cấp vốn cho những dự án chậm tiến độ; xem xét việc sử dụng các quỹ bình ổn để chống lỗ cho DN; kiên quyết dừng việc nhập khẩu hàng xa xỉ, chưa cần thiết…

(Theo HNM)

Các tin khác

Thủ tướng vừa đồng ý cử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

YBĐT - Ngày 19/4/2010, Ngân hàng Chính sách – Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai công tác uỷ thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội năm 2010.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình gà an toàn sinh học tại xã Minh Quán (Trấn Yên).

YBĐT - Nhằm giúp người dân thường xuyên tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã không ngừng mở rộng các mô hình trình diễn, nhằm nhân rộng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Mở cửa giao dịch đầu tuần (19.4), giá vàng trong nước và thế giới cùng tăng nhẹ. Giá vàng trong nước tăng khoảng 20.000 đồng/lượng; còn giá vàng thế giới tăng 2 USD/ounce.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục