Phòng chống cháy rừng - lấy phòng là chính

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/9/2010 | 9:00:28 AM

YBĐT - Trong nhiều năm qua, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) ở Yên Bái luôn được ngành kiểm lâm cùng các huyện, thị, ban quản lý rừng, các lâm trường, chủ rừng quan tâm, song trong vài năm trở lại đây tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra liên tục.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Chỉ tính riêng năm 2009 - 2010 toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 1 ngàn ha rừng phòng hộ, rừng trồng. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do công tác PCCR của các địa phương, chủ rừng và người dân chưa được tốt, cùng với đó có tới 80% số vụ cháy là do đốt nương làm rẫy. Vẫn biết công tác PCCR là rất khó khăn, nhưng không phải là không làm được.

Việc phát nương làm rẫy của đồng bào dân tộc vùng cao, nhất là người Dao và người Mông là không thể thiếu, bởi vấn đề lương thực cho người và gia súc. Song có một vấn đề đặt ra là, từ nhiều năm nay người dân phát nương làm rẫy tràn lan và dường như chúng ta không kiểm soát được. Trước đây việc phát nương làm rẫy chỉ xảy ra ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, nhưng giờ đây không chỉ là vấn đề bức xúc ở vùng cao nữa, mà cả các huyện, thị vùng thấp cũng đang là một vấn đề nhức nhối. Theo thống kê cho thấy, có tới 80% số vụ cháy rừng là do đốt nương làm rẫy.

Bên cạnh đó, phải nói đến các ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) chỉ đạo chưa tích cực, chưa theo hết diễn biến của thời tiết và giám sát khi bà con xử lý thực bì để trồng rừng, làm nương rẫy. Lực lượng nòng cốt cho công tác PCCCR vừa thiếu, vừa yếu. Công tác kiểm tra của Ban chỉ huy PCCCR từ huyện xuống cơ sở chưa thường xuyên. Nhiều Ban chỉ huy PCCCR còn chưa có quy chế hoạt động, hoạt động không thường xuyên, nhất là vào những tháng cao điểm.

Hầu hết các xã chưa thực hiện tốt Quyết định 245/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Chủ rừng còn chủ quan và thiếu trách nhiệm trong công tác PCCCR trên diện tích rừng mình được giao quản lý. Các chủ rừng không thực hiện thiết kế và thi công các công trình PCCCR.

Để hạn chế cháy rừng đến mức thấp nhất, nhất thiết phải làm tốt công tác quy hoạch làm nương rẫy, có quy hoạch được chúng ta mới kiểm soát được cháy rừng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không phát rừng làm nương rẫy bừa bãi, hướng dẫn kỹ thuật đốt nương, tổ chức ký cam kết tới từng hộ dân. Xây dựng bảng tin, biển báo cháy rừng, in ấn, cấp phát tờ rơi, thành lập tổ đội chữa cháy rừng. Cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn phải nắm được các hộ ở thôn, bản mình phụ trách để kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các mảnh nương phải có đường băng cản lửa, đảm bảo an toàn mỗi khi đốt và nghiêm cấm đốt vào những ngày nắng nóng, gió Lào thổi. Đặc biệt, phải kiên quyết không cho người dân phát thêm diện tích nương mới.

Không ngừng tăng cường củng cố hoạt động của các Ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến xã, các chủ rừng, tổ chức các lực lượng xung kích tuần tra canh gác trên các khu rừng trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đặc biệt là các hộ dân trực tiếp làm nương rẫy. Tất cả người dân khi đốt nương, làm rẫy phải làm đường băng cản lửa bao quanh, khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ phương tiện dập lửa khi cháy lan vào rừng.

Tất cả các xã, thôn, bản phải lập ra các đội PCCCR; phân công cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn, phối hợp với chính quyền cơ sở thống kê toàn bộ nương rẫy nhân dân đang sản xuất, từ đó, lập phương án phòng cháy cho từng mảnh nương cụ thể. Đối với các xã, khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tăng cường lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra canh gác, đảm bảo giảm thiểu tối đa cháy rừng. Nhất là trong những ngày từ đầu tháng 12 và thời điểm giáp tết Nguyên đán, bởi đó là thời điểm gió Lào thổi mạnh và cũng là lúc bà con phát nương làm rẫy.

Với những biện pháp đó, cùng sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chủ rừng và bà con nhân dân hy vọng mùa khô 2010 - 2011 sẽ không còn xảy ra cháy rừng.  

Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc chủ trì lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác xúc tiến đầu tư ba bên giữa tỉnh Yên Bái - đại diện là Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (IPCN) và KOTRA Hà Nội vào ngày 28/09/2010 tại Hà Nội.

Ngày 27.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thép xây dựng, chủ yếu là thép cuộn, nhập khẩu từ các nước ASEAN tiếp tục được đưa về thị trường các tỉnh khu vực phía Nam với mức giá trung bình 13,5 triệu đồng/tấn, thấp hơn giá thép sản xuất trong nước ít nhất 500.000 đồng/tấn.

Ngày 27-9, Tổng cục Hải quan cho biết, đã có văn bản yêu cầu hải quan cửa khẩu các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát chặt giá các mặt hàng sữa nhập khẩu vào Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục