Yên Bái: Tập trung phòng trừ rầy hại lúa
- Cập nhật: Thứ hai, 4/10/2010 | 2:31:59 PM
YBĐT - Đến thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái đã có hơn 2.000ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, trong đó đáng ngại là xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ dày. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, dịch sẽ còn tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa.
Hội viên phụ nữ Nghĩa Lộ tập huấn chuyển giao KHKT nông nghiêp.
(Ảnh: Minh Tuấn)
|
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 20.000 ha lúa mùa; 7.931 ha ngô và trên 2000 ha cây trồng khác. Đến thời điểm này, tại nhiều địa phương đã thu hoạch lúa mùa sớm để làm cây vụ đông, gần tháng nữa thì diện tích lúa mùa chính vụ sẽ vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nông dân đang phải đối phó với sâu bệnh.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 25-9, toàn tỉnh đã có 2.079 ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó nhẹ 1.292 ha, trung bình là 679,5 ha, nặng là 107,5 ha. Đáng ngại nhất là dịch rầy nâu, rầy lưng trắng đang hoành hành ở một số địa phương.
Đến nay, diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng trên 893 ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình Văn Yên, Trạm Tấu... với mật độ trung bình 750 -2000 con/m2, có nơi lên tới trên 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 con/m2. Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích lúa nhiễm rầy lớn nhất tỉnh với diện tích 640 ha.
Ngay sau khi có dịch, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Văn Chấn đã đề nghị các xã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt chú ý vùng ổ dịch và các giống nhiễm sâu bệnh, nắm bắt tình hình diễn biến của rầy nâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc diệt trừ một cách hiệu quả và thường xuyên theo dõi tình hình dịch để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tại các địa phương trong tỉnh, nông dân cũng đang tích cực chăm sóc lúa mùa trà 2 và chủ động phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Theo bà Hoàng Yến, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì: "Nguyên nhân rầy phát sinh mạnh là do thời tiết nắng mưa xen kẽ.
Cùng với đó là nông dân sử dụng giống nhiễm rầy, bà con chủ quan không thường xuyên thăm đồng và phun thuốc chưa đúng kỹ thuật. Do đó, diện tích nhiễm rầy nặng tăng gần gấp 2,7 lần so với cùng kỳ". Trước diễn biến của dịch, ngành nông nghiệp đã cử cán bộ xuống các huyện, thị theo dõi đồng ruộng để có biện pháp phòng chống kịp thời. Chi cục đã thông báo về tình hình dịch bệnh, mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh và hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng trừ đến từng địa phương; tham mưu cho Sở NN&PTNT về biện pháp phòng trừ để ngành có chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ kỹ thuật của Chi cục trực tiếp phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Nhiều diện tích có mật độ rầy nâu cao đã được phun thuốc nội hấp phòng trừ 2-3 lần… Nhờ vậy đã cơ bản khống chế được dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại diện tích lúa và không gây ảnh hưởng tới năng suất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lo ngại: "Từ nay đến ngày thu hoạch sẽ còn xuất hiện rầy trên lúa trà 2, nếu không phòng trừ kịp thời, rầy sẽ phát triển trên nhiều diện tích lúa còn lại và gây cháy rầy, thậm chí mất trắng. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối vụ là bà con phải tích cực phòng chống rầy triệt để.
Ngoài ra, cần chú ý một số đối tượng dịch hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh khô vằn cũng có khả năng gây hại trên trà lúa muộn. Việc phòng trừ sâu bệnh thời gian này cần làm triệt để, dứt điểm, hạn chế tối đa khả năng lây lan ảnh hưởng tới năng suất lúa". Để vụ mùa đạt năng suất cao, nhiệm vụ ưu tiên là phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nhận biết từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ. Nông dân cần tích cực thăm đồng phát hiện sớm sâu bệnh, khi xuất hiện có rầy nâu, rầy lưng trắng, bà con nên sử dụng thuốc nội hấp và thuốc tiếp xúc để phòng trừ hiệu quả. Trong trường hợp có rầy ở mật độ cao trên 5.000 con/m2 nên sử dụng hỗn hợp hai loại trên vào phun, khi sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và đúng kỹ thuật).
Thông Nguyễn
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng 4 - 10, tiếp tục tăng nhẹ, dù giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm do giới đầu tư quốc tế bán chốt lời.
YBĐT - Là đơn vị chủ lực cung cấp tới 70% lượng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua Công ty xăng dầu Yên Bái luôn coi công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả kinh doanh của đơn vị.
YBĐT - Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học với qui mô 3.685 con gà giống Lương Phượng lai Sasso.
Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết: nguồn than phục vụ cho sản xuất của các đơn vị thành viên thuộc Vicem đang trong tình trạng báo động.