Động lực giúp nông dân làm giàu
- Cập nhật: Thứ hai, 11/10/2010 | 9:48:24 AM
YBĐT - Với vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân thành phố Yên Bái là điểm tựa giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình hội viên Hà Tiến Hùng ở tổ 28, phường Yên Ninh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của thành phố với mô hình nuôi ba ba.
|
Đặc biệt, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã được các hội viên đồng tình hưởng ứng. Qua đó đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giữa hộ giàu với hộ nghèo.
Từ phong trào này đã khích lệ, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm và tập hợp được những hội viên biết dựa vào thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Tiêu biểu như gia đình anh Hà Tiến Hùng ở tổ 28, phường Yên Ninh với mô hình nuôi ba ba, là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của thành phố.
Anh Hùng cho biết, được sự giúp đỡ của tổ chức Hội, gia đình đã tham gia dự án của thành phố về hỗ trợ xây ao, mua giống và dự các lớp tập huấn kỹ thuật.
Nhờ đó, mô hình nuôi ba ba của gia đình ngày càng phát triển và được nhân rộng. Đến nay, anh có gần 600 m2 ao thả ba ba trị giá hàng tỷ đồng. Khác với anh Hùng, anh Phạm Thế Cầu ở xã Văn Tiến lại chọn mô hình tổng hợp VACR để phát triển kinh tế gia đình. Trên 10 ha đất, anh trồng các loại cây như: keo Úc, trám ghép, chè và các loại cây ăn quả như: bưởi, nhãn, vải, thanh long lõi đỏ, hơn 1.000 cây chanh Đà Lạt tứ thời. Hàng năm, anh cung cấp cho thị trường hàng chục tấn chanh quả, hàng vạn cây thanh long ruột đỏ... Gần đây, anh đầu tư nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 2.000 m2 mà chủ yếu là nuôi cá, ba ba.
Không chỉ anh Hùng, anh Cầu mà nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn thành phố cũng bứt phá đi lên, dám nghĩ dám làm như: hội viên Nguyễn Hương Vị, xã Phúc Lộc với mô hình trồng rừng, nuôi cá lồng; mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ sinh học của hội viên Nguyễn Văn An, xã Tân Thịnh; mô hình nuôi thỏ sinh sản và thỏ lấy thịt giống ngoại của hội viên Phạm Đức Toàn, phường Yên Thịnh...
Họ chính là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giúp đỡ các hội viên còn khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: giúp nhau cây, con giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm không tính lãi; giúp ngày công lao động, cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất… Qua đó, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố đã giúp đỡ 37 hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Mô hình nuôi thỏ của hội viên Phạm Đức toàn, phường Yên Thịnh cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Giúp bà con nắm được kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức 65 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông - lâm sản cho gần 2.750 lượt cán bộ, hội viên; mở 8 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 240 hội viên...
Các lớp tập huấn này đã giúp nhiều hội viên nông dân biết cách hạch toán kinh tế, mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội tạo điều kiện cho trên 2.550 hội viên vay với tổng số vốn gần 27 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn được đầu tư gắn với các chương trình tập huấn khuyến nông đã giúp các hội viên hiểu rõ và sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thêm việc làm để xóa nghèo.
Theo bà Hà Thị Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, từ đầu năm đến nay, Hội đã phát triển mới 144 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn thành phố lên 5.050 người. Có được kết quả đó là nhờ tổ chức Hội đã đa dạng hóa hình thức hoạt động, đổi mới nội dung, phương thức và chủ động lồng ghép nhiều chương trình thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, tổ. Hội cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại mô hình của các hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi để nhân rộng đồng thời thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Có định hướng của Hội, những hội viên nông dân thành phố không ngừng phát huy sức mạnh của tập thể, của tổ chức Hội để xây dựng phong trào, phát triển kinh tế theo con đường công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Nhằm từng bước đưa chăn nuôi thủy sản trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa vào nhiều con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao… Đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm lồng cá với sản lượng đánh bắt trên 2.000 tấn/năm.
YBĐT - Ngày 20/5/2008, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 – 2010.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép nhập khẩu vàng cho khoảng 10 đơn vị với khối lượng khoảng 3 tấn khiến giá vàng trong nước bám sát với giá thế giới hơn. Động thái này cũng giảm đà tăng giá của USD.
YBĐT - Đến ngày 6/10, toàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã thu hoạch được gần 1.400 ha lúa (năng suất dự ước đạt 46 - 47 tạ/ha) tập trung chủ yếu ở các xã Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Minh Quân.