Yên Thành chú trọng phát triển kinh tế rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2010 | 3:05:15 PM
YBĐT - Chúng tôi tới xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) vào thời điểm nhiều hộ dân trong xã đang bán lâm sản, dọc theo tuyến đường Đông Hồ có vô số gỗ được người dân khai thác xếp ngay ngắn hai bên vệ đường. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của từng người dân, vì rừng đã mang lại cho họ nguồn thu nhập khá.
Nhân dân xã Yên Thành (Yên Bình) phát triển trồng rừng kinh tế.
|
Điều này trái ngược hẳn với gần 15 năm trước đây khi mà cán bộ xã phải gõ cửa từng nhà mới có vài hộ gia đình tham gia trồng rừng. Chẳng mấy người dân khi ấy ngờ rằng rừng lại mang cho họ nhiều nguồn lợi đến thế. Gần 15 năm trồng cây gây rừng, màu xanh đã phủ kín diện tích rừng của xã. Phát triển kinh tế rừng thực sự đã trở thành hướng đi giúp người dân Yên Thành từng bước xóa đói giảm nghèo.
Xã Yên Thành có trên 2.500 ha là đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó Công ty Lâm nghiệp Thác Bà 360 ha, Công ty cổ phần Yên Thành 119 ha, rừng phòng hộ 360 ha, rừng đầu nguồn 200 ha, rừng kinh tế 1500 ha, độ che phủ của rừng đạt trên 65%. Xã có thế mạnh về giao thông, tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng. Những năm gần đây xã đã được đầu tư nhiều chương trình dự án mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của mình, cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng, diện tích đồi núi trọc của xã nhanh chóng được phủ xanh bởi những cánh rừng trồng.
Ông Bàn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Thành hồ hởi cho biết: “Không riêng gì cán bộ xã mà nhân dân các dân tộc ở Yên Thành đều xác định rõ, có làm tốt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng, kết hợp với chăn nuôi thì đời sống của nhân dân mới vươn lên được". Từ suy nghĩ này, lãnh đạo địa phương đã vận động nhân dân phối hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi để phát triển kinh tế, chỉ đạo nhân dân tập trung bảo vệ rừng khoanh nuôi để bảo vệ môi trường cũng như sinh thuỷ phục vụ đời sống cộng đồng, đối với rừng sản xuất, chỉ đạo nhân dân khắc phục khó khăn về nguồn vốn, chú trọng vào những cây có năng suất cao như keo úc, bạch đàn mô. Từ đó, hàng năm toàn xã đã trồng mới từ 80 - 100 ha rừng, khai thác đến đâu trồng mới đến đó, nguồn thu từ rừng hàng năm trên địa bàn xã đạt khoảng gần 3 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tới thăm trang trại của ông Hoàng Đức Vượng - thôn Ngòi Cụ, một điển hình trồng rừng của xã. Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Vượng phấn khởi nói: “Tất cả những thứ này đều từ rừng mà ra cả đấy!”. Khoảng 15 năm trước, trên 15 ha rừng của gia đình ông chủ yếu là cây gỗ tạp, giá trị kinh tế thấp. Ông huy động nhân lực trong nhà ra sức trồng rừng kinh tế. Phát hoang đến đâu, ông mua cây về trồng đến đó. Đất không phụ công người, sau ít năm, trên diện tích rừng của ông đã bạt ngàn màu xanh của keo lai, bạch đàn. Những năm đầu, ông trồng xen sắn để cỏ dại đỡ mọc đồng thời lấy nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đảm bảo chất lượng rừng, ông luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chặt chẽ. Ông đầu tư máy phát cỏ, thuê nhân công bón phân, tỉa cành.
Nhờ vậy rừng của gia đình ông luôn phát triển tốt, năm 2000, khai thác lứa đầu tiên đã cho thu về gần 80 triệu. Số tiền thu được ông tiếp tục đầu tư trồng keo Úc, bạch đàn mô vào diện tích vừa mới khai thác. Đến nay, trên 15 ha đất cho thu nhập thấp trước kia được thay thế bằng cây keo lai và bạch đàn giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan rừng, ông Vượng tâm sự: “Trồng rừng, ngoài việc nắm vững được đặc tính của từng cây để có mật độ trồng thích hợp thì việc áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây là yếu tố quan trọng. Phải thường xuyên dọn thực bì để đảm bảo cây phát triển tốt và phòng chống cháy.” Theo ông Vượng, trung bình 1 ha rừng trồng từ 1.600 - 1.800 cây, sau chu kỳ 6 - 7 năm thu được 90m3 gỗ, trừ chi phí đầu tư mỗi ha thu lãi 50 - 60 triệu đồng. Ngoài ra, khi cây chưa đến tuổi thu hoạch, có thể tỉa cành, tỉa cây bán làm cây chống phục vụ xây dựng hay bán làm chất đốt ngoài thị trường.
Nói về định hướng phát triển rừng của xã trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Đảng ủy, HĐND, UBND các tổ chức đoàn thể và nhân dân tiếp tục tham gia phong trào trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng vận động nhân dân đẩy mạnh trồng rừng theo hướng liên doanh, liên kết với công ty trong và ngoài huyện, coi đó là hướng phát triển hiệu quả không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ phát triển lâm nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường, cảnh quan phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn dưới 15% vào năm 2015".
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Nhiều năm, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đẩy mạnh phát triển cây vụ đông, đặc biệt là cây vụ đông trên đất lúa hai vụ, góp phần hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao.
YBĐT - Khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa và nuôi trồng nấm thực phẩm, nấm dược liệu, năm 2010, thành phố đã tích cực tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố tới nhân dân và bước đầu đem lại hiệu quả.
Sau những phiên giảm mạnh cuối tuần trước, sáng sớm 22/11, giá vàng đồng loạt điều chỉnh tăng đáng kể tại các cửa hàng kim hoàn và đang nỗ lực tìm về ngưỡng 36 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Xác định giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm luôn là vấn đề "nóng", tháng 9 năm 2010, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Yên Bái đã triển khai chuyên đề giám sát công tác giải phóng mặt bằng nhằm nắm bắt kịp thời những hạn chế, thiếu sót.