Đổi mới Cao Phạ
- Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 2:57:44 PM
YBĐT - Do trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác còn lạc hậu, điều kiện sản xuất vùng cao khắc nhiệt nên những năm qua, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đồng bào Mông Cao Phạ thu hoạch lúa.
|
Tuy nhiên, với rất nhiều cố gắng bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức đến các hành động, chương trình, việc làm cụ thể, những vấn đề khó trước đây như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng một cách hiệu quả; áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác... bước đầu Cao Phạ đã tìm được lời giải và cách làm phù hợp.
Xác định muốn thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân, trước hết cấp ủy, chính quyền xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục. Trong đó, vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định thành công. Do đó, để các hoạt động lãnh đạo phát triển kinh tế đạt hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hơn nữa việc phân cấp quản lý và giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức.
Cùng với đó, hàng tuần, hàng tháng trên cơ sở những công việc đã được triển khai, xã đều tổ chức họp trao đổi, bàn bạc, đánh giá những kết quả đã thực hiện được và đề ra nhiệm vụ cụ thể cho những tuần, tháng tiếp theo.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, bên cạnh việc tích cực phối hợp với ngành chức năng tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Cao Phạ còn chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư kết hợp với tăng cường huy động nhân dân tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đi các bản Lìm Thái, Lìm Mông; nâng cấp và xây dựng mới 4 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 8 km, đảm bảo tốt nước tưới tiêu cho các diện tích đất sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Cơ sở hạ tầng dần dần được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế nông lâm nghiệp trong xã có những bước chuyển tốt.
Diện tích đất sản xuất được duy trì và ngày phát triển, diện tích lúa cả năm trên địa bàn xã đến nay đã đạt 344 ha (tăng 55 ha so với năm 2005), diện tích ngô đạt 133 ha (tăng 43 ha), tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.911,7 tấn/ năm (tăng 411,2 tấn). Chăn nuôi, trồng rừng hay sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước phát triển. Đến nay xã đã có tổng đàn gia súc trên địa bàn trên 3.320 và 9.667 con gia cầm các loại.
Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ, đồng chí Vừ A Lử cho biết: “Nhờ sự đầu tư, tạo điều kiện của Nhà nước, bên cạnh việc duy trì sản xuất hiệu quả trên các diện tích đất nông nghiệp hiện có, bà con Cao Phạ bước đầu đã thực hiện tốt việc chuyển đổi gần 40 ha đất sản xuất nông nghiệp sang gieo trồng các loại cây rau màu như đậu tương, khoai tây... đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, tạo ra sản phẩm hàng hóa và dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống".
Để phát huy những kết quả đã đạt được và chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo đà cho kinh tế phát triển, ngoài việc tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, thường xuyên tuyên truyền, đưa những thành tựu khoa học kỹ thuật đến từng hộ gia đình, Cao Phạ mong muốn được Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố hoá các hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng quy hoạch và có những cơ chế chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiêu thụ các sản phẩm từ cây sơn tra; nâng cấp và xây mới một số công trình an sinh xã hội như: điện, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% và nâng mức thu nhập bình quân lên 6 - 7 triệu đồng/ người/năm.
Việt Lâm
Các tin khác
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện (TKĐ) ở ta gần như chỉ được chú trọng vào những thời kỳ thiếu điện. Mà theo lẽ thông thường, khi thiếu điện, giải pháp hữu hiệu nhất là cắt giảm tải để bảo vệ hệ thống. Vì vậy, việc tuyên truyền vào những thời điểm này dễ làm người dân hiểu rằng, nếu cần tiết kiệm ngành điện cứ việc cắt điện theo… lịch luân phiên.
Trong vài tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng giá một cách đột ngột, trong đó thị trường hút nhiều hàng nhất chính là Trung Quốc.
YBĐT - Sau một thời gian tạm lắng, ngày 9/11/2010, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu tại xã Tân Nguyên.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng 250 ha cây cao su trong năm 2010, huyện Văn Chấn đã giao chỉ tiêu và vận động nhân dân phối hợp cùng với Công ty Cao su Yên Bái chuẩn bị đất, cây giống và các vật tư phân bón phục vụ.