Huy động tổng lực phòng, chống dịch lở mồm long móng

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 8:53:07 AM

YBĐT - Trước diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng (LMLM) khi mà số địa phương có dịch và gia súc mắc dịch đang tăng lên từng ngày, UBND tỉnh đã có Quyết định chính thức công bố dịch LMLM gia súc trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái từ ngày 14/2.

Đưa gia súc nhiễm lở mồm long móng đi tiêu hủy.
Đưa gia súc nhiễm lở mồm long móng đi tiêu hủy.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, số gia súc mắc dịch LMLM tính đến ngày 18/2 đã tăng lên 1.073 con, trong đó: trâu 435 con, bò 234 con, lợn 404 con. 5 huyện, thị có gia súc nhiễm dịch LMLM: Yên Bình 499 con, Trấn Yên 55 con, Văn Yên 30 con, Mù Cang Chải 438 con và thị xã Nghĩa Lộ 51 con. Như vậy, đến thời điểm này, dịch LMLM đã xảy ra tại 278 thôn thuộc 50 thôn của 17 xã trên địa bàn 5 huyện, thị toàn tỉnh.

Nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ  bùng phát trên diện rộng nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hiện nay việc kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc giữa vùng có dịch với các vùng lân cận đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do người dân tâm lý “tiếc của” khi thấy gia súc có dấu hiệu bệnh liền tìm cách bán “chui” cho thương lái với mong muốn gỡ gạc lại ít vốn liếng.

Thêm vào đó, thời tiết rét đậm và mưa kéo dài trong những ngày qua cũng ảnh hưởng tới sức đề kháng của đàn gia súc cũng như công tác tiêm phòng, dập dịch. Nhiều đồng bào vùng cao vẫn còn giữ thói quen thả rông gia súc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thật chú ý tới công tác tiêm phòng, chữa trị cho vật nuôi khi xuất hiện dịch.

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, số gia súc mắc bệnh ngày càng tăng nên việc phòng chống dịch LMLM lúc này đang đòi hỏi sự huy động tổng lực. Các cấp chính quyền đến từng hộ dân đang nỗ lực để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự “tàn phá” của dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Tại huyện Yên Bình, nơi dịch bệnh lan rộng và có số gia súc mắc nhiều nhất với 499 con (gồm: trâu 171 con, bò 22 con và 306 con lợn), UBND huyện đã chỉ thị yêu cầu tất cả các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan tập trung cao độ công tác dập dịch. Tại những nơi có dịch, công tác  khoanh vùng, phun thuốc khử trùng tiêu độc, tiến hành tiêu hủy số gia súc nhiễm dịch đã được thực hiện. Nhiều chốt kiểm dịch cố định và cơ động được thành lập nhằm kiểm soát việc lưu thông gia súc giữa vùng có dịch và vùng không có dịch để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Còn tại thành phố Yên Bái, nơi có thể coi là đang nằm trong ổ dịch khi mà những địa bàn lân cận như Yên Bình, Trấn Yên đều đã xuất hiện dịch bệnh nhưng đến thời điểm trưa ngày 21/2 vẫn chưa có trường hợp gia súc nào nhiễm dịch. Bà Lê Thị Phúc - Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: “Ngay khi trong tỉnh xuất hiện dịch bệnh LMLM, Trạm đã cử cán bộ xuống kiểm tra trực tiếp tại 17 xã, phường đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân cách nhận biết những triệu chứng của dịch LMLM và cách ly, chữa trị khi đàn gia súc nhiễm bệnh”.

 

Đào hố chuẩn bị tiêu hủy lợn bị lở mồm long móng tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. 

Với đặc điểm là thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc lớn nên việc giết mổ, lưu thông gia súc trên địa bàn thành phố luôn diễn ra với mật độ lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các khu vực nhiễm dịch lân cận luôn thường trực. Do vậy, Trạm đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giết mổ tại các chợ đầu mối và nhà hàng, khách sạn đồng thời ký cam kết với 17 xã, phường về việc đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính đến nay, Trạm Thú y thành phố đã phun 500 lít khử trùng tiêu độc cho 735 nghìn m2 và chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện vật tư cho việc tiêm phòng bổ sung.

Huyện Văn Chấn là một trong nhiều “điểm nóng” thường bùng phát dịch LMLM những năm trước nhưng đến thời điểm này chưa xuất hiện ổ dịch nào, mọi công tác chủ động phòng chống dịch đã được triển khai. Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phạm Anh Tú cho biết: “Để hạn chế dịch bệnh lây lan và bùng phát, huyện chủ trương không nhập đàn cũng như xuất đàn ra khỏi địa bàn”. Bên cạnh đó, Trạm cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tại hộ chăn  nuôi đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp cách ly, chữa trị khi gia súc nhiễm dịch. Theo ông Tú, đến lúc này Trạm đã hoàn thành việc phun thuốc khử trùng tiêu độc đợt 1 cho 31 cơ sở trong tổng số 3 đợt để hạn chế dịch bệnh.

Trước tình hình số gia súc nhiễm dịch LMLM ngày càng tăng, UBND tỉnh và Chi cục Thú y đã có Công văn gửi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) “Đề nghị cấp vắc xin LMLM tuyp O và hóa chất tiêu độc khử trùng” để tiêm cho 100% số gia súc trong vùng dịch, vùng khống chế nhằm ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan. Ông Đặng Bình Nguyên - Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: “Ngay khi có thông báo dịch, Chi cục đã cung ứng 9.500 liều vắc xin và 549 lít thuốc khử trùng tiêu độc cho các địa phương nhiễm dịch nhằm kiểm soát tình hình”.

Đồng thời, Chi cục cũng đề nghị với chính quyền các địa phương thành lập ban chỉ đạo chống dịch và lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các thôn; nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, trao đổi, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn các xã vùng dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc theo quy định; hướng dẫn người dân ngay sau khi phát hiện triệu chứng dịch bệnh báo ngay cho cán bộ thú y để tiến hành các biện pháp cách ly, chữa trị. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin bổ sung, tiêu độc khử trùng bao vây dập dịch.

Lại một lần nữa, người chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn khi mà “cơn bão” dịch bệnh LMLM đang hoành hành. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cần có sự nỗ lực, mạnh tay hơn nữa của các cấp, các ngành có liên quan cũng như ý thức tự giác, chung tay của mỗi  người dân.

Hùng Cường

Các tin khác
Lắp điện kế giúp việc tính tiền điện chính xác hơn

Ngày 23-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 269/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện bình quân là 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ ngày 1-3-2011, tức là tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010.

Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.

Chiều 23/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 269/QĐ-TTg phê duyệt giá bán điện bình quân 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 1/3, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010.

Bằng nhiều nguồn vốn đường giao thông nông thôn các xã vùng sâu của tỉnh đã được nâng cấp.

YBĐT - Năm 2010, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở tỉnh Yên Bái tiếp tục được phát triển sâu rộng...

Các hộ phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại trên đường Điện Biên, phường Yên Ninh.

YBĐT - Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Yên Ninh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục