Đó là đánh giá về tác động hội nhập kinh tế quốc tế công bố ngày 5/4 do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương biên soạn.
Báo cáo đánh giá, đến năm 2010 (tức ba năm) sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cũng là thời gian đầy sóng gió của kinh tế thế giới. Chỉ được 1 năm thuận lợi, bắt đầu từ 2008 đến nay, suy thoái kinh tế thế giới đã làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của Việt Nam khi hội nhập. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới tổng quan tích cực, niềm tin vào triển vọng phát triển, mở rộng thị trường, xóa đói giảm nghèo và khơi dậy tiềm năng to lớn của con người Việt Nam.
Riêng về đầu tư, sau khi Việt Nam vào WTO, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước tới nay, xấp xỉ một nửa GDP.
TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ cho rằng: "Rất quan trọng là chúng ta nhận rõ chân giá trị của mình, những tiềm năng và bất cập, nhất là trong lĩnh vực mà dù chúng ta đã cố gắng vẫn còn nhiều điều phải làm, là thể chế kinh tế".
Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn chính sách cao cấp Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Hậu WTO- B-WTO: "Bước tiếp theo với Việt Nam là được công nhận kinh tế thị trường, vì nếu các đối tác vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, họ sẽ dễ dàng áp đặt các biện pháp chống bán phá giá, nhất là với các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật. Vì vậy, vấn đề cải cách thể chế kinh tế rất quan trọng, chúng tôi có vai trò hỗ trợ hoàn thiện môi trường thể chế kinh tế góp phần giúp Việt Nam đạt được sự công nhận đó".
WTO không phải là điểm khởi đầu và cũng không phải là điểm kết thúc của hội nhập. Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định tư do thương mại song phương FTA, với những cam kết sâu và mạnh mẽ hơn sân chơi WTO. Chiến lược ký FTA với ai, như thế nào là một nội dung quan trọng trong nghị quyết tiếp theo về hội nhập mà chính phủ sắp ban hành.
TS.Võ Trí Thành cho biết: "Việt Nam đang tích cực thương thảo FTA xuyên Thái Bình Dương, đây là một hiệp định có chất lượng rất cao, và cũng đang khởi động đàm phán với EU...".
Các chuyên gia nhận định, sau 4 năm gia nhập WTO, những chỉ số chưa đủ kết luận xu hướng hay những thay đổi đột biến, nhưng điều lớn nhất Việt Nam thu được là những chính sách mở cửa cải cách, minh bạch, giúp chúng ta nhìn rõ vị thế cũng như những yếu kém, không tăng trưởng cao bằng mọi giá để thành công bền vững trong lộ trình hội nhập tiếp theo.
(Theo VTV)