Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2011 | 9:07:04 AM
YBĐT - Để giảm thiểu thiệt do thiên tai gây ra, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
![]() |
Khơi thông dòng chảy là việc làm cần thiết trước khi mùa mưa bão đến.
|
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Yên Bái từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành phố, thị xã đến vùng nông thôn liên tục phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai bão lũ gây ra. Mỗi năm cướp đi mạng sống của hàng chục người, nhà cửa, hoa màu và nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng, ước thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2010 vừa qua là năm Yên Bái ít bị ảnh hưởng mạnh của thiên tai nhất từ trước đến nay nhưng trên địa bàn tỉnh đã có 11 người chết, 3 người mất tích do lũ cuốn, 7 người bị thương, 3.303 nhà bị phá hỏng, 347 ha lúa, hoa màu và 63 ha cây lâm nghiệp bị tàn phá, hàng chục công trình giao thông, thuỷ lợi, bưu chính, viễn thông… bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế trên 31 tỷ đồng.
Để giảm thiểu thiệt do thiên tai gây ra, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Như chúng ta đã biết, những năm trước đây không năm nào Yên Bái không có người và nhà cửa bị lũ cuốn trôi. Điển hình là trận lũ quét tại một số địa phương ở các huyện phía tây năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 51 người và hàng trăm ngôi nhà, hoa màu, các công trình giao thông, trường học bị tàn phá nặng nề, đến nay vẫn có những công trình chưa khắc phục được. Thế nhưng từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã có chủ trương và kiên quyết di dời các hộ dân sống ven sông, suối, trong vùng sạt lở và đã di dời được 1.100 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, thiệt hại về người đã giảm hẳn.
Một vấn đề nữa là các địa phương trong chỉ đạo điều hành phải có đầu mối, phân công cụ thể cho các ngành, thành viên kiểm tra, theo dõi nắm bắt tình hình cụ thể và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, cần chủ động phòng tránh ngay từ đầu mùa mưa bão; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai, cách thức phòng chống: đối với vùng cao cần phòng tránh lũ quét, lũ ống, sạt lở đất khi có mưa vừa đến mưa to vùng thượng nguồn, vùng thấp chủ động đối phó với ngập úng và sạt lở ta luy.
Các địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn hạn chế, lũ ống, lũ quét thường xảy ra bất ngờ, trong khi các phương tiện cảnh báo còn hạn chế dẫn tới công tác phòng chống hiệu quả không cao. Nhưng đối với các địa phương vùng thấp, nhất là trên địa bàn thành phố Yên Bái nơi có chính quyền mạnh, kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao hệ thống truyền thông hoàn chỉnh vậy sao không chủ động phòng chống được do sạt lở ta luy và ách tắc dòng chảy gây lũ lụt trong những năm gần đây?
Muốn phòng chống, giảm thiểu thiệt hại trước tiên chúng ta phải hiểu và làm tốt công tác dự báo, cảnh báo đồng thời dựa trên những bản chất, quy luật của thiên tai. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, nơi nào, địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, dự báo, cảnh báo và chủ động ứng phó với thiên tai thì nơi đó giảm thiểu tối đa tổn thất do thiên tai gây ra.
Có lẽ không năm nào trên địa bàn thành phố Yên Bái là không có người chết do sạt lở ta luy nhưng nó vẫn dường như chưa đủ làm thức tỉnh các cấp chính quyền và người dân thành phố. Nhà nhà vẫn tiếp tục được xây dựng dưới các chân ta luy cao hàng chục mét, người ta thi nhau đánh, đào ta luy không theo quy trình nào và nguy cơ sạt lở là nhãn tiền. Người dân bất chấp nguy hiểm, các cấp chính quyền chưa thật quyết liệt trong việc chỉ đạo di dời và các biện pháp phòng chống.
Mùa mưa bão năm 2011 lại đến và để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người dân hãy xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân.
Đồng thời các huyện, xã, phường, thôn, bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị các mặt theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống; tiến hành đôn đốc và kiểm tra từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể với những giải pháp kịp thời, giải phóng, tháo dỡ các vật cản ở các lòng suối trước mùa mưa; quản lý và sử dụng hiệu quả các trang bị phòng tránh lũ quét, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để quy hoạch các khu dân cư, các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương an toàn, hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết, nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt phải chuẩn bị bè, mảng, thuyền… để di chuyển khi có tình huống xảy ra; trong mùa mưa bão mỗi hộ gia đình phải chuẩn bị được ít nhất 5 ngày lương thực, thực phẩm dùng tại chỗ; các ngành chức năng cần chuẩn bị trang thiết bị ứng cứu và lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc đảm bảo khi có tình huống xảy ra.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Tin từ Tổng Công ty Đường sắt cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 8-4, vé tàu Thống Nhất sẽ áp dụng giá mới, theo đó giá vé các loại ghế ngồi cứng, giường nằm cứng không điều hòa tăng 5%, giá vé các loại ghế ngồi, giường nằm cứng, giường nằm mềm có điều hòa tăng từ 10% - 18%.

Honda Việt Nam vừa khẳng định, nguyên nhân chính của việc thay đổi giá xe Honda Lead 2011 không phải do việc có thêm các tiện ích mới mà do chi phí sản xuất tăng cao...