Cầu nối đưa tín dụng về nông thôn
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2011 | 9:25:41 AM
YBDDT - Hiện nay, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã hình thành mạng lưới rộng phủ kín các huyện, thị, các điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn toàn tỉnh với 33 điểm giao dịch, trong đó có 1 chi nhánh loại 1, 10 chi nhánh loại 2 và 22 phòng giao dịch.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái.
|
Đây là lợi thế để ngân hàng thực hiện nhiệm vụ đưa nguồn vốn tín dụng về với nông thôn và tiếp cận nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư tại khu vực kinh tế quan trọng này. Trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngân hàng đã áp dụng nhiều hình thức huy động vốn linh hoạt, khuyến khích người dân gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng và đáp ứng nhu cầu cho vay của nền kinh tế.
Tính đến nay, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã huy động được 1.917 tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt 1.403 tỷ đồng. Công tác cho vay của ngân hàng luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt hướng đến cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tổng dư nợ của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đạt 3.017 tỷ đồng, trong đó, cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 75% và dư nợ của các dự án sản xuất, kinh doanh trung và dài hạn chiếm 48% tổng cơ cấu.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 41/CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cho 42.000 khách hàng vay số tiền 2.260 tỷ đồng, số lãi suất được hỗ trợ lên tới 37,8 tỷ đồng.
Với mong muốn ngày càng nhiều nông dân tiếp cận được nguồn vốn, ngân hàng đã chú trọng xây dựng các tổ vay vốn thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.084 tổ vay vốn với 21.474 thành viên.
Công tác cho vay kết hợp với tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả đã tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế nông thôn phát triển. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng mà hàng nghìn bà con các dân tộc từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ đến Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình đã có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, trồng hàng vạn ha rừng kinh tế, cải tạo và chăm sóc hàng nghìn ha chè, xây dựng hàng trăm trang trại, hình thành một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tại địa phương.
Các mô hình kinh tế của nhiều hộ nông dân đã mang lại hiệu quả cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần tích cực vào mục tiêu giảm 4% hộ nghèo mỗi năm của tỉnh. Không chỉ tạo điều kiện cho các hành phần kinh tế được vay vốn nhanh chóng và thuận lợi, ngân hàng còn làm tốt công tác giám sát trước, trong và sau khi vay, do đó tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,05%.
Tuy chỉ có trên 400 cán bộ nhưng với tinh thần tận tình và chu đáo, ngân hàng đang phục vụ trên 54.000 khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, ngân hàng không ngừng đổi mới công nghệ, linh hoạt trong xây dựng các chiến lược phát triển, có những bước đi phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn.
Đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái, nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đó, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục làm tốt công tác cho vay tín dụng, đặc biệt chú trọng triển khai các chương trình tín dụng đáp ứng vốn phát triển “tam nông”, để ngân hàng thực sự trở thành “Ngân hàng của nhà nông”.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBDDT - Trong vài năm trở lại đây, kinh tế - xã hội Yên Bái có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt trên 12,31%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
YBĐT - Hành trình cùng với truyền thống 60 năm ngành ngân hàng, dù thời gian chưa dài song hoạt động của các quỹ tín dụng đã phát huy hiệu quả là kênh tín dụng quan trọng.
Tại cuộc họp báo trước phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đưa ra nhận định về các vấn đề lạm phát, hợp tác với ADB…
YBĐT - Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) được thành lập từ năm 2005, đến nay sau 6 năm đi vào hoạt động, trải qua không ít khó khăn, Công ty đã có được chỗ đứng trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng và măng tre Bát Độ.