Thế mạnh của công nghiệp Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2011 | 10:20:42 AM
YBĐT - Yên Bái có những mỏ đá trắng CaCO3, là nguồn nguyên liệu quý cho nhiều ngành công nghiệp khác như: nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, giấy và những mỏ đá vôi để sản xuất xi măng...
Khai thác đá trắng xuất khẩu ở Lục Yên.
|
Yên Bái có những mỏ đá trắng CaCO3, là nguồn nguyên liệu quý cho nhiều ngành công nghiệp khác như: nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, giấy và những mỏ đá vôi để sản xuất xi măng…; riêng đá vôi trắng ở Lục Yên, Yên Bình có chất lượng tốt nhất Đông Nam Á và có giá trị rất lớn trong sản xuất công nghiệp.
Cùng với khó khăn chung do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới như thị trường eo hẹp, tỷ giá biến động, lãi suất tăng cao…, sản xuất công nghiệp của Yên Bái còn phải chịu thêm những khó khăn do hạn hán, thiếu điện. Nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp có giá trị sản lượng thấp, sản xuất cầm chừng, tiêu thụ khó khăn.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2010, sản xuất công nghiệp của Yên Bái vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của toàn tỉnh: giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 2.900 tỷ đồng, hàng vạn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Trong gian khó, nhiều ngành, nghề vẫn vượt lên nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân…
Trong số những ngành, nghề ấy phải kể đến lĩnh vực khai thác và chế biến các sản phẩm từ đá - một ngành nghề phát triển, thực sự là thế mạnh của Yên Bái.
Yên Bái đã sớm nhận ra thế mạnh về tài nguyên đá nên đã có những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp để các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài mạnh dạn vào làm ăn, khơi dậy tiềm năng phát triển công nghiệp. Những nhà máy của YBB, Vigracera, Xi măng Yên Bái, Xi măng Vinaconex Yên Bình, R.K, Mông Sơn… liên tiếp mọc lên tại các khu công nghiệp với công nghệ mới, thiết bị hiện đại; rồi khu mỏ Mông Sơn, Trực Bình… thức dậy, đá được khoan, đào, đập… và theo xe, theo tàu về nhà máy để nghiền ra thành hạt, bột mịn, siêu mịn đóng gói tiêu thụ tại các nhà máy trong nước hoặc theo tàu đi xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Đến nay, Yên Bái đã có hàng chục dự án đang và sẽ tiến hành khai thác, chế biến đá với quy mô lớn như: liên doanh YBB, cổ phần VPG, Vigracera, Mông Sơn… và hai nhà máy xi măng với tổng công suất 1,26 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái và Công ty cổ phần Xi măng Vinaconex Yên Bình.
Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mông Sơn cho biết: “Sản phẩm đá bột, đá hạt của Mông Sơn và các doanh nghiệp khác trong tỉnh có chất lượng tốt và ổn định hơn các doanh nghiệp bên ngoài. Các doanh nghiệp của ta đều đã xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế nên mọi khó khăn đều đã vượt qua”.
Được biết năm 2010, Công ty Mông Sơn đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch với doanh thu 130 tỷ đồng và 4,2 triệu USD. Công ty liên doanh YBB đã sản xuất được gần 170 nghìn tấn sản phẩm gồm: 135,12 nghìn tấn đá dạng hạt và 29,52 nghìn tấn đá dạng bột.
Các nhà máy nghiền bột felspat, thạch anh hay sản xuất đá block, đá xẻ… cũng sản xuất rất thuận lợi. Đặc biệt, hai nhà máy xi măng Yên Bái và Yên Bình gặp phải những khó khăn trong thị trường tiêu thụ nhất là khoảng thời gian gần 2 tháng nước hồ Thác Bà xuống thấp đến dưới cốt 46 (những tàu lớn không thể vận chuyển đá nguyên liệu từ Mông Sơn về nhà máy), nhưng tất cả đã vượt qua bằng sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, của ngành công thương và sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp.
Khai thác và chế biến sâu khoáng sản - lĩnh vực được ưu tiên trong thu hút đầu tư. (Ảnh: Chế biến đá ở Công ty đá cẩm thạch R.K Lục Yên).
Theo số liệu thống kê, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã sản xuất được 256,9 nghìn tấn xi măng, 64,8 nghìn tấn clinker và nghiền được 83 nghìn tấn Cácbonnát Canxi với tổng giá trị sản xuất đạt 254,55 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Vinaconex Yên Bình đã sản xuất được 710 nghìn tấn xi măng và 110 nghìn tấn đá bột, đạt giá trị sản xuất 615 tỷ đồng…, góp phần quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 của các nhà máy chế biến đá Yên Bái lên trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
Bước vào năm kế hoạch 2011, sản xuất công nghiệp nói chung và lĩnh vực khai thác, chế biến đá nói riêng tiếp tục gặp phải những khó khăn lớn: thiếu vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và nhất là nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao. Quý I, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ đang có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt lĩnh vực chế biến từ đá với những sản phẩm chủ lực như xi măng, clinker, felspat bột, đá bột... sản lượng đạt thấp.
Mục tiêu, nhiệm vụ trong quý II/2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh phấn đấu đạt 900 tỷ đồng, tăng 36% so với quý I là nhiệm vụ rất khó khăn (bình quân mỗi ngày giá trị sản xuất đạt 10 tỷ), bởi tình hình khó khăn về vốn vẫn chưa được khắc phục, cộng với giá xăng dầu tăng giá mạnh...
Tuy vậy, lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ đá ở Yên Bái không phải chịu hai khó khăn rất lớn như năm trước là tình trạng thiếu điện đã được khắc phục, ngành điện đã cam kết ưu tiên tối đa cho sản xuất, đặc biệt tất cả các nhà máy chế biến đá, xi măng... đều nằm trong các khu công nghiệp tập trung nên việc cấp điện ưu tiên rất thuận lợi; bên cạnh đó, mùa khô năm nay hạn hán không quá gay gắt, mực nước hồ Thác Bà không cạn kiệt nên việc vận chuyển đá bằng đường thuỷ diễn ra thuận lợi.
Công nghiệp được Đảng bộ tỉnh coi là khâu mũi nhọn, là bước đột phá trong phát triển kinh tế, khai thác và chế biến khoáng sản, nhất là lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ đá đều là những đơn vị lớn, làm ra những sản phẩm chủ lực cần thể hiện sức mình, vượt qua khó khăn trở thành đầu tàu kéo cả ngành công nghiệp đi lên.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tính đến hết quý I, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đạt 6.620 tỷ đồng, tăng trên 3% so với đầu năm, trong đó huy động tiền gửi của dân đạt gần 3.460 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 6.368 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Theo Bộ Công Thương, tình hình nhập siêu trong thời gian vừa qua đã lên đến mức báo động. Vì vậy, để khống chế tình trạng này, sắp tới các mặt hàng xa xỉ chiếm tỷ trọng lớn như ôtô, điện thoại, mỹ phẩm, rượu ngoại…sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Bộ Công thương kéo dài thời hạn đăng ký đến 15/5, chậm hơn 1 tháng so với quy định.