Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương (14/5):

Vững bước trưởng thành, xứng đáng là khâu đột phá thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2011 | 8:46:28 AM

YBĐT - Tự hào với truyền thống quý báu 60 xây dựng và trưởng thành, phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong giai đoạn 2006 - 2010, ngành công thương Yên Bái tự tin bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 2, phải sang) và đồng chí Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương (bìa phải) kiểm tra dây chuyền sản xuất hạt nhựa của Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát tại Khu công nghiệp phía Nam.
(Ảnh: Đức Toàn)
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 2, phải sang) và đồng chí Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương (bìa phải) kiểm tra dây chuyền sản xuất hạt nhựa của Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát tại Khu công nghiệp phía Nam. (Ảnh: Đức Toàn)

Sự phát triển của ngành công thương đã có tác động lớn, góp phần quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển của các ngành khác, nhất là ngành nông - lâm nghiệp với việc thu mua hết nguyên liệu nông - lâm sản, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ngành công thương Yên Bái triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, giai đoạn 2006 - 2010 với những thời cơ thuận lợi song cũng đầy khó khăn, thách thức. Là một tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều dân tộc chung sống, trình độ dân trí thấp, không có lợi thế thu hút đầu tư và hệ thống hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa theo kịp tình hình phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, các đơn vị sản xuất trên địa bàn hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, năng lực có hạn...

Tuy nhiên, có sự định hướng chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Công Thương, sự phối hợp và đồng tình ủng hộ của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, công nhân lao động toàn ngành đã đoàn kết, phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Yên Bái trong 5 năm qua (2006 - 2010) đạt 12,3% năm. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp tăng 5,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 17,24%; thương mại - dịch vụ tăng 14,28%, đạt mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 38,98% năm 2005 xuống còn 33% năm 2010; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,78% năm 2005 lên 34% năm 2010; tỷ trọng ngành dịch vụ ổn định, chiếm 33,24% năm 2005 và 33% năm 2010. Trong ngành công nghiệp: công nghiệp khai thác giảm từ 16,7% năm 2005 xuống còn 6% năm 2010; công nghiệp chế biến tăng từ 71,69% năm 2005 lên 80% năm 2010.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng đã xác định, lấy công nghiệp làm mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững. Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp cũng đã dần trưởng thành và thực sự trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành tốt trọng trách được giao. Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục có sự tăng trưởng cao: năm 2009 đạt 2.355 tỷ đồng, năm 2010 là 2.850 tỷ đồng, tăng gấp 2,67 lần so với năm 2005; tốc độ tăng trưởng 5 năm (2006 - 2010) tăng 23,1%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP của tỉnh năm 2006 đạt 28,83%, tăng lên 33,13% năm 2009 và năm 2010 đạt 34%.

Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 7.379 cơ sở, tăng trên 1.300 cơ sở so với năm 2005. Năng lực sản xuất công nghiệp tăng đáng kể cả về quy mô và trình độ công nghệ. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã có 27 dây chuyền sản xuất giấy đế xuất khẩu với tổng công suất 33.700 tấn/năm; 04 nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu với tổng công suất 400 tấn/ngày; 02 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất 1,26 triệu tấn; 03 nhà máy nghiền Felspat, tổng công suất 230 ngàn tấn/năm; 08 dây chuyền nghiền CaCO3, tổng công suất 391.000 tấn/năm; các cơ sở chế biến chè có tổng công suất 650 tấn búp tươi/ngày; các cơ sở sản xuất gỗ rừng trồng sản xuất các sản phẩm gỗ ván dán, ván ghép thanh, đũa gỗ xuất khẩu, ván bao bì sản xuất hàng trăm ngàn mét khối sản phẩm; đã đưa 4 nhà máy thủy điện nhỏ vào phát điện lên lưới với công suất 32,6 MW...

Các sản phẩm công nghiệp của Yên Bái ngày càng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, có lợi thế đồng thời cũng đã hình thành các cơ sở ban đầu của một số ngành, lĩnh vực mới như: luyện kim, hóa chất, nhựa… Một số dự án sản xuất công nghiệp có quy mô khá lớn đã được đầu tư vào Yên Bái. Ngoài 2 dự án nhà máy xi măng công suất 1,26 triệu tấn/năm đã hoàn thành đi vào sản xuất, phải kể đến các dự án: thủy điện Văn Chấn công suất 57 MW, thủy điện Trạm Tấu 30 MW, thủy điện Ngòi Hút II 48 MW, dự án bột giấy 50.000 tấn, dự án ván MDF 100.000 m3/năm; dự án chế biến Ethanol 100.000 m3/năm... sẽ góp phần quan trọng cho công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn tới.

Hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quy hoạch và từng bước được tập trung đầu tư xây dựng đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Đến năm 2015, toàn tỉnh Yên Bái sẽ có 5 khu, 16 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.552 ha. Các khu công nghiệp đang được đầu tư hoàn thiện, riêng các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố sẽ được tập trung đầu tư mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Lưới điện quốc gia đã được đưa đến 177/180 xã, phường và đang được đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng cung cấp điện.

Hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển quan trọng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng thiết yếu, hàng chính sách xã hội, thu mua nông - lâm sản. Hệ thống chợ từng bước được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, đã có 50 chợ kiên cố, 20 chợ bán kiên cố, 35 chợ tạm; đã hình thành và phát triển các hình thức mua bán văn minh: trung tâm thương mạị, cửa hàng tự chọn. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2010 đạt 5.300/4.500 tỷ đồng so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, tăng trên 2.900 tỷ đồng so với năm 2005; tốc độ tăng bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 23,9%/năm. Hoạt động xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, năm 2010 đạt 28 triệu USD, tăng 18 triệu USD so với năm 2005.

Sự phát triển của ngành công thương đã có tác động lớn, góp phần quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển của các ngành khác, nhất là ngành nông - lâm nghiệp với việc thu mua hết nguyên liệu nông - lâm sản, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác quản lý Nhà nước về công thương được kiện toàn, chất lượng công tác tham mưu nâng cao, theo kịp với yêu cầu phát triển. Ngành Công Thương đã đề xuất và hoàn thành nhiều quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành, làm căn cứ pháp lý cho nhiệm vụ quản lý; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho phát triển; làm tốt công tác quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh.

Nhờ những nỗ lực vượt bậc, ngành công thương đã thu được những kết quả quan trọng và được các cấp chính quyền ghi nhận, biểu dương, thể hiện bằng những phần thưởng xứng đáng: cờ thi đua của tỉnh, của Bộ Công Thương, của Chính phủ từ năm 2006 - 2009. Đặc biệt, ngành công thương Yên Bái đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhất cho những thành tích xuất sắc từ năm 2006 đến năm 2010.

Tự hào với truyền thống quý báu 60 xây dựng và trưởng thành, phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong giai đoạn 2006 - 2010, ngành công thương Yên Bái tự tin bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra: “Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tạo bước đột phá trong xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đạt mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Mục tiêu chủ yếu đến 2015 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 7.400 tỷ đồng trở lên; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến lên 81%, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác xuống 5,5%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội gấp 2,5 lần so với năm 2010; kim ngạch xuất khẩu tăng 4 - 5 lần so với 2010”.

Bối cảnh phát triển ngành công thương trong giai đoạn 2011 - 2015 vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên những trở ngại mới do tác động của lạm phát, tác động từ những biến động bất lợi của nền kinh tế khu vực và thế giới trong quá trình toàn cầu hóa trong khi mục tiêu đòi hỏi phải có sự bứt phá nhanh và bền vững.

Ngành đã tập trung trí tuệ, đề xuất những giải pháp chủ yếu là: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp, hoàn thiện các quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chuyên ngành; xây dựng hoàn chỉnh các chính sách phát triển công nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần phục vụ của đội ngũ công chức; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp; tạo môi trường thông thoáng thu hút các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển; bố trí kinh phí ngân sách tỉnh đủ lớn để hỗ trợ phát triển công thương: khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp...

 Bên cạnh đó là phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, ưu tiên mời gọi một số doanh nghiệp lớn có năng lực vào đầu tư, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp của tỉnh; tập trung các nguồn lực mà tỉnh có lợi thế cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhất là tài nguyên khoáng sản, nông - lâm sản, thủy điện; nhanh chóng đưa tiềm năng vào khai thác có hiệu quả; rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đầu tư.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, hiện đại hóa từng phần dây chuyền sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp; ưu tiên tập trung nguồn vốn xây dựng nhanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển lưới điện truyền tải phục vụ sản xuất công nghiệp và phát điện của các thủy điện; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực căn cứ vào quy hoạch phát triển công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài cho phát triển công nghiệp; đa dạng hóa phương thức và loại hình đào tạo; tiếp tục xã hội hóa đào tạo nghề, đặc biệt ưu đãi cho các tổ chức đào tạo nghề ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các khu, cụm công nghiệp.

Đạt được những thành tích quan trọng trong những năm qua là nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái, của Bộ Công Thương cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các địa phương và sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị toàn ngành. Nhiệm vụ trong giai đoạn mới có rất nhiều khó khăn, thách thức song ngành công thương tin tưởng và mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, của Bộ Công Thương cùng với sự nỗ lực phấn đấu, phát huy thành tích, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và với danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất mà Nhà nước trao tặng.

Trương Ngọc Biên - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái

Các tin khác

Từ sau ngày 15/5, Bộ Công thương ban hành quy định về thị trường điện cạnh tranh.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa cho biết, từ ngày 25-5 đến hết ngày 15-8-2011, giá vé đối với các toa tàu lắp điều hòa sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7%.

Ngân hàng sẽ giữ hộ vàng cho người dân có nhu cầu không thu phí.

Từ ngày 6-5, Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ giữ hộ vàng cho người dân có nhu cầu không thu phí.

YBĐT - Tối 6/5, tại Trung tâm km 5 (thành phố Yên Bái), UBND thành phố Yên Bái phối hợp với Sở công thương, Công ty Du lịch và Hội chợ Quốc tế TCT tổ chức khai mạc Hội chợ Giao thương quốc tế Yên Bái năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục