Vinashin nợ trên 96.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2011 | 2:27:03 PM

Kết thúc quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, sai phạm dẫn đến thua lỗ, thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhà nước và mắc nợ trên 96.000 tỷ đồng.

Vinashin đã chi hơn 8.000 tỷ đồng mua tàu cũ.
Vinashin đã chi hơn 8.000 tỷ đồng mua tàu cũ.

Chi hơn 8.000 tỷ đồng mua tàu cũ

Từ cuối năm 2005, Vinashin đã huy động một khối lượng vốn rất lớn từ các nguồn trong và ngoài nước dưới các hình thức vay các tổ chức tín dụng, vay nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… (tổng số vay tính đến 30-6-2010 là trên 72.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Tập đoàn đã tùy tiện, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng vốn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên nhiều mặt.

TTCP cho rằng, Tập đoàn đã cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật khi bỏ ra hơn 8.100 tỷ đồng để mua 25 tàu biển cũ, trong đó có 12 chiếc quá “nát” nên không được đăng ký tại Việt Nam, gây lãng phí và thiệt hại lớn trong đầu tư. Tính riêng thiệt hại trong việc mua tàu Hoa Sen là trên 550 tỷ đồng.

Cũng theo TTCP, chính việc đầu tư dàn trải, tùy tiện, không hiệu quả là nguyên nhân khiến Vinashin không đủ năng lực để thực hiện các hợp đồng đã giao kết với khách hàng. Từ 2006 đến nay, Vinashin đã ký 85 hợp đồng, giá trị 58.224 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ mới hoàn thành được 15 hợp đồng, đạt tỉ lệ 12%. Số hợp đồng đã bị huỷ và dự kiến huỷ chiếm tới 47% (54 tàu trị giá 27.223 tỷ đồng), theo tính toán của cơ quan chức năng, số tiền Vinashin phải trả lãi tiền đặt cọc và phạt hợp đồng là trên 1.000 tỷ đồng.

Dùng tiền đi vay che giấu thiệt hại

Quá trình thanh tra còn phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, dùng thủ đoạn hoán đảo các khoản nợ để che dấu thiệt hại của Vinashin khi sử dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vay trái phiếu quốc tế để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và bản thân Cty mẹ.

Mặt khác, Vinashin còn bị cáo buộc có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng khi cho Cty CP Đầu tư xây dựng Cửu Long vay 300 tỷ đồng để đầu tư một số dự án nhưng không có hợp đồng và thực tế Cty này không sử dụng đúng mục đích khoản vay. Ngoài tiền gốc, hiện còn trên 60 tỷ đồng tiền lãi chưa đòi được, có nguy cơ mất vốn.

Tương tự, từ năm 2004-2009, Vinashin còn cho Tổng Cty CNTT Nam Triệu vay hơn 3.200 tỷ đồng nhưng không thu bất kỳ khoản nợ nào; cho Cty CNTT Sài Gòn vay gần 14,5 tỷ đồng không thời hạn, không khế ước, không quy định lãi suất.

TTCP cũng xác định có nhiều sai phạm trong việc quản lý sử dụng khoản vay 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế; khoản 300 triệu USD trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành; khoản vay 600 triệu USD của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài...

Việc Vinashin sử dụng vốn vay tuỳ tiện, dàn trải trên 615 dự án khiến bình quân mỗi dự án chỉ được đáp ứng khoảng 50% vốn và làm toàn bộ các dự án hiện vẫn dở dang, gây lãng phí lớn.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, giá trị tài sản và nguồn vốn của tập đoàn tại thời điểm 31-12-2009 là trên 102 ngàn tỷ đồng. TTCP xác định: Nếu loại trừ công nợ nội bộ theo kết quả đối chiếu, xác nhận của tập đoàn thì giá trị nguồn vốn, tài sản của Vinashin là gần 93 ngàn tỷ đồng.

Về nợ phải trả, theo TTCP thì số nợ phải trả của Vinashin tại thời điểm 31-12-2009 là trên 96 ngàn tỷ đồng, lớn hơn số báo cáo của tập đoàn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu ghi nhận kết quả đối chiếu nợ nội bộ của Tập đoàn, từ đó loại trừ đi hơn 9 ngàn tỷ đồng, thì số nợ phải trả là 86,7 ngàn tỷ đồng.

Văn Phòng Chính phủ vừa ra thông báo số 3456/VPCP, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Vinashin.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hành Nhà nước phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc cơ cấu vốn mà Vinashin đã đầu tư vào các lĩnh vực không trực tiếp gắn với hoạt động của Tập đoàn;

Nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành trong quý 3-2011 cơ chế tái cơ cấu tài chính, giảm thiểu tổn thất về tài sản, tiền vốn Nhà nước khi thực hiện thoái vốn, chuyển nhượng dự án. Đồng thời, có cơ chế xử lý nguồn vốn tài chính để Tập đoàn tái cơ cấu thành công. 

(Theo TPO)

Các tin khác

Hai cuốn sổ tay cung cấp những thông tin cần thiết trong việc quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng điện từ gió.

Kiểm soát giá điện cũng là một biện pháp góp phần ổn định kinh tế.

Trường hợp EVN muốn tăng giá điện trên 5% thì phải báo cáo Bộ Công Thương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện tối thiểu là ba tháng.

Lực lượng kiểm lâm tham gia làm đường băng cản lửa trong mùa khô hanh.

YBĐT - Ý thức tự giác khi sử dụng lửa, nghiêm túc chấp hành các quy định khi đốt nương làm rẫy của người dân nên từ đầu mùa khô 2011 đến nay huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chưa để xảy ra vụ cháy gây thiệt hại đến rừng.

Yên Bái dự kiến sẽ đưa diện tích cây tre đạt trên 6.000 ha.

YBĐT - Ngày 2/6, Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái phối hợp với Chương trình Tre Mê Kông tổ chức hội thảo tăng cường hiệu quả của dự án trồng măng tre Bát độ tập trung tại Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục