Văn Chấn “3 cùng” gắn kết “4 nhà”

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2012 | 4:06:55 PM

YBĐT - Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất lúa theo phương thức “3 cùng”: cùng giống, cùng thời điểm gieo trồng, cùng chế độ chăm sóc trên diện tích 100ha tại xã Phù Nham.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Văn Chấn và nông dân trao đổi về mô hình lúa Jamonica.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Văn Chấn và nông dân trao đổi về mô hình lúa Jamonica.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, tiến tới xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa, những năm qua, huyện Văn Chấn đã thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng. Một trong những mô hình có hiệu quả cao đang được nhân rộng là mô hình sản xuất lúa Jamonica (ĐS1) và J01 theo phương thức “3 cùng”.

Niềm vui “3 cùng”

Năm nay là năm thứ hai gia đình chị Hà Thị Công, thôn Ta Tiu, xã Phù Nham gieo cấy giống lúa Jamonica (ĐS1). Khác với năm trước, gia đình chị và nhân dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng khi được vận động gieo trồng giống tập trung, cùng một thời điểm, cùng một chế độ chăm sóc. Với sự chỉ đạo sát sao của cán bộ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông huyện, sau hơn 3 tháng gieo cấy, đến nay, các diện tích lúa Jamonica, J01 đã cho thu hoạch với năng suất ước đạt 65 - 70 tạ/ha.

Chị Công phấn khởi: “Năm nay, gia đình gieo cấy trên 2.000m2, gấp 3 lần diện tích năm ngoái. Tôi đã tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn sản xuất, năng suất ước đạt trên 70 tạ/ha, tương đương năng suất lúa lai và tăng 3 tạ so với mô hình này năm trước. Với giá từ 11.000 đồng đến 11.500 đồng một cân thì 1.000m2 lúa Jamonica, J01 cho thu nhập gấp rưỡi so với gieo cấy lúa lai Nhị ưu 838”. Được hơn cả là mô hình “3 cùng” đã gắn kết các hộ nông dân chung phương pháp sản xuất với giúp đỡ của Nhà nước, hướng dẫn của nhà khoa học và tạo ra sản phẩm có số lượng, chất lượng cao, hiệu quả sản xuất vượt trội.

Xây dựng vùng lúa hàng hóa

Văn Chấn có trên 16.000ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa nước hơn 4.000ha. Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và thành quả mà người nông dân nhận được vẫn chưa thực sự thỏa đáng. Nguyên nhân do quá trình sản xuất, thu hoạch manh mún; chế biến, tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian; một số loại gạo đặc sản thường bị đấu trộn, đánh đồng với các sản phẩm lúa gạo khác.

Nhận thức rõ các yếu điểm đó, Văn Chấn đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, các mô hình chuyên canh tập trung, hướng tới xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa. Cùng với dồn điền đổi thửa ở tổ dân phố 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng các mô hình phục tráng giống nếp Tan, Séng Cù; sản xuất giống lúa thuần Chiêm Hương, Nghi Hương 305…

Jamonica  và J01 là giống lúa chất lượng cao có nguồn
gốc, xuất xứ từ Nhật Bản. Các giống này đã được khảo nghiệm tại một số tỉnh miền Bắc. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Văn Chấn là một trong số ít khu vực có năng suất cao, vượt ngưỡng năng suất đạt được của giống.
 
Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả và được nhân dân mở rộng. Tuy nhiên, một khó khăn lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn là thời tiết vụ đông xuân có thời gian rét đậm rét hại kéo dài, nhiều giống lúa tốt nhưng khả năng chống chịu rét lại kém.

Sau hơn 3 năm thử nghiệm giống lúa ĐS1, J01 tại các xã vùng cao, vùng Mường Lò, vùng ngoài đã khẳng định ưu thế vượt trội về chất lượng, khả năng chịu rét, năng suất cao tương đương lúa lai.

Vấn đề đặt ra là công nghệ sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung để tạo ra khối lượng lớn, chất lượng cao và đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp. Vụ đông xuân năm nay, huyện đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất lúa theo phương thức “3 cùng”: cùng giống, cùng thời điểm gieo trồng, cùng chế độ chăm sóc trên diện tích 100ha tại xã Phù Nham.

Mô hình đã tìm ra công nghệ sản xuất phù hợp, giống lúa gieo trồng tối ưu, bước đầu gắn kết được “4 nhà”. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học, Hợp tác xã dịch vụ Phù Nham là đơn vị đã và đang phối hợp tổ chức tiếp thị, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Triển vọng của mô hình

Mô hình sản xuất lúa “3 cùng” đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của sản xuất lúa hàng hóa là chất lượng và số lượng. Giống lúa Jamonica có chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Văn Chấn và khi đưa vào sản xuất tập trung, đúng quy trình đã tạo hiệu quả vượt trội.

Theo ước tính, chỉ riêng cánh đồng mẫu hơn 100ha tại Phù Nham sẽ cho thu hoạch trên 600 tấn thóc. Xa hơn, mô hình không chỉ dừng lại ở gieo trồng giống lúa ĐS1, J01 mà có thể xây dựng các cánh đồng chuyên canh sử dụng phương thức “3 cùng” bằng nhiều giống lúa, giống cây trồng khác cũng có thể đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khó khăn nhất hiện nay là nông dân Văn Chấn có trình độ canh tác thấp, chưa có thói quen canh tác tập trung trong khi thực hiện mô hình đòi hỏi sự thống nhất về ý chí và hành động, khả năng tổ chức, huy động lực lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật. Mặt khác, việc sản xuất lúa hàng hóa đòi hỏi yêu cầu về chất lượng cao, tương đối đồng nhất mà việc thu hoạch, bảo quản của nông dân hiện vẫn phụ thuộc vào thời tiết.

Ông Nguyễn Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Phù Nham đánh giá: “Mô hình sản xuất lúa “3 cùng” đã khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, với 100ha lúa mô hình, nếu nhân dân gặt đồng loạt thì việc bảo quản sau thu hoạch sẽ hết sức khó khăn. Điều này đặt ra vấn đề quan trọng là phải xây dựng được các nhà xưởng bảo quản, chế biến nông sản”.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nói chung và sản xuất lúa hàng hóa nói riêng là yêu cầu cần thiết và là mục tiêu quan trọng của nền nông nghiệp tiên tiến. Mô hình sản xuất lúa “3 cùng” ở Văn Chấn đã phát huy được mối liên kết “4 nhà”, tạo bước đột phá về hiệu quả sản xuất lúa. Đây sẽ là tiền đề để Văn Chấn cùng các địa phương rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, tiến tới xây dựng nền sản xuất lúa hàng hóa.  

Tiến sĩ Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Sản xuất lúa hàng hóa là một trong những mục tiêu trọng điểm mà chúng tôi đang phối hợp với các địa phương thực hiện. Các yếu tố quan trọng trong sản xuất lúa hàng hóa là: lựa chọn công nghệ, lựa chọn giống; sự phối hợp của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Mô hình sản xuất lúa hàng hóa ở Văn Chấn đã cho hiệu quả tích cực song huyện cần quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến và tiếp thị thị trường.

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn

Nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích đất nông nghiệp, Văn Chấn chủ trương xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa. Những mô hình hiệu quả như sản xuất lúa hàng hóa ĐS1, J01, huyện đã tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và sẽ triển khai nhân rộng, phấn đấu những năm tới mở rộng khoảng 500ha trở lên. Huyện rất mong các sở, ban, ngành của tỉnh có cơ chế hỗ trợ để nhân dân mở rộng mô hình và tổ chức chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Bà Hà Thị Hoàn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Phù Nham

Những năm qua, Hợp tác xã đã có sự liên hệ, phối hợp với huyện, các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh lúa hàng hóa, Hợp tác xã đã lập đề án xây dựng nhà máy sấy công suất 10 tấn/ngày. Khó khăn là hiện nay Hợp tác xã chưa có quỹ đất để lập xưởng và thiếu nguồn vốn.

Ông Vũ Đăng Lư - Tổ dân phố 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ:

Người nông dân thời nay nếu có sức khỏe, có tư liệu sản xuất mà nghèo thì không thể chấp nhận được. Muốn làm giàu chỉ có con đường sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa. Phải sản xuất những gì thị trường cần mà không lệ thuộc vào thời vụ.

Trần Van

Các tin khác
Nhiều hội viên Hội phụ nữ Văn Chấn được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.
(Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Từ đồng vốn chính sách và kiến thức khoa học kỹ thuật được trang bị, hàng vạn hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thu được kết quả khá, góp phần xây dựng cuộc sống và gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ.

Đan Mạch là tài trợ song phương ODA lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

YBĐT - Cuộc gặp gỡ các bên sẽ diễn ra trong sáng 6/6 tại Sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội và có thể kéo dài hơn một ngày nếu các tình tiết nghi vấn chưa được làm rõ.

Sáng 5-6, Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2012 đã khai mạc tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương khẳng định, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đúng ngày 1-7-2012 như kế hoạch đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục