Yên Bái cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2012 | 3:01:27 PM
YBĐT - Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, mục tiêu tới năm 2015, Yên Bái phấn đấu có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và đến năm 2020, tỷ lệ này đạt 95%.
Cán bộ trung tâm NS&VSMTNT kiểm tra các thiết bị vào ra của bể lọc nước tại xã Gia Hội (Văn Chấn).
|
Để đạt được mục tiêu đó, Yên Bái phải đầu tư xây dựng 10.199 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 199 công trình cấp nước tập trung, 10.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ và giếng đào, xây dựng 11.615 công trình vệ sinh hộ gia đình… với số vốn cần huy động là 357,68 tỷ đồng.
Yên Bái là một tỉnh nghèo, để có nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình nước sạch cho các hộ gia đình ở nông thôn không đơn giản. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tự chảy và tập trung ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nên việc huy động nguồn vốn do nhân dân đóng góp còn nhiều bất cập.
Bằng các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng 62, WB, NGO và vốn di dân tái định cư, tính đến cuối năm 2011, dân số nông thôn của tỉnh Yên Bái được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 481.493 người, đạt tỷ lệ 74,5%; hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 68.585 hộ, đạt 42,88%; hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh 46.450 hộ, đạt 48,5%. |
Nghiệm thu kỹ thuật công trình cấp nước Khe Ma, xã Tân Thịnh, huyện Văn chấn; do Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn Yên Bái làm Chủ đầu tư.
Lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Yên Bái cho biết, từ nay đến năm 2015, Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp như rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh; ứng dụng các công nghệ xử lý nước tiên tiến, công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng và vận hành các công trình cấp nước...
Tuy nhiên, cho đến nay, Đề án quy hoạch các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh chưa được phê duyệt. Do vậy, việc lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và chuẩn bị đầu tư hàng năm không thực hiện được. Đồng thời, công tác huy động các nguồn vốn từ nhân dân, tín dụng và sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ càng gặp khó khăn hơn.
Trong công tác thực hiện đầu tư, việc bố trí và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng bị ảnh hưởng do cơ chế thay đổi như: chính sách cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; giá vật tư, thiết bị, nhân công tăng cao; cơ cấu trong dự toán không có kinh phí giải phóng mặt bằng; phần dân tham gia đóng góp bằng công lao động đã chiếm 10% tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, giá thu phí nước chưa có sự thống nhất trên địa bàn tỉnh. Mặc dù Bộ Tài chính đã có Thông tư số 100 về khung giá nước sinh hoạt nông thôn nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện được. Mỗi nơi thu phí một mức và do phí quá thấp nên không đủ cho chi phí sửa chữa nhỏ cũng như hỗ trợ cho người quản lý, vận hành.
Ông Nguyễn Văn Tích - Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT đã thực hiện từ năm 1999 nhưng đến ngày 13/10/2009, UBND tỉnh Yên Bái mới có Quyết định 1557 quyết định chức năng, nhiệm vụ quản lý cho Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lũ tỉnh Yên Bái song nhiệm vụ quản lý Nhà nước về NS&VSMTNT không được giao.
Sau đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có tờ trình bổ sung nhiệm vụ cho Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lũ nhưng quy chế, chức năng, nhiệm vụ hoạt động về lĩnh vực này vẫn chưa được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt về biên chế, trụ sở. Chính vì thế, công tác quản lý Nhà nước về NS&VSMTNT đến nay chưa có đơn vị nào giúp Sở. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra, kêu gọi nguồn vốn còn nhiều hạn chế.
Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT tỉnh Yên Bái được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn I từ năm 1999 - 2005, giai đoạn II từ năm 2006 - 2010, giai đoạn III từ năm 2011 - 2015. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, xây dựng 30 công trình và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; giai đoạn 2011 - 2015, dự tính tiếp tục xây dựng 89 công trình. |
Kiểm tra công tác vận hành công trình sau đầu tư tại công trình cấp nước Khe Củi, xã Đại Phác (Văn Yên).
Hiện nay, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đang xây dựng dự thảo giúp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 theo đúng tinh thần Quyết định số 366 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015 với sự tham gia của các ban, ngành liên quan làm nòng cốt.
Đảm bảo NS&VSMTNT là trách nhiệm của toàn xã hội và cũng là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn liền với quá trình phát triển bền vững của địa phương. Yên Bái cần sớm có quyết định phê duyệt các công trình cấp nước cụ thể cho từng năm để có kế hoạch thực hiện cụ thể; bố trí nguồn vốn thực hiện dự án hiệu quả, bổ sung biên chế cho bộ máy quản lý nhà nước về NS&VSMTNT và xây dựng mô hình quản lý nước sinh hoạt nông thôn thống nhất trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các quy chế bảo vệ, sử dụng nguồn nước, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Thanh Thủy
Các tin khác
Sáng 15.6, giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới, giao dịch ở mức 42,28 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 530 hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại được hỗ trợ xây dựng được công trình khí sinh học (hầm biogas) theo các chương trình, dự án.
Theo gia hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 25-11 các ngân hàng mới chấm dứt huy động vàng nhưng thời gian này, nhiều ngân hàng đã ngưng huy động vàng trả lãi suất, một số ngân hàng còn lại cũng đã bắt đầu rút hạ lãi suất huy động và giảm bớt vàng trong cơ cấu huy động của mình.
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines. Theo đó, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỉ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỉ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).