Bàn về nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2013 | 8:48:38 AM

YBĐT - Ngày 14/3/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Yên Bái xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành phố cả nước với tổng số 53,36 điểm, tụt 28 bậc so với năm 2011.

Kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp của tỉnh Yên Bái không ngừng được hoàn thiện.
Kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp của tỉnh Yên Bái không ngừng được hoàn thiện.

Hàng năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều tiến hành xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). PCI là chỉ số đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương qua đánh giá, cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp và dân doanh. Như vậy, một tỉnh có PCI cao không nhất thiết phải có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên... Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI được xem là tiếng nói quan trọng của các doanh nghiệp, dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá PCI là một nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Việc xây dựng PCI có xét tới tiêu chí cung cấp thông tin công khai, minh bạch của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh cho các doanh nghiệp tại địa phương. Đây là một tiêu chí có liên quan tới Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ cổng trực tuyến (G2B). Đã có 40 tỉnh, thành phố sử dụng kết quả PCI để ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của tỉnh ủy hoặc ủy ban nhân dân tỉnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh.

Để xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh tin cậy, hàng năm, VCCI tiến hành khảo sát khoảng 10.000 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu, phân tổ. Năm 2012, đã tiến hành khảo sát 8.053 doanh nghiệp địa phương và 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. PCI được xây dựng dựa trên 9 lĩnh vực: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Mỗi lĩnh vực được tính điểm tối đa là 10 điểm. Chín lĩnh vực trên được chia theo mức trọng số: cao, trung bình, thấp. Trọng số cao gồm tính minh bạch (20%), đào tạo lao động (20%), chi phí thời gian (15%); trọng số trung bình (10%), gồm chi phí gia nhập thị trường, tính năng động và chi phí không chính thức; trọng số thấp (5%) gồm tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong 7 năm (từ năm 2006 - 2012), tỉnh Yên Bái được VCCI xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ năm 2006 - 2008, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Yên Bái xếp vào nhóm khá, vị trí từ 15 đến 19/64 tỉnh, thành cả nước. Ba năm tiếp theo (2009 - 2011) được xếp vào nhóm tốt, cụ thể năm 2009 xếp thứ 23/63, năm 2010 xếp thứ 21/63 và năm 2011 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước. Điều đó thể hiện tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động mạnh vào kinh tế Việt Nam làm cho kinh tế của tỉnh càng khó khăn hơn. Do vậy, tuy năm 2011 thuộc nhóm có chỉ số PCI tốt nhưng nội hàm PCI còn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt các chỉ số có trọng số cao như tính minh bạch chỉ đạt 5,83 điểm, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được 5,11 điểm, chi phí thời gian 6,57 điểm, hỗ trợ doanh nghiệp 3,04 điểm. Nếu không cải thiện tốt môi trường đầu tư thì rất có thể năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của Yên Bái sẽ tụt hạng (bài “Tổng quan kinh tế Yên Bái năm 2012” đăng trên Báo Yên Bái số 3182, ngày 15/1/2013 cũng đã dự báo).

Ngày 14/3/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Yên Bái xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành phố cả nước với tổng số 53,36 điểm, tụt 28 bậc so với năm 2011. Xét về chỉ số thành phần, Yên Bái không có chỉ số nào nằm trong tốp 10, có 2 chỉ số trong tốp 20, có 2 chỉ số trong tốp 40, có 3 chỉ số trong tốp 50 và 2 chỉ số trong tốp 60.

So với năm 2011, chỉ có duy nhất một chỉ số là tính minh bạch tăng 24 lần; 8 chỉ số bị tụt hạng sâu gồm tiếp cận đất đai giảm 55 bậc, đào tạo lao động giảm 41 bậc, chi phí không chính thức giảm 27 bậc, tính năng động giảm 26 bậc, thiết chế pháp lý giảm 13 bậc, gia nhập thị trường giảm 10 bậc. Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2012 của Yên Bái giảm mạnh, tập trung chủ yếu vào:  

- Tiếp cận đất đai từ đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành năm 2011 tụt xuống thứ 61 năm 2012. Điều đó thể hiện doanh nghiệp chưa tin vào bộ máy hành chính trong thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mức ổn định trong sử dụng đất, khung giá đất, vấn đề thu hồi, đền bù đất...

- Đào tạo nguồn nhân lực rất hạn chế, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành và ít được cải thiện. Hiện nay, khoảng 70% số lao động chưa qua đào tạo, 75% số lao động mù chữ và chưa tốt nghiệp trung học cơ sở cộng với cơ sở đào tạo nghề chưa phát triển, trong khi thời kỳ sử dụng lao động đơn giản đã qua, dẫn đến các cơ sở sản xuất thiếu lao động có trình độ kỹ thuật. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại của doanh nghiệp rất hạn chế.

- Dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn nhiều bất cập và đang xếp ở vị trí thứ 49/63 tỉnh, thành. Thời gian qua chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh cho doanh nghiệp. Nhận thức của một số địa phương, ngành về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế chưa đúng mức, còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư còn nhiều bất cập. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn nhiều lúng túng.

- Thủ tục đăng ký, chứng nhận đầu tư, quy hoạch địa điểm, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu... cho doanh nghiệp còn những hạn chế nhất định. Tỉnh chưa có mô hình "một cửa liên thông" để thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến chi phí gia nhập thị trường xếp hạng thứ 44/63 tỉnh, thành.

- Thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp phát triển nóng, tự phát, chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức kinh tế thị trường, sản xuất mang tính “bóc màu”, khi Nhà nước siết chặt tín dụng và thị trường tiêu thụ hàng hóa khó khăn dẫn đến ngừng trệ sản xuất, nợ nần chồng chất lại đẩy lỗi về phía Nhà nước.

Là một tỉnh nghèo, không nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, không có cửa khẩu, chỉ số năng lực cạnh tranh của Yên Bái thấp sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư và làm cho các nhà đầu tư đang kinh doanh trên địa bàn thiếu yên tâm, lòng tin giảm sút.

Để khắc phục tình trạng trên, phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa thứ hạng của tỉnh trong một, hai năm tới trở lại tốp 20, Yên Bái cần tập trung vào các nhiệm vụ chính sau: tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo sự thân thiện giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước; công khai, minh bạch trong hỗ trợ, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, tất cả vì sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mặt khác đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện "một cửa liên thông"; các cơ quan giúp việc UBND tỉnh phải làm tốt việc giải quyết nhanh chóng thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giải quyết mặt bằng... cho doanh nghiệp.

Đồng thời tập trung thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh và các huyện, thị. Tỉnh cần tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2020 và hướng đến năm 2030 để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Từ thực tế và khả năng, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) và chiến lược sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Trần Thi

Các tin khác

YBĐT - Sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua các con dốc và đến với cung đường cao nhất, từ trên cao nhìn xuống thung lũng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng, có một khu trang trại được xây dựng quy mô, đó chính là khu trang trại nuôi cá tầm của anh Trần Khánh Vị ở xã Khánh Hòa (Lục Yên).

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây vụ ba trên đất 2 lúa tại HTX An Hòa (thị xã Nghĩa Lộ).

YBĐT - Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đang dần khẳng định vị thế, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Năm 2012, số HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt trên 60% số HTX trong tỉnh. Tổng doanh thu của các HTX đạt trên 700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 18 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất gạo đồ của Công ty VAp gấp rút hoàn thiện

Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất và xuất khẩu gạo đồ. Không chỉ bán được giá cao hơn, chế biến gạo đồ sẽ giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện tại.

13/28 địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các khoản phát sinh khác tại địa phương… số tiền sai quy định lên đến 3.368 tỉ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục