Lục Yên phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc: Người nuôi còn chủ quan
- Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2013 | 2:59:34 PM
YBĐT - Theo chân các cán bộ của Trạm Thú y huyện Lục Yên và thú y viên xã Khánh Hòa trong một buổi tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò tại thôn Khe Trung, chúng tôi hiểu thêm về những vướng mắc, trở ngại trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Lục Yên hướng dẫn cách tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc tại xã Khánh Hòa.
|
Mặc dù cán bộ thú y cùng lãnh đạo chính quyền cơ sở đã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tổ chức tiêm phòng song mãi đến gần 10h trưa, khu vực nhà văn hóa của thôn vẫn chỉ có 5 hộ gia đình đưa trâu đến tiêm trong khi cả thôn có hàng trăm con trâu, bò.
Anh Đàm Ngọc Lại, người dân thôn Khe Trung cho hay: “Hôm trước, xã đã cử cán bộ thú y về tận thôn để tuyên truyền, vận động và nhắc hôm nay đưa trâu đến tiêm phòng. Chính tôi cũng đã đi từng nhà để thông báo lại thế mà hôm nay vẫn chỉ có 5 hộ đưa trâu đến tiêm. Như thế này thì làm sao mà phòng chống dịch bệnh được?”.
Trên thực tế, số người dân có nhận thức đúng đắn và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như anh Lại chỉ chiếm thiểu số. Đại đa số nông dân, đặc biệt là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu vẫn còn tâm lý chủ quan, coi việc tiêm phòng dịch bệnh là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà không chủ động hợp tác, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Chỉ đến khi trâu, bò đã mắc bệnh nặng, không tự cứu chữa được thì người dân mới chịu cầu cứu.
Gần đây nhất, cuối tháng 3/2013, tại thôn Phong Tân, xã Tân Lĩnh, dịch tụ huyết trùng trâu, bò xảy ra làm 11 con trâu bị mắc bệnh. Do phát hiện muộn, cán bộ thú ý của huyện và xã dù rất tích cực song chỉ cứu được 5 con, còn 6 con trâu đã chết do dịch tụ huyết trùng.
Nguyên nhân chính là do đợt tiêm phòng bắt buộc cuối năm 2012, nhân dân thôn 7 có 26 con trâu nhưng không đưa đến tiêm. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế của các hộ gia đình, đây còn là nguyên nhân phát sinh thành dịch bệnh trên diện rộng, nếu không nhanh chóng dập dịch sẽ gây ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi của địa phương.
Đồng chí Hoàng Minh Giám - Phó trưởng Trạm Thú y huyện Lục Yên chia sẻ: “Không chỉ riêng Khánh Hòa và Tân Lĩnh, người dân thiếu hiểu biết, còn tâm lý chủ quan, không hợp tác với ngành chức năng là thực trạng chung trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Lục Yên.
Trong khi đó, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của một số xã không những không thường xuyên quan tâm mà còn “khoán trắng” cho nhân viên thú y, dẫn đến việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh hạn chế”.
Hiện tại, bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò nói riêng và các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang đe dọa ngành chăn nuôi địa phương. Huyện Lục Yên, nòng cốt là Trạm Thú y huyện đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành tổ chức tiêm phòng đợt 1 với trên 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò, 9.500 liều cho đàn lợn, 9.500 liều phòng dịch tả cho lợn và 3.700 liều phòng dại cho chó, mèo. Tuy nhiên, nhân tố quyết định hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh chính là mỗi người chăn nuôi.
Do đó, mỗi người chăn nuôi, mỗi hộ gia đình cần nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, tích cực phối hợp với ngành chức năng để theo dõi, phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời tập trung chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất những thiệt hại làm ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi gia đình nói riêng và của địa phương nói chung.
Mai Thu - Khắc Điệp
Các tin khác
YBĐT - Phát triển giao thông nông thôn là nhu cầu cấp thiết, không chỉ đi lại thuận tiện mà còn phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.
Chớp cơ hội giá thế giới rơi tự do, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sáng nay chen nhau tới cửa hàng cho dù mua trong nước vẫn đắt hơn quốc tế hơn 5 triệu đồng mỗi lượng.
YBĐT - Những năm trở lại đây, đàn lợn của tỉnh Yên Bái không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đàn lợn giống cần được tiếp tục đầu tư để có chất lượng tốt và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hệ thống kho được xây dựng tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP HCM.