Đảm bảo an ninh lương thực ở Yên Bình:

Cần quy hoạch và phát triển lúa cao sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/4/2013 | 9:08:29 AM

YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bình (Yên Bái) luôn xác định sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Tuy nhiên, cho đến nay, huyện vẫn chưa đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ, bình quân mới đạt 194kg/người/năm. Không chỉ vậy, năng suất, sản lượng lúa cũng thấp nhất so với các địa phương khác trong tỉnh.

Yên Bình cần có quy hoạch cụ thể từng cánh đồng để sản xuất lúa cao sản.
Yên Bình cần có quy hoạch cụ thể từng cánh đồng để sản xuất lúa cao sản.

Thiếu quy hoạch và đầu tư thâm canh

Với diện tích sản xuất lúa cả năm của huyện trên 4.295ha, trong đó vụ xuân 2.012ha, vụ mùa 2.238ha cũng không phải là ít nhưng năng suất chỉ đạt bình quân 49,5 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 21.260 tấn, bình quân đạt 194kg thóc/người/năm.

Những con số trên cho thấy, từ năng suất đến sản lượng thóc ở Yên Bình đều thấp hơn nhiều so với các địa phương khác như: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và chỉ cao hơn huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Nói về lợi thế, Yên Bình chẳng kém các địa phương khác, trình độ thâm canh của người dân không phải là thấp, cơ sở hạ tầng đồng ruộng tương đối đồng bộ, nước tưới đảm bảo, vốn đầu tư cho sản xuất cũng không thấp.

Không chỉ vậy, nơi đây còn có vùng lúa gạo hàng hóa khá ngon, nhất là lúa gạo Bạch Hà: "Cơm làng Má, cá Đào Kiều/ Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn" đã trở thành một thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy. Vậy đâu là nguyên nhân? 

Qua thực tế cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp, huyện chưa thật chú trọng quy hoạch, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để thuận lợi cho đầu tư thâm canh, phát huy tiềm năng, thế mạnh và lợi thế vùng. Đi dọc các xã từ Tân Nguyên, Tân Hương, Bảo Ái, Đại Đồng rất dễ nhận thấy ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ. Đành rằng những địa phương này ruộng đất không bằng phẳng, phì nhiêu như các địa phương khác, khá nhiều diện tích ruộng chân chua ớm bóng nằm sát các đồi núi, ruộng đất xấu nhưng người dân cũng chưa tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu.

Các xã vùng đông hồ như: Thác Bà, Bạch Hà, Vũ Linh... thì có khá hơn, người dân đã biết đầu tư thâm canh, đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất hàng hóa nhưng diện tích cũng rất nhỏ lẻ, manh mún và mạnh ai nấy làm, không hề có đầu tư quy hoạch, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa sát sao, nhất là chưa có quy hoạch phân vùng cụ thể; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được kiểm tra, đôn đốc, giám sát nghiêm ngặt từ khâu gieo cấy, thu hoạch nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng.

Gạo Bạch Hà ngon nhưng lại có khá nhiều sạn. Sạn là do khâu thu hoạch, người dân không có chỗ phơi, không có máy sấy nên tiện đâu phơi đó. Nhà có sân gạch phơi sân gạch, nhà không có sân gạch mua bạt về phơi bên lề đường, ven đồi, đất cát bắn vào dẫn đến sạn nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Nhất thiết phải quy hoạch vùng sản xuất

Để chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và cho năng suất, chất lượng cao, Yên Bình cần phải quy hoạch diện tích lúa cao sản và tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo về an ninh lương thực là vấn đề cấp bách.

Ông Lã Tiến Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Yên Bình đang xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất lúa cao sản giai đoạn 2013 - 2016 với diện tích 500ha tại 11 xã. Mục tiêu của dự án là đến năm 2016 đưa năng suất lúa lên 120 tạ/ha, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn". Những mục tiêu đó không phải quá cao song huyện cần phải có những giải pháp và hướng đi cụ thể mới có thể đạt được. Do đặc thù ruộng nương nằm rải rác ở các xã mà không có cánh đồng lớn nên việc quy hoạch phải rất cụ thể, phù hợp với thực tế từng địa phương.

Song song với quy hoạch, huyện cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong vùng quy hoạch sản xuất lúa cao sản về giống, kỹ thuật cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng năng suất, sản lượng lúa; sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao đã được khảo nghiệm, sử dụng đúng giống, đúng phân, đúng lịch thời vụ, áp dụng đúng quy trình thâm canh; tích cực liên doanh, liên kết, thành lập các nhóm hộ hay hợp tác xã để quản lý, đầu tư từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Việc quy hoạch và phát triển lúa cao sản là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, xu thế phát triển nông nghiệp miền núi trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là tiền đề để hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Khi dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đang diễn ra phức tạp, phóng YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái về vấn đề này.

Trong đó khối FDI lại tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 58% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tặng quà đơn vị thi công.

YBĐT - Ngày 20/4, tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái), Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam tổ chức Lễ thông hầm tại km 186+200 đến km 186+730 thuộc gói thầu A6 Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT đánh giá toàn diện tình hình thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012 - 2013, công bố rộng rãi kết quả, làm rõ những mặt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục