Khó khăn công tác giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2013 | 8:54:45 AM
YBĐT - Với việc triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, trong năm 2012, toàn tỉnh Yên Bái có 4.650 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,53% cuối năm 2011) xuống còn 29,23% (năm 2012).
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nông dân đã đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo.
|
Các dự án giảm nghèo được giao đều triển khai thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng tiến độ, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Năm 2012, tổng nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 2.556 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch. Trong đó: vốn ngân hàng chính sách xã hội 1.398 tỷ đồng, chiếm 54,8%; vốn từ ngân sách Trung ương 897 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 109 tỷ đồng; các nguồn vốn huy động khác 152 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này dùng để thực hiện các chính sách, dự án như: cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình với gần 9.900 hộ, mức vay bình quân 17 triệu đồng/hộ; tập huấn cho 483 cán bộ làm công tác giảm nghèo; đào tạo nghề cho 8.940 người; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.334 căn nhà; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 496.000 đối tượng…
Mặc dù với sự nỗ lực cao cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị song hiện nay, Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo trong khu vực Tây Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh qua các năm nhưng không bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn nhiều.
Bên cạnh đó còn một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo có thời điểm còn nặng về thành tích và áp lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo chưa phản ánh đúng, đầy đủ mức sống của nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó, công tác xây dựng kế hoạch giảm nghèo tại cấp huyện và xã còn chậm; có địa phương sau khi đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh kiểm tra, nhắc bằng văn bản đến lần thứ 2 mới xây dựng kế hoạch giảm nghèo tại địa phương mình. Mặc khác, bản kế hoạch giảm nghèo còn mang tính hình thức, chung chung, thiếu cụ thể, chưa có các giải pháp cụ thể hóa chương trình giảm nghèo của cấp trên tại địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn lực đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… Năng lực quản lý, điều hành Chương trình giảm nghèo bền vững nhìn chung còn hạn chế, nhất là cấp xã, phường và thôn, bản, do vậy hiệu quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Nguồn lực bố trí cho chương trình xóa đói giảm nghèo chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần có của chương trình như: vốn vay ưu đãi hộ nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu vay của hộ nghèo; cấp xã chưa quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, còn khoảng 30% số hộ nghèo chưa được vay vốn ưu đãi. Dư nợ hộ nghèo chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 30% - 40% trên tổng nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội; vốn của chương trình mục tiêu quốc gia cấp chậm, đầu tư còn phân tán, hiệu quả chưa cao.
Qua thực tế rà soát, chuẩn nghèo chậm được điều chỉnh so với chỉ số tăng của giá tiêu dùng. Do vậy, một bộ phận hộ gia đình thoát nghèo nhưng thực tế hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thoát nghèo không thực chất. Mặc khác, hộ nghèo có xu hướng tập trung rõ rệt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung vào một số xã, huyện đặc biệt khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh hiện nay là 29,23%, trong đó huyện Mù Cang Chải 75,40%, Trạm Tấu 72,21%, thành phố Yên Bái chỉ còn 4,30%.
Hiện nay, nhận thức của nhân dân về công tác xóa đói giảm nghèo đã có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt. Nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và nhóm hộ ở vùng cao đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả giảm 3,5% số hộ nghèo, tương ứng với 5.609 hộ thoát nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 29,23% xuống còn 25,73% trong năm 2013 này thì cần tập trung khắc phục triệt để những tồn tại và hạn chế.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Huyện Trạm Tấu có trên 77% là đồng bào dân tộc Mông, 16% dân tộc Thái còn lại là các dân tộc khác. Trước khi thực hiện Dự án Giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người của huyện Trạm Tấu trung bình đạt khoảng 5.000.000 đồng/người/năm.
Từ ngày 30/6, rau quả tươi của Việt Nam sẽ được cấp phép kiểm dịch để xuất khẩu vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau hơn một năm bị ngưng lại.
Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2012, các tổ chức tín dụng đã trả lãi tiền gửi, tiền vay khoảng 408.000 tỷ đồng; còn thu lãi cho vay từ nền kinh tế khoảng 420.000 tỷ đồng.
Liên quan đến Dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) tại Khu công nghiệp Nhơn Hội (Bình Định), bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: