Những chuyển biến về chất
- Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 8:41:52 AM
YBĐT - Đối với vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), thế mạnh từ trước đến nay vẫn là chăn nuôi đại gia súc và đối với bà con người Mông nơi đây, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”.
Người dân Mù Cang Chải đã biết trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.
|
Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũ và nhiều nguyên nhân khách quan mà tổng đàn gia súc của Mù Cang Chải những năm qua chưa tăng mạnh, lĩnh vực chăn nuôi vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Làm sao để phát triển mạnh chăn nuôi, để chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là bài toán đang được các cấp, các ngành và người dân nơi đây từng bước giải quyết.
Thay đổi về nhận thức
Trong góc vườn hay những khoảnh đất ven nương lúa, nương ngô của những hộ gia đình người Mông Mù Cang Chải, giờ đây xen vào đó là cỏ voi. Giống cỏ thân mềm, lá xanh biếc này rất “khoái khẩu” với trâu, bò. Đặc biệt, cạnh mỗi ngôi nhà của bà con hay các khu vực ruộng bậc thang đều thấy có những chòi nhỏ chừng chục mét vuông. Đây không chỉ là nơi để chứa lương thực sau thu hoạch mà còn để cất giữ rơm, rạ khô làm thức ăn cho gia súc trong những ngày đông giá rét.
Dừng tay cắt cỏ, ông Lò Văn Thông - người dân thôn Có Thái, xã Nậm Có cho biết: “Gia đình mình có 2 con trâu sinh sản, mỗi con trị giá ba chục triệu đồng. Là tài sản lớn đấy nên giờ phải trồng cỏ, chăn dắt cẩn thận, tiêm phòng dịch bệnh nữa!”.
Ông Sùng A Lử - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết thêm: “Trước đây, người Mông mình thường đuổi trâu vào rừng, thỉnh thoảng mới vào thăm để kiểm tra. Đến mùa cày cấy mới vào rừng bắt trâu về, vì vậy trâu thường bị chết đói, rét. Nay thì khác rồi, nhận thức của bà con đã thay đổi nhiều. Cùng việc tiêm thuốc phòng trừ bệnh, bà con đã biết trồng cỏ, dự trữ rơm rạ mỗi khi gặt xong, do vậy tỷ lệ gia súc chết rét đã giảm nhanh”.
Tập quán chăn nuôi cũ đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Không tính số lượng bị thụt hố, ngã xuống vực chết mà thời tiết ở Mù Cang Chải vô cùng khắc nghiệt, mùa đông thường kéo dài 6 tháng, nhiệt độ xuống thấp, do vậy năm nào đàn gia súc cũng giảm. Với vài ngàn con gia súc các loại, trước đây, năm nào Nậm Có cũng chết vài chục đến hàng trăm con. Từ khi được vận động, có sự chuyển đổi, vụ rét 2012 - 2013 vừa qua, với trên 3.500 con gia súc các loại, Nậm Có chỉ để hơn chục con trâu bị chết rét, chủ yếu là trâu già và ghé non.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thành Nho đánh giá: “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, trên địa bàn huyện có trên 250ha cỏ voi, cỏ VA 06 và Gua - tê - ma - la. Đến mùa rét, trung bình mỗi xã có từ 700 - 800 cây rơm, tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt gần 100%.
Việc chăn nuôi thả rông của bà con trong mùa rét đã giảm hẳn”. Từ lời anh nói, nhớ lại đợt rét đầu năm vừa qua, trong đợt xuống xã Púng Luông, Khao Mang, Hồ Bốn… chúng tôi bắt gặp cảnh bà con người Mông đốt lửa sưởi, mặc áo, che chắn chuồng trại cho trâu, bò. Việc làm này, những năm trước chưa bao giờ có…
Kết quả đáng khích lệ
Phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đồng thời tranh thủ tối đa sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này. Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển chăn nuôi.
Ngày 19/3/2007, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04 về việc phát triển chăn nuôi giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà chăn nuôi vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đặc biệt, do tập quán sản xuất, do khí hậu khắc nghiệt nên đàn gia súc thường giảm sút. Từ năm 2007 đến năm 2011, có vài ngàn con trâu, bò bị chết, trong đó có năm, cả huyện có trên 2.000 con trâu, bò bị chết đói, chết rét. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế từng hộ gia đình mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp địa phương.
“Khoảng hai năm trở lại đây, tình hình đã có sự chuyển biến rõ nét” - Chủ tịch UBND huyện Giàng A Tông khẳng định. Cùng với phát huy hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, Đảng bộ đã thực sự quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác này với các biện pháp tăng đàn, bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân.
Cụ thể là việc tranh thủ các chương trình, dự án đầu tư cho chăn nuôI, riêng Đề án 30a từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ cho nhân dân mua 900 con trâu cái sinh sản, trâu đực giống. Người dân cũng được hỗ trợ trồng cỏ, làm cây rơm. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ huyện tới xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh, số gia súc bị chết rét, dịch bệnh trên địa bàn huyện được hạn chế và giảm nhiều so với mọi năm, không có dịch lớn xảy ra.
Từ cuộc vận động “Ba xanh”, “Năm không, năm có”, người dân đã từng bước chuyển từ chăn thả tự do sang hình thức bán công nghiệp. Tư tưởng ỷ của đồng bào lại cũng đã giảm nhiều vì nếu để trâu, bò chết do không được chăm sóc là không được hỗ trợ.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đợt rét đậm, rét hại năm 2012 làm 71 con gia súc bị chết rét. So với đợt rét năm 2011 và những năm trước, cả huyện có cả ngàn con gia súc bị chết thì thiệt hại đã giảm đi rất nhiều. Đến nay, Mù Cang Chải đã nâng tổng đàn gia súc lên 46.947 con, tăng 1,95% so với năm 2007.
Để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chắc chắn còn nhiều việc phải làm của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Đó là việc có các cơ chế, chính sách động viên tăng đàn; thực hiện phòng, chống dịch bệnh; chủ động nguồn thức ăn…
Việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hình thức chăn thả, bảo vệ đàn gia súc là yếu tố quan trọng nhất. Được như vậy, chăn nuôi ở vùng cao mới ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
P.V
Các tin khác
Các tỉnh này cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên tại Hội nghị về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra sáng ngày 28/5.
YBĐT - Rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với mưa bão các năm trước, ngay từ đầu năm 2013, Công ty Điện lực Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện khi mùa mưa bão.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có diện tích mặt nước ao, hồ lớn. Những năm qua, chăn nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Một bộ phận người dân đã đầu tư chăn nuôi các loại cá đặc sản như: tầm, hồi, nheo… Tuy nhiên, hầu như con giống đều phải nhập từ nơi khác nên chất lượng không đảm bảo, giá thành cao.