Bước tiến mới trong nuôi trồng thủy sản
- Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2013 | 3:00:36 PM
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có diện tích mặt nước ao, hồ lớn. Những năm qua, chăn nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Một bộ phận người dân đã đầu tư chăn nuôi các loại cá đặc sản như: tầm, hồi, nheo… Tuy nhiên, hầu như con giống đều phải nhập từ nơi khác nên chất lượng không đảm bảo, giá thành cao.
Lấy trứng cá làm thụ tinh khô.
|
Vừa qua, được sự giúp đỡ của các kỹ sư thuỷ sản, lần đầu tiên, một doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh tiến hành thụ tinh nhân tạo và ấp nở thành công giống cá nheo. Đây không những là một bước tiến mới của ngành thủy sản Yên Bái mà còn là tin vui tới những người nuôi trồng thủy sản.
Với diện tích 3ha mặt nước được cải tạo từ diện tích ruộng lầy kém hiệu quả, từ nhiều năm nay, doanh nghiệp tư nhân Phương Loan có địa chỉ tại thôn 6, xã Vân Hội (Trấn Yên) chuyên nuôi thả cá rô phi đơn tính cùng các loại: trôi, mè, trắm đen, chép và cá nheo. Sản lượng cá mà cơ sở bán ra mỗi năm từ 20 - 25 tấn và cung cấp các loại cá giống cho nhân dân trong vùng, các xã lân cận. Hiện nay, cùng với nhiều loại cá đặc sản khác, giống cá nheo đang bán chạy trên thị trường trong tỉnh và xuất khẩu ra các tỉnh như: Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ…
Trên địa bàn tỉnh hiện có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản và Du lịch Thác Bà (xã Phúc An, huyện Yên Bình) nuôi với số lượng lớn, gần 20 lồng cá hàng năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn giống cá nheo khan hiếm, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản phải mua cá nheo giống có nguồn gốc từ Trung Quốc nên rủi ro và nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Mặt khác, người dân khai thác con giống trong các ao hồ, sông suối với số lượng ít nên không đáp ứng được nhu cầu nuôi của người dân.
Với trên 1.000 con giống bố mẹ, năm 2011, anh Trần Đức Phương - chủ doanh nghiệp tư nhân Phương Loan cho sinh sản tự nhiên nhưng không thu được kết quả. Mong muốn có nguồn cá giống đặc sản này, được sự giúp đỡ của Chi cục Thủy sản tỉnh và ông Trần Văn Phú - kỹ sư thủy sản, năm 2012, anh Phương tiến hành cho thụ tinh nhân tạo nhưng tỷ lệ cá nở rất thấp.
Sau một vài lần làm nhưng anh vẫn không thành công do không kiểm soát được nhiệt độ môi trường, nhiệt độ nước và ánh sáng... nên ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh.
Qua vài lần thất bại nhưng yêu nghề, say mê nghiên cứu, anh cùng các kỹ sư thủy sản không bỏ cuộc. Năm nay, anh Phương tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng khu nhà chuyên dùng cho cá nheo đẻ, xây dựng đường ống dẫn nước, bể tạo áp lực nước, bể ươm, hệ thống làm lạnh và kiểm soát nhiệt độ môi trường không khí, nhiệt độ nước, ánh sáng... nhằm tạo ra môi trường như tự nhiên cho cá đẻ, thụ tinh được thuận lợi.
Cơ sở vật chất đầy đủ, anh đi mua cá đực giống do người dân đánh bắt tự nhiên về cho thụ tinh vì theo nghiên cứu của các kỹ sư thủy sản, con cá đực sống ngoài sông hồ khỏe hơn, tỷ lệ thụ tinh thành công cao hơn. Từ đầu năm đến nay, anh tiến hành thụ tinh 3 đợt, tỷ lệ trứng nở đều đạt trên 80%.
Ông Hoàng Ngọc Đại - Phó giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái cho biết: "Đến lúc này, chúng tôi khẳng định, phương pháp thụ tinh, ấp nở nhân tạo giống cá nheo của doanh nghiệp Phương Loan là thành công với số cá con sau 3 lần ấp nở đưa ra nuôi ngoài ao ương, ước tính trên 58.000 con. Hiện tại, theo đánh giá, số cá giống này đều đạt các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như kích thước và độ đồng đều".
Là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong tỉnh và toàn miền Bắc thụ tinh nhân tạo, ấp nở thành công giống cá nheo đã tạo điều kiện tốt cho ngành chăn nuôi thủy sản Yên Bái có một bước tiến mới trong sản xuất và nuôi trồng giống cá đặc sản này. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là thành công ban đầu vì để cung cấp con giống rộng rãi ra ngoài thị trường cần thời gian nuôi thử nghiệm. Hy vọng rằng, không lâu nữa, giống cá đặc sản này sẽ được người dân nuôi đại trà với con giống đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
H.D
Các tin khác
Đài truyền hình phát thông tin, quảng cáo sai sự thật thì có thể bị phạt tiền ở mức cao nhất là 50 triệu đồng.
Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật mới được sản xuất mặt hàng này. Người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở sản xuất phải có chuyên môn về hóa học hoặc nông nghiệp từ đại học trở lên.
YBĐT - Những năm trở lại đây, trồng rừng luôn là hướng thoát nghèo và đi lên giàu có của nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái).
YBĐT - Nói đến chè Yên Bái không thể không nhắc đến thương hiệu chè Suối Giàng. Được chọn lọc từ những búp chè Shan, sinh trưởng tự nhiên ở vùng núi Suối Giàng, chè mang vị thơm, tinh khiết, làm say đắm lòng người.
Ngay tại xã Suối Giàng - quê hương của loại chè đặc sản này cũng đã có tới cả chục cửa hàng treo biển với đủ loại đặc sản chè Suối Giàng: chè đặc sản Suối Giàng, chè tuyết cổ thụ Suối Giàng, đặc sản chè tuyết sơn trà Suối Giàng...