Chăn nuôi lao đao “vào tăng, ra giảm”

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/7/2013 | 8:56:55 AM

YBĐT - Giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm trong thời gian qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi phải “treo chuồng”, co đàn hoặc chăn nuôi cầm chừng. Nếu không có giải pháp kịp thời để tháo gỡ thì những nỗ lực phục hồi chăn nuôi thời gian qua sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Nhiều hộ dân chỉ chăn nuôi cầm chừng chờ giá lên.
Nhiều hộ dân chỉ chăn nuôi cầm chừng chờ giá lên.

Hiện giá lợn hơi đang giảm mạnh, chỉ còn 32.000 - 33.000 đồng/kg, thấp hơn 4 - 5 giá so với thời điểm cuối năm 2012. Giá lợn hơi giảm, giá thịt thương phẩm cũng giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 60.000 - 65.000 đồng/kg, thịt thăn giá 80.000 đồng/kg…

Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Y Can (Trấn Yên) cho biết, mọi năm, vào thời điểm này, lượng tiêu thụ vẫn rất mạnh nhưng năm nay, giá thịt gia súc, gia cầm giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải giảm số lượng nuôi. Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người chăn nuôi thì những tháng cuối năm 2013 chắc chắn còn khó khăn hơn năm trước. Giá bán tại các hộ nuôi nhỏ lẻ còn thê thảm hơn.

Chị Lê Thị Giang ở xã Minh Tiến (Trấn Yên) cho hay, gia đình chị nuôi 6 con lợn, cách đây một tuần chỉ bán được giá 30.000 - 31.000 đồng/kg lợn hơi. Với mức giá như thế này, người chăn nuôi đang lỗ nặng vì giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm khoảng 20.000 - 25.000 đồng/bao.

Không chỉ hộ chăn nuôi méo mặt mà các thương lái cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Đung, một thương lái chạy lợn ở Km6, thành phố Yên Bái bộc bạch: "Giá lợn hơi, gia cầm giảm rất mạnh, gà công nghiệp chỉ bán được 32.000 - 35.000 đồng/kg, vịt 55.000 đồng/kg, gà ta 100.000 - 110.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cuối năm 2012. Do giá quá thấp nên không chỉ có người chăn nuôi thất bát mà các thương lái cũng không lãi nhiều. Không những thế, thời gian gần đây, sức tiêu thụ chậm do người dân chuyển sang liên kết 3 - 4 hộ cùng “săn” lợn “sạch” mổ lấy thịt để tủ lạnh ăn dần".

Ông Nguyễn Thành Lê - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: “Thời điểm này, nhiều trang trại nuôi lợn trên địa bàn huyện đang lỗ nặng vì giá liên tục sụt giảm. Trấn Yên có 122 trang trại nuôi lợn, gà, chiếm khoảng 22% sản lượng của huyện, hiện hầu hết chỉ duy trì chăn nuôi cầm chừng. Trên địa bàn huyện, người chăn nuôi chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ khi làm trang trại có quy mô lớn, còn lại không có chính sách nào khác, nếu có chỉ là chính sách hỗ trợ khi gia súc bị dịch bệnh phải tiêu hủy”.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi bằng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại theo từng quy mô khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trang trại được hỗ trợ không còn duy trì đủ số lượng, chỉ chăn nuôi cầm chừng, thậm chí “treo chuồng”, người chăn nuôi lao đao vì điệp khúc “đầu vào tăng, đầu ra giảm”.

Theo dự báo, giá thịt lợn khó tăng lên trong thời gian tới vì nhu cầu tiêu thụ đang giảm. Ngoài ra, giá trứng gia cầm sau một thời gian “sốt” cao nay đã giảm trở lại, trong khi mọi chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Để cứu ngành chăn nuôi thoát khỏi cơn bĩ cực và phát triển ổn định, Nhà nước cần phải quản lý tốt thị trường đồng thời có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ khi có dịch bệnh xảy ra hoặc thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi.

Ông Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: “Phát triển chăn nuôi hiệu quả phải dựa vào phương châm “3 chống”: chống dịch, chống rét, chống nhập lậu. Một giải pháp quản lý khác góp phần hạn chế việc nhập lậu sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc là thực hiện quy hoạch chăn nuôi để cân bằng theo hướng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường”.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng phải biết cách tự cứu mình, tìm hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tránh những rủi ro khi giá giảm. Để giảm chi phí, các hộ chăn nuôi nhỏ không nên quá phụ thuộc vào cám công nghiệp, cần tận dụng các sản phẩm phụ trong nông nghiệp như rau, ngô, sắn để kết hợp chăn nuôi.

Theo nhiều chủ trang trại, để phục hồi sản xuất, khó khăn lớn nhất của họ là không tiếp cận được nguồn vốn vay. Tài sản thế chấp không đủ, hơn nữa đa số trang trại chăn nuôi thường vay cám theo lãi suất ngân hàng, đến khi bán sản phẩm mới trả cho các đại lý nhưng với tình trạng chăn nuôi thua lỗ như hiện nay thì nhiều hộ không thể trả nợ.

Để những tháng cuối năm ngành chăn nuôi có thể phục hồi thì vấn đề cấp bách là cần phải có những gói tín dụng ưu đãi giúp người chăn nuôi có thể tái sản xuất. Bởi lẽ, đầu tư cho chăn nuôi rất lớn, nông dân ngoài chăn nuôi cũng rất khó tìm được ngành nghề khác. hơn nữa, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho chuồng trại, nếu bỏ không thì lãng phí mà tái sản xuất thì thiếu vốn.

Anh Dũng

Các tin khác
Xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít.

Chiều 17/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã “bất ngờ” cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu. Thời gian tăng giá có hiệu lực kể từ 20h cùng ngày.

YBĐT - Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây Thanh Long vào sản xuất tập trung ở các xã Liễu Đô, Khánh Thiện, trong đó mỗi hộ trồng khoảng 1 sào.

Mức tăng giá nhẹ trên thị trường vàng quốc tế đã đưa giá vàng trong nước sáng nay lên gần ngưỡng 37,7 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do tiếp tục ổn định ở mức trên 21.500 đồng, trong khi giá USD bán ra tại một số ngân hàng thương mại đã quay trở lại mức kịch trần biên độ.

Giảm suất huy động VNĐ ngày càng giảm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 6%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất được BIDV áp dụng là 8%/năm đối với kỳ hạn từ 12-36 tháng, kỳ hạn 3-9 tháng là 7%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục