Luôn đồng hành cùng nhà nông
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/7/2013 | 9:33:52 AM
YBĐT - Sản xuất nông - lâm nghiệp huyện Văn Yên (Yên Bái) trong vài năm trở lại đây luôn gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Đi từ vùng thấp đến vùng cao, đâu đâu cũng thấy ruộng nương bốn mùa xanh tốt, nông dân hăng hái lao động không cho đất nghỉ, có những nơi đã đưa hệ số sử dụng đất từ 2,5 - 3 lần/năm.
Cán bộ khuyến nông Văn Yên hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây cà chua ở xã Đông Cuông.
|
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh, rõ nét theo hướng chú trọng sản xuất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Có được những kết quả đó là sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở.
Cũng như nhiều địa phương khác, chỉ cách đây vài năm, nông dân Văn Yên còn sản xuất lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ nhưng hôm nay đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh lúa nước, phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp và chăn nuôi. Từ một huyện hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, đến nay, Văn Yên không chỉ tự cân đối lương thực mà còn sản xuất lúa gạo hàng hóa.
Năm 2012, tổng sản lượng lương thực đạt 48.212 tấn, dự kiến trong năm 2013 đạt gần 49.000 tấn, trong đó có hàng trăm tấn lúa gạo chất lượng cao làm hàng hóa. Đó là kết tinh của sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây và sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Tạo năng suất, hiệu quả cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông huyện, khuyến nông cơ sở xuống "cắm bản, cắm xã" vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện mở hàng ngàn lớp tập huấn kỹ thuật đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xóa ruộng một vụ, làm hai vụ, có nơi đã làm hai vụ chuyển dần làm vụ ba, sản xuất lúa gạo hàng hóa; nơi nào không thể gieo cấy lúa nước chuyển đổi trồng cây màu hay nuôi trồng thủy sản tạo hiệu quả kinh tế... Cứ như vậy đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân vùng cao. Những giống lúa địa phương, giống cũ đã được thay thế bằng giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt.
Đến nay, 100% diện tích lúa nước được gieo cấy bằng giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Cùng với đó, bà con đã biết bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Song song, việc vận động nhân dân gieo trồng cây vụ ba cũng mang lại nguồn thu khá lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Không dừng lại ở đó, nông dân Văn Yên còn sản xuất lúa lai, lúa thuần tại chỗ, đáp ứng nhu cầu giống cho sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2000, khi huyện thực hiện dự án phát triển cây sắn, các cán bộ khuyến nông luôn đồng hành cùng bà con trong vùng dự án tìm tòi đưa các giống sắn mới vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh, đưa năng suất sắn đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Khi đất trồng sắn lâu năm bạc màu, trồng sắn trên đất dốc đất bị rửa trôi làm giảm năng suất, phá vỡ môi trường sinh thái, Trạm Khuyến nông huyện lại thực hiện chương trình “Canh tác sắn bền vững trên đất dốc”.
Chương trình được thực hiện tại 16 xã trồng sắn, cán bộ khuyến nông về các xã vừa vận động vừa tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 7.000 lượt hộ nông dân ở 82 thôn, bản; xây dựng 58 điểm mô hình cho người dân thăm quan, học tập làm theo. Qua đó, người dân đã áp dụng thực hiện canh tác sắn bền vững trên đất dốc trên 2.000ha, chiếm 30% diện tích sắn toàn huyện.
Trong đó, canh tác lâu dài 874ha (trồng keo đỉnh đồi, san gạt đường băng 42ha, băng cốt khí 522ha, băng cỏ chăn nuôi 39ha); canh tác tạm thời 1.209ha (trồng xen đậu đỗ 238ha, xếp băng cành sắn 970ha). Từ việc canh tác sắn bền vững, cán bộ khuyến nông còn vận động nhân dân thực hiện một số mô hình chăn nuôi tằm bằng lá sắn cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn.
Nói về canh tác sắn bền vững, ông Nguyễn Hữu Thanh - Trưởng thôn Gốc Đa, xã Đông Cuông phấn khởi: “Đã nhiều năm, người dân chúng tôi trồng sắn nhưng càng ngày năng suất càng thấp đi do đất bạc màu. Từ năm 2012 được cán bộ khuyến nông xây dựng mô hình canh tác sắn bền vững, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, năng suất đã tăng lên 25 tấn/ha, nhiều gia đình trong thôn đạt 30 tấn/ha”. Không chỉ có vậy, các cán bộ khuyến nông ở Văn Yên thường xuyên bám dân, bám ruộng hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi nâng lên rõ rệt đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Quan trọng hơn là người dân từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn huyện đã có tư duy mới trong sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, lấy giá trị kinh tế làm thước đo trên mỗi héc-ta canh tác.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 17 Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố với số thành viên tham gia lên tới 17.730 người, chiếm tỷ lệ 44,82% số hộ tại các địa phương có QTDND. Tổng nguồn vốn hoạt động (tính tới thời điểm 31/12/2012) đạt 375.192 triệu đồng.
Ngày 18/7, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013.
YBĐT - Vụ mùa năm 2013, huyện Mù Cang Chải đặt mục tiêu gieo cấy 2.580ha, phấn đấu năng suất bình quân 45 tạ/ha và sản lượng thóc đạt trên 11.000 tấn. Cho đến thời điểm này, nông dân huyện đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phấn đầu hoàn thành toàn bộ diện tích gieo cấy lúa mùa trong tháng 7 này.
Về việc điều chỉnh giá xăng dầu từ tối 17.7, trong thông cáo báo chí phát đi sáng nay, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 17.6 -16.7.2013) biến động chủ yếu theo xu hướng tăng và luôn dao động ở mức cao. Cụ thể: giá xăng RON 92: 117,47USD/thùng; dầu diesel 0,05S: 121,60USD/thùng; dầu hỏa: 118,91USD/thùng, dầu madút 3,5S: 612,24USD/tấn.