Dưa ngọt đảo hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/7/2013 | 9:27:26 AM

YBĐT - Từ bao đời nay, người dân vùng ven hồ Thác Bà (Yên Bình) vẫn chỉ quen với nghề đánh bắt cá tôm. Ấy vậy mà mấy năm trở lại đây, trên vùng hồ đã bắt đầu xuất hiện những đảo dưa hấu rộng 4 - 5ha. Cây dưa hấu được đem vào trồng trên đảo hồ đã đánh thức tiềm năng đất đai màu mỡ cũng như sức lao động của người dân, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho đồng bào và làm phong phú thêm vẻ đẹp tự nhiên cho hồ Thác.

Dưa hấu được trồng trên đảo hồ Thác Bà được bày bán ở các phiên chợ quê.
Dưa hấu được trồng trên đảo hồ Thác Bà được bày bán ở các phiên chợ quê.

Trong cái nóng oi bức của mùa hè, nếu được thả hồn khi du thuyền trên hồ Thác và thưởng thức vị thơm ngọt của những trái dưa hấu đầu mùa do người dân bản địa gieo trồng trên những hòn đảo nổi thì thật thú vị biết nhường nào. Có lẽ chưa bao giờ, sản phẩm dưa hấu trồng ở đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà lại được bày bán nhiều ở các phiên chợ quê của huyện Yên Bình, thậm chí còn được đưa đến cả huyện Lục Yên; huyện Hàm Yên, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang như mùa hè năm 2013. Mặc dù những trái dưa hấu trồng trên đảo hồ không to, không nặng bằng dưa trồng dưới vùng xuôi nhưng có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực và thơm mát.

Bước đầu trồng thử nghiệm

Câu chuyện về cậu cháu anh Tô Văn Hộ, dân tộc Tày ở thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai đã dày công đem giống dưa quí về trồng trên đảo hồ giờ vẫn còn được rất nhiều người dân trong vùng nhắc đến. Tò mò, chúng tôi tìm gặp anh Tô Văn Hộ đúng vào mùa thu hoạch dưa hấu. Giơ tay lau những giọt mồ hôi, anh Hộ mời chúng tôi vào lán trại nghỉ - đó là một chiếc lều nhỏ được vợ chồng anh dựng lên để trông coi và chăm sóc 9 sào dưa hấu. Bắt đầu câu chuyện, anh chị mời chúng tôi thưởng thức dưa hấu vừa được hái từ vườn nhà. Vị ngọt, mát, thơm của dưa và những cơn gió trời thổi lộng từ hồ vào đã nhanh chóng xua tan cái nóng nực khó chịu của mùa hè. Anh kể, vào năm 2007, có người cháu ruột của anh lấy vợ ở tỉnh Thái Bình.

Trong một lần về quê, thấy người dân vùng xuôi giàu có lên từ nghề trồng dưa hấu, cậu cháu anh tự đặt câu hỏi vì sao người dưới xuôi trồng được mà mình lại không trồng được? Câu hỏi đó đã thôi thúc cậu cháu anh quyết tâm đưa bằng được giống dưa hấu về với đảo hồ. Thế là những đảo đất màu mỡ bị lãng quên bấy lâu giờ đã được đánh thức.

Vụ đầu tiên, do hạt giống dưa đắt lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên cậu cháu anh Hộ chỉ trồng thử nghiệm 1 sào. Bao nhiêu kỹ thuật học hỏi từ anh em, bè bạn, người thân và sách báo đã được áp dụng vào chăm sóc một sào dưa. Đất chẳng phụ công người, sau 2 tháng rưỡi, vườn dưa của cậu cháu anh đã đơm hoa kết trái. Những trái dưa hấu nặng từ 3 đến 3,5kg bổ ra lõi dày, vỏ mỏng, thơm, ngọt, mát. Lứa dưa đầu tiên, cậu cháu anh chủ yếu để làm quà biếu cha mẹ, người thân và bà con lối xóm, còn lại ít đem bán thu về hơn 2 triệu đồng lấy vốn tái đầu tư vụ sau.

Hiệu quả kinh tế rõ nét

Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, vụ thứ 2, thứ 3, cậu cháu anh Hộ nhân rộng lên 5 sào rồi 6 sào và tới năm nay, gia đình trồng 9 sào dưa hấu, thu về hơn 5 tấn quả. Với giá bán tại vườn là 6.500 nghìn đồng/kg đã đem về cho gia đình anh hơn 30 triệu đồng, trong khi chi phí cho mỗi sào dưa từ lúc trồng tới lúc thu hoạch chỉ mất chưa đến 300.000 đồng. So với các loại cây trồng ngắn ngày khác thì hiệu quả kinh tế của cây dưa hấu cao gấp từ 2 tới 3 lần, hơn nữa đây lại là giống cây vừa dễ trồng vừa dễ chăm sóc.

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về cậu cháu anh Hộ gieo trái ngọt trên đảo hồ đã lan truyền khắp làng quê. Thật là “trăm nghe không bằng một thấy”, trước đây,  muốn ăn một miếng dưa hấu cũng phải đợi đến phiên chợ để mua của người dưới xuôi mang lên với giá bán từ 12.000 đồng đến 13.000 đồng/kg thì nay được mua ngay tại vườn nhà hàng xóm, giá lại rẻ gần một nửa. Nhiều hộ dân trong và ngoài làng đã tìm đến lán trại của cậu cháu anh Hộ để thưởng thức vị ngọt của những trái dưa hấu đầu mùa và học tập kinh nghiệm trồng dưa. Không giấu giếm, cậu cháu anh đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa hấu cho bà con.

Gia đình anh Tô Văn Tâm ở thôn Làng Trang nhờ học được kinh nghiệm trồng dưa từ cậu cháu anh Hộ mà 4 năm nay, cuộc sống gia đình có phần khá giả hơn. Đây đã là vụ thứ 4 anh Tâm trồng dưa hấu với diện tích 7 sào, thu về hơn 4 tấn quả. Anh Tâm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm nhưng mấy năm tôi trồng thêm dưa hấu nên cuộc sống đã có phần khá giả hơn. Trồng dưa hấu không phải đầu tư nhiều bằng các loại cây trồng khác, hơn nữa thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng hơn 2 tháng là cho thu hoạch. Đến mùa thu hoạch, lái buôn tự đến tận vườn để mua chứ mình không phải vận chuyển đi xa nên chi phí chẳng đáng là bao. Năm nay, dưa hấu được mùa. Vụ sau, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dưa khoảng 10 sào”. Không chỉ có thêm gia đình anh Tâm trồng dưa mà hiện nay, trên đảo hồ Thác Bà, đã có rất nhiều hộ ở các xã vùng hồ ra đảo trồng dưa hấu với diện tích gần chục héc-ta. Hộ trồng ít là 2 sào, hộ nhiều cũng có 9 đến 10 sào.

Trong đó, riêng Yên Thành - xã vùng 135 chiếm trên 95% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, vụ hè này đã có 50 hộ ra đảo hồ trồng dưa hấu với diện tích 2,5ha. Là vụ đầu tiên đưa cây dưa hấu vào trồng lại được mùa nên người dân nơi đây đã thu hoạch trên 20 tấn quả, thu về gần 200 triệu đồng.

Mỗi buổi chiều, người dân ra đảo thu hoạch dưa hấu, tiếng nói cười vang vọng cả vùng đảo nhỏ. Dẫu hôm nay, diện tích trồng dưa chưa nhiều, chưa trở thành vùng sản xuất hàng hóa nhưng bước đầu đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của những người nông dân vùng hồ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

 Kiều Mười

Các tin khác
Nông dân xã Đào Thịnh trồng rừng vụ xuân.

YBĐT - Tháng 7, khi thời vụ trồng rừng vụ xuân vừa khép lại, nhiều địa phương, ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp còn đang chạy đua với kế hoạch trồng rừng năm 2013 thì huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng cả năm. Đây không phải là lần đầu tiên mà liên tục vài ba năm nay, Trấn Yên đều hoàn thành kế hoạch trước 6 tháng. Vậy đâu là bí quyết để Trấn Yên tạo nên những thành công ấy?

Ngày 22.7, Bộ NNPTNT vừa ra thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT (có hiệu lực thi hành từ 6.9.2013) về “Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến”.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa gửi kiến nghị lên Bộ trưởng GTVT đề xuất miễn thu phí bảo trì đường bộ cho một số đối tượng phương tiện không tham gia hoạt động trên quốc lộ, để đảm bảo sự công bằng và phù hợp với sức chịu đựng của các đơn vị vận tải cũng như người dân.

Ngày 25-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2012. Theo đó, trên cơ sở kiểm toán 27 tập đoàn, tổng công ty, KTNN cho biết, tổng các khoản đầu tư tài chính của các đơn vị này tính đến 31-12-2011 là 25.750 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục