Ngô xanh đất lúa nương
- Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2013 | 9:46:23 AM
YBĐT - Bắt đầu từ vụ xuân năm 2012, huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo các ngành chức năng vận động nhân dân các xã: Cao Phạ, Lao Chải, Hồ Bốn, Nậm Có... chuyển đổi 440ha lúa nương sang trồng ngô.
Đồng chí Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra thực tế chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô ở xã Lao Chải.
|
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 740/1.300ha lúa nương sang trồng ngô, năng suất đạt gần 30 tạ/ha. Trồng ngô đạt lợi nhuận kinh tế gấp 2,5 lần so với trồng lúa nương, góp phần quan trọng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Nói là vậy nhưng lúc bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô, Mù Cang Chải gặp không ít khó khăn bởi nguồn lương thực chính của người dân nơi đây vẫn là gạo. Hơn nữa, lúa nương bao đời nay đã gắn bó mật thiết với bà con đồng bào người Mông nên khi triển khai, người dân không mặn mà cho lắm. Nhưng với quyết tâm cao và mục đích trồng cây ngô thay thế cho lúa nương sẽ nhanh chóng giúp bà con thoát nghèo, huyện đã tập trung cao độ, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô đồng thời chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách khu, phân công phụ trách xã, các cơ quan, đoàn thể cùng sự vào cuộc của cán bộ thôn, bản để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện.
Đồng chí Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để hoàn thành 440ha ngô chuyển đổi trên chân ruộng 1 vụ ngay trong vụ đầu tiên, tỉnh và huyện đã hỗ trợ nông dân 8.800kg giống Bi-ô-xít, CP3Q, AG59, NK6654; 50.600kg phân NPK, 44.295kg phân đạm Urê, 8.415kg phân Kaliclorua. Năm 2012, đã có 10 xã hưởng ứng chủ trương mới này của huyện. Trong đó, có nhiều xã vận động nhân dân chuyển đổi được nhiều như: Cao Phạ, Lao Chải, Hồ Bốn, Nậm Có... năng suất đạt gần 30 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần lúa nương".
Lao Chải, một trong những xã chuyển đổi thành công từ lúa nương sang trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phóng tầm mắt nhìn xa, hầu hết các nương lúa đồi cằn cỗi ngày xưa giờ đã được thay thế bởi bạt ngàn màu xanh của ngô. Anh Sùng A Ly ở xã Lao Chải nói: "Đây là vụ thứ 2 mình chuyển đổi 4 đám lúa nương sang trồng ngô, được cán bộ huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng lại được hỗ trợ giống, phân bón. Lúc đầu, mình không tin tưởng vào cây ngô lắm nhưng sau khi trồng hai vụ, thấy năng suất và hiệu quả cao hơn trồng lúa nương, mình vui lắm".
Còn ông Giàng Chứ Ly - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn khẳng định: "Thực hiện chủ trương của huyện, đến nay, toàn xã đã chuyển đổi cơ bản xong từ lúa nương sang trồng ngô. Hiện xã có 180ha ngô, so với cây lúa nương thì cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt trên 30 tạ/ha. hàng năm nhân dân trong xã thu hoạch từ ngô đạt trên 3 tỷ đồng, góp phần quan trọng để xóa đói giảm nghèo cho người dân".
Tới bản Chống Tông, ông Ly chỉ tay về phía các đồi ngô xanh rì nói: “Cả bản này có mấy chục hộ dân nhưng nhà nào cũng chuyển từ trồng lúa nương sang trồng ngô. Nhờ ngô mà nhiều nhà đã mua được xe máy, mua được trâu, có tiền cho con cái ăn học nữa".
Anh Hảng Cáng Dơ, một người dân trong bản khoe: "Lúc đầu chuyển đổi, gia đình mình ngại lắm. Nhờ có cán bộ huyện, xã, bản đến vận động và được Nhà nước cấp giống, phân bón nên mình mới trồng thử. Cứ tưởng trồng trên đất lúa nương cằn cỗi thì ngô không lên được, ai ngờ cây ngô lại lên rất tốt. Hiện gia đình mình có hơn 1ha ngô sinh trưởng và phát triển tốt".
Với sự hỗ trợ của tỉnh là 2 triệu đồng/ha diện tích được chuyển đổi để mua giống, phân bón... nên sau hai năm vận động, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã chuyển đổi được 740/1.300ha đất trồng lúa nương sang trồng ngô. Nhiều xã đi đầu trong lĩnh vực này là: Cao Phạ, Lao Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Khao Mang, Hồ Bốn, Mồ Dề, Nậm Có...
Với mục tiêu đến năm 2015 sẽ phủ kín diện tích lúa nương sang trồng ngô, trong thời gian tới, huyện có nhiều việc phải làm, trong đó phải đề ra được nhiều giải pháp để phát triển kinh tế vùng cao, nhất là từng bước hạn chế trồng lúa nương, chuyển diện tích sang trồng màu, trọng tâm là cây ngô nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác. Nghị quyết phù hợp với thực tiễn cuộc sống cộng với sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ năng động, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nhất định cây ngô sẽ thay thế cho lúa nương nơi đây bởi hiệu quả kinh tế cao, hợp với cái "bụng" của đồng bào. Cùng với nhiều cây, con khác, cây ngô sẽ giúp cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải xóa nghèo bền vững.
Đồng chí Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải:
Đồng chí Lý A Vừ - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải:
Anh Sùng A Chứ - Thôn Hú Trù Lình, xã Lao Chải:
|
Văn Tuấn
Các tin khác
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc sắp xếp, điều chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh (VTKLT) từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe trên địa bàn TP nhằm bảo đảm trật tự ATGT, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức thông báo tới Sở GTVT 20 tỉnh, TP liên quan, các doanh nghiệp quản lý bến xe và doanh nghiệp kinh doanh VTKLT.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 98 /2013/TT- BTC hướng dẫn quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Vietcombank từ ngày (26/7).
Ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền.