Sản xuất, kinh doanh chè: Tìm “phương thuốc đặc trị”
- Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2013 | 2:44:23 PM
YBĐT - Đã vào chính vụ nhưng việc sản xuất, kinh doanh chè năm nay vẫn rất ảm đạm. Điệp khúc giá rẻ không đủ cho đầu tư thu hái, nhà máy “đói” nguyên liệu, người làm chè dửng dưng với chè, thậm chí bỏ chè lại tái diễn. Đã đến lúc, các ngành chức năng phải vào cuộc và cần có “phương thuốc đặc trị” mới hy vọng vực dậy ngành chế biến đã tồn tại hơn bốn mươi năm nay.
Cần tăng cường liên doanh, liên kết giữa nhà máy với người dân mới hy vọng có vùng nguyên liệu chất lượng ổn định.
|
Là địa phương có diện tích chè rộng lớn với trên 12.000ha, hàng chục vạn hộ dân có thâm niên làm chè và hệ thống cơ sở chế biến cũng rất nhiều nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, sản xuất, kinh doanh chè của Yên Bái liên tục gặp khó khăn. Khó khăn trong sản xuất nguyên liệu, khó khăn trong chế biến, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Giá trị cây chè mang lại cho người dân không hề nhỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, tuy nhiên so với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động và sự quan tâm đầu tư của tỉnh thì chưa tương xứng.
Năm 2012, năng suất chè đạt bình quân trên 84 tạ/ha, sản lượng búp hơn 90.000 tấn, doanh thu từ các doanh nghiệp chế biến là 400 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 25 tỷ đồng; giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác bình quân 22 triệu đồng/ha. Giá thu mua nguyên liệu bình quân từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá đó, cuộc sống của hàng vạn hộ làm chè gặp khó khăn và không thể sống được bằng cây chè. Không chỉ vậy, sản xuất, kinh doanh chè nhiều năm nay rất khó khăn. Năm thì chè “bom” lò quay tay, năm thì chè vàng, năm 2011 thì “chè bẩn”. Lúc thì tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy; lúc thì thiếu nguyên liệu cho sản xuất khiến ngành chè lao đao, khốn đốn. Việc thu hái không đúng kỹ thuật, chạy theo số lượng, hái quá lứa, quá dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của cây chè; chất lượng búp xấu, dẫn tới tỷ lệ thu hồi chè phẩm cấp cao thấp, tăng chi phí sản xuất, chất lượng chè thành phẩm kém, giá bán thấp.
Trong chế biến, nhà máy nhiều nhưng máy móc, công nghệ lạc hậu; gắn kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu không có sự ràng buộc dẫn đến không làm chủ nguyên liệu đầu vào. Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè này cũng không ngoại lệ. Nương chè cằn cỗi, hàng trăm héc-ta chè ở Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên bỏ hoang và trồng xen cây rừng. Dân bỏ chè là do giá chè quá rẻ, bình quân chỉ 3.000 đồng/kg búp. Làm một héc-ta chè mỗi vụ cần đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công đốn, chăm sóc, làm cỏ ít cũng 10 - 12 triệu đồng/ha. Mức đầu tư như vậy, chè đạt năng suất 8 tấn/ha, giá thị trường 3.000 đồng/kg, thu 24 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn 12 triệu đồng, đấy là chưa kể công thu hái, nếu mà thuê thu hái thì người làm chè không được đồng nào nếu như không muốn nói là lỗ.
Để tồn tại, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình sản xuất chè sạch theo hướng VietGap khá hiệu quả. Đó là hướng đi đúng nhưng không có sự bền vững bởi thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ. Trong chế biến, do buông lỏng quản lý Nhà nước, cấp phép tràn lan, thiếu quy hoạch nên các nhà máy, cơ sở chế biến chè mọc lên như nấm.
Trong tổng số hơn 100 nhà máy chế biến chè, chỉ có vài ba cơ sở có công nghệ chế biến CTC, còn lại chủ yếu chế biến chè đen bán thành phẩm và chè xanh thủ công. Máy móc cũ kỹ, lạc hậu; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được quan tâm đầu tư đúng mức dẫn đến mất thương hiệu, giảm giá thành. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp chế biến 22.000 - 25.000 tấn chè thành phẩm nhưng giá bán cũng chỉ 1,2 - 1,3 USD/kg; lượng xuất bán trực tiếp chỉ chiếm vài phần trăm, số còn lại là bán ủy thác.
Để “cứu” ngành chè và đưa sản xuất, kinh doanh chè trở lại đúng vị thế của nó, nhất thiết chúng ta phải tái cơ cấu ngành chè. Những vấn đề nêu trên không mới, bất cứ ai tâm huyết với cây chè, ngành chè cũng có thể nhìn thấy nhưng nó vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Chúng ta chưa cương quyết xử lý một cách dứt điểm bởi đây là một vấn đề “nhạy cảm” và ảnh hưởng đến số đông.
Giải pháp cho sản xuất, kinh doanh chè năm nào cũng có, thậm chí tỉnh có cả nghị quyết chuyên đề về cây chè, UBND tỉnh có cả đề án “khổng lồ” về cây chè nhưng đã qua 6 năm thực hiện, vùng chè vẫn dậm chân tại chỗ nếu như không muốn nói là ngày một kém đi. Giải pháp lúc này là tỉnh cần có những chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm túc, triệt để các doanh nghiệp chế biến chè không nằm trong quy hoạch, không đảm bảo các quy định của Nhà nước.
Đối với những công ty, doanh nghiệp còn lại nên cùng ngồi với nhau để bàn bạc, thống nhất và hợp lại thành lập một tổng công ty chè Yên Bái trên cơ sở các công ty, doanh nghiệp hiện tại là công ty con, công ty vệ tinh. Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường; cùng sản xuất, cùng thu mua nguyên liệu đảm bảo chất lượng, giá phù hợp.
Đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết, thậm chí mời người dân tham gia cổ phần vào công ty, doanh nghiệp để họ yên tâm sản xuất. Khâu tiêu thụ sản phẩm được thông qua một đầu mối là tổng công ty chứ không mạnh ai nấy bán như hiện nay. Chỉ có cơ cấu theo hướng liên doanh, liên kết thì sản xuất, kinh doanh mới hiệu quả và phát triển bền vững.
Nói là vậy nhưng để làm được cần phải có sự nỗ lực cao cùng sự đầu tư tiền bạc, công sức rất lớn. Chỉ có như vậy, ngành chè mới phát triển, mới xây dựng được thương hiệu chè Yên Bái và sản phẩm chè Yên Bái mới có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong 6 tháng đầu năm 2013, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã thu ngân sách đạt khoảng 51,4 tỷ đồng, bằng 53,6% so với dự toán tỉnh giao, trong đó thu cân đối đạt trên 46 tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán, so với cùng kỳ đạt 208%. Đây là lần đầu tiên huyện Yên Bình cơ bản cân đối được thu chi ngân sách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 84/2013 NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư. Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/9/2013.
Sáng nay 30/7, giá vàng miếng trong nước giảm nhẹ khoảng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua, giao dịch ở mức 38,3 triệu đồng/lượng. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giữa vàng “nội” và vàng “ngoại” được rút ngắn xuống 4,3 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Yên Bái đã xây dựng xong các đề án theo hướng dẫn của Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2014 với 7 nội dung, tổng kinh phí xin hỗ trợ là 500 triệu đồng.