Những giấc mơ có thật

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/8/2013 | 9:32:54 AM

YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03, cộng thêm nguồn vốn vay của ngân hàng và vốn ngân sách địa phương về phát triển đường giao thông nông thôn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã lập nên những "kỳ tích" phá đá mở đường để hôm nay - những thôn bản cheo leo trên đỉnh núi xe máy đã về tận nhà, thúc đẩy giao thương hàng hóa phát triển, mang về một diện mạo hoàn toàn mới cho nông thôn Trạm Tấu.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu động viên đồng bào Mông tham gia làm đường giao thông liên thôn, bản.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu động viên đồng bào Mông tham gia làm đường giao thông liên thôn, bản.

Trước đây, từ trụ sở xã Bản Công muốn lên được thôn Kháu Chu phải mất 2 giờ đi bộ, đó là ngày nắng, còn ngày mưa cũng phải mất gần nửa buổi. Người dân trên đỉnh Kháu Chu đã quen với cảnh ngày mùa cả nhà thường phải ngủ lại trên nương, thu hoạch xong vợ chồng con cái mới lục tục kéo nhau về. Có lẽ vì vậy nên việc học hành của bọn trẻ cũng bập bõm như bước chân cao thấp lên nương, xuống huyện nhận giống lúa hay phân bón được trợ cấp của bố mẹ chúng. Mà mỗi lần mang gùi đi bộ xuống huyện nhận giống, nhận phân hay nhận gạo cứu đói về tới nhà cũng phải mất vài buổi... Chẳng thế mà thời vụ gieo cấy của đồng bào Mông vùng cao thường bị chậm tiến độ so với vùng thấp. Song, vất vả nhất ở thôn Kháu Chu này phải kể đến Trưởng thôn Hảng A Chinh bởi mỗi lần họp thôn anh phải mất mấy ngày đi bộ đến 4 chòm dân cư để thông báo lịch họp.

Năm 2010, nhờ các nguồn vốn từ Nghị quyết 03 của tỉnh ủy, thôn Kháu Chu đã mở mới được đường giao thông nông thôn. Lúc ấy, dân trong thôn vẫn còn bán tín bán nghi,  người già thì bảo, họ sống gần trăm tuổi rồi mà “chưa bao giờ dám nghĩ sẽ  có xe máy đi được lên bản xa tít này, mà nếu có thì không biết làm thế nào mà thành được cái đường lên núi...".

Thế rồi, có hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chính đôi bàn tay của những người dân vốn chỉ quen làm ruộng bậc thang, quen cầm súng kíp đã làm được cái điều mà mình “chưa bao giờ dám nghĩ” ấy. Sau bao ngày vất vả nắng mưa, sau những ngày cơm đùm cơm nắm, thậm chí có nhiều gia đình địu con trên lưng, mồ hôi đẫm áo phấn khởi  phá đá mở đường, con đường dài 5,8km với nền đường rộng 2,5 - 3m về bản đã được hoàn thành.

Đồng bào đón con đường mới mà mừng rơi nước mắt, ông Hảng A Ly năm nay đã ở gần tuổi “thất thập cổ lai hy” mà kể chuyện làm đường vẫn còn như người mới ở giấc mơ bước ra , ông tâm sự: "Lần đầu tiên nhìn thấy con trai mình đi xe máy về bản, cả bản nhìn nó như người trên trời xuống, họ không tin vào mắt mình nữa...".

 

Đường lên thôn Sán Trá, xã Bản Công hôm nay đã đi được bằng xe máy.

Thành công của con đường giao thông nông thôn năm 2010 như đánh thức giấc ngủ sâu với đôi chân tứa máu, chai lỳ vì đi bộ của người dân miền núi. Con đường hoàn thành, một nhà mua xe, hai nhà, rồi ba, bốn nhà hăng hái cùng mua xe máy để giải phóng đôi chân. Họ xắn tay lao vào trồng lúa nước, trồng sơn tra, nuôi ong mật….như một phong trào để có tiền mua "con ngựa sắt".

Đến nay, có tới 80/88 hộ dân ở Kháu Chu đã mua được xe máy phục vụ đi lại và giao lưu mua bán. Riêng Trưởng thôn Hảng A Chinh giờ đây chỉ cần 1 tiếng chạy xe máy là đến được hết cả 4 chòm dân cư thông báo để ngay buổi tối hôm ấy cuộc họp đã được diễn ra đúng giờ. Nhờ đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng về với người dân kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

A Chinh phấn khởi cho biết: "Bây giờ trên thôn còn có 3 điểm bán hàng nhỏ, quán lớn nhất là của ông Hảng A Ly, cái gì cũng có, từ mắm muối, mì chính đến bánh kẹo, thuốc lá... phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong thôn" .

Ông Hảng A Páo - già làng thôn Kháu Chu tâm sự: "Trước đây hết muối có khi phải đi ăn vay mất hàng tuần mới đi chợ mua về được, bây giờ 5 phút là có ngay. Vui nhất là các thầy cô giáo không phải "cắm bản" hàng tháng mới dám về mà tuần nào cũng được xuống núi vài lần mua thức ăn tươi,  nhờ đó cũng động viên các thầy cô giáo yên tâm bám bản, dạy đám học trò. Đặc biệt, những người già như tôi lỡ có ốm đau thì con cháu đưa xuống viện cũng nhanh hơn...".

Xã Bản Công có 5 thôn bản, từ năm 2010 đến nay cùng với những con đường được hoàn thành theo Nghị quyết 03 của tỉnh, những cung đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển và nguồn vốn ngân sách địa phương đã có mặt ở cả 5 thôn bản. Riêng năm 2013, xã đăng ký mở mới 8,2km đường giao thông nông thôn, nhờ có sự đồng lòng của người dân mà đến nay các tuyến đường lên các chòm dân cư cao nhất như tuyến Chông Chay Câu đi Pù Mỷ Tê, thôn Tà Xùa; tuyến Trống Tông - Dê Đám, thôn Sán Trá... tiến độ cũng đã đạt 75%. Đồng chí Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Bản Công khẳng định: "Những con đường về bản đã làm thay đổi diện mạo của xã”.

Cũng giống như Bản Công, xã Xà Hồ có 9 thôn, bản cách xa nhau hàng chục cây số, nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, 3 năm trở lại đây, xã đã hoàn thành 35,676km đường giao thông nông thôn, hiện cả 9 thôn, bản của xã đều đã có đường xe máy. Đồng chí Mùa A Đế - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: "Con đường đã tạo điều kiện cho người dân giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa, đặc biệt giúp cho đội ngũ cán bộ phụ trách thôn, bản về cơ sở nhiều hơn để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giúp lãnh đạo xã hòa giải được những mâu thuẫn của dân ngay từ cơ sở."

Được biết, 3 năm qua huyện Trạm Tấu đã cải tạo và mở mới 149km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa được 21,5 km. Năm 2013, huyện đăng ký 68 công trình đường giao thông nông thôn, trong đó bê tông hóa 23 công trình với chiều dài 9,583 km, mở rộng và mở mới nền đường liên thôn, bản 45 công trình với chiều dài 71,137km. Kết quả đó, mục tiêu đó sẽ là những điều kiện quan trọng giúp vùng cao Trạm Tấu sớm hoàn thành những tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Phương Thùy

Các tin khác
Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Hoàng Đình Cầu xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Đại hội Đại biểu hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013- 2018 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trở về từ Đại hội, ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã có cuộc trao đổi với phóng viên YBĐT về việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình hành động đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh Yên Bái.

Dong riềng của gia đình ông Triệu Quốc Trị phát triển tốt.

YBĐT - Từ Hợp phần sinh kế phát triển sản xuất tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 triển khai tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đã giúp cho các hộ dân thuộc 2 xã Tân Phượng, Mường Lai phát triển vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng, làm miến. Qua đó sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn đồng thời góp phần giúp cho các hộ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong chương trình

Đáng lẽ giá điện phải điều chỉnh sớm hơn vì từ tháng 12/2012 chúng ta chưa điều chỉnh, nhưng một loạt thông số đầu vào của ngành điện đều đã điều chỉnh tăng rất nhiều, biến động rất nhiều, nếu kéo dài quá thì vấn đề tài chính của ngành điện rất khó khăn.

Giá xăng đã tăng thêm 460 đồng/lít lên 24.570 đồng/lít trong ngày 17/7 vừa qua.

Theo bảng giá tính cơ sở (theo Nghị định 84 của Chính phủ) do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố ngày 1/8, giá xăng A92 cơ sở so với giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex đang lỗ tới 687 đồng/lít; dầu diezel 0,05S lỗ 684 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 848 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục