Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
- Cập nhật: Thứ hai, 21/10/2013 | 9:08:15 AM
YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1.000m so mực nước biển với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành đặc trưng miền sơn cước, Mù Cang Chải còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với những bản làng thanh bình nép dưới chân đại ngàn Hoàng Liên Sơn, đặc sắc hơn là kỳ quan từ bàn tay lao động của con người - những thửa ruộng bậc thang vàng óng tựa nấc thang vàng trên núi rừng Tây Bắc. Tất cả làm nên một dấu ấn rất riêng, rất... Mù Cang Chải!
Đội “phượt” gồm nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội bên ruộng bậc thang trong Tuần văn hóa - thể thao Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải cuối tháng 9 vừa qua.
(Ảnh: Hiền Lương)
|
Anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa tuần trước từ Mù Cang Chải về, kể: “Chủ nhật vừa rồi anh lên đó. Qua Tuần Văn hóa ruộng bậc thang rồi mà không có chỗ ngủ, em ạ. Khách đông quá. Giữa đường đi gặp một xe chở du khách tới hơn 40 người đổ xuống khu vực La Pán Tẩn để ngắm, chụp cái “mâm vàng” ruộng bậc thang. Chưa kể hàng chục xe máy cứ đôi một dập dìu lên đây. Mà bọn anh thừa biết, muốn đến vị trí đẹp để chụp cái “mâm vàng” ấy chỉ có xe máy của đồng bào bản địa đưa mới tới được. Cứ đồng ý “xe ôm” 30- 50 ngàn đồng một lượt khắc đến.
Tính sơ sơ một ngày số tiền có lẽ cũng không nhỏ so với thu nhập hiện tại của đồng bào”. Đổ xô đến vì núi rừng mộng mị, ngất ngây vì óng ánh sắc vàng ruộng bậc thang, Mù Cang Chải đang được đánh thức bởi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Mù Cang Chải giống như nàng “công chúa ngủ trong rừng” giờ mới vươn vai tỉnh giấc...
“Sạch” và “cháy”!
Năm ngày, trước khi Tuần Văn hóa - du lịch di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải tổ chức (cuối tháng 9/2013), những cơn gió lạnh đầu mùa kéo về cùng những cơn mưa rừng rả rích khiến chặng đường đi trở nên khó khăn hơn cũng không ngăn nổi bước chân đam mê khám phá của dòng khách du lịch nối đuôi nhau vượt đèo đến xứ sở sương mù.
Theo lời anh Sơn – Phó chánh Văn phòng UBND huyện Mù Cang Chải: “Chưa bao giờ Mù Cang Chải lại đón một lượng khách đông đến như vậy, mặc dù lễ hội chưa diễn ra nhưng đến trước Tuần văn hóa đã có trên 120 đoàn liên hệ đặt phòng. Cận ngày hội sẽ còn rất nhiều đoàn từ Trung ương và tỉnh lên, chúng tôi đã liên hệ tất cả các nhà nghỉ, khách sạn, các cơ quan, ban, ngành, nhà cộng đồng của người Thái cách trung tâm huyện hơn 1km…, hy vọng đáp ứng đủ. Đối với khách du lịch, các nhóm “phượt” hay các tay săn ảnh… thì đành mong thông cảm!”.
Lời anh Sơn được minh chứng ngay đêm chúng tôi đến. Mới hơn 9 giờ tối, từ chợ ngược dốc lên cổng Huyện ủy, UBND, nhà khách Suối Mơ đã căng dàn hàng ngang phông, màn, áo mưa, ni lông của các đội “phượt”, khách thập phương, sinh viên, học sinh .. vốn chỉ cần một chỗ ngả lưng! Hà – một sinh viên Hà Nội cùng nhóm bạn rủ nhau đi “phượt”, cho biết: “Tụi em biết là rất đông khách đến đây thăm quan nên đã chủ động cùng đoàn đi sớm hơn gần 1 tuần, không ngờ vẫn chậm. Hỏi nhà nghỉ nào cũng hết sạch phòng, tìm vào các thôn, bản cũng vậy. May mắn, khi dừng chân nghỉ tại Tú Lệ, chúng em đã mua thêm áo mưa, ni lông mang theo dự trữ nên cũng đỡ!…”.
Không chỉ khu vực trung tâm thị trấn, các hội trường, sân cơ quan, nhà trường hay hàng lang nhà dân cũng thành nơi tá túc của khách du lịch. Bà Malisa – du khách người Pháp cho biết: “Thật may, cách đây hơn 1 tháng tôi đã nhờ cô phiên dịch thuê giúp chỗ ở tại một nhà dân ở trong bản. có đủ chăn ga, gối đệm với giá 70 nghìn đồng/khách. Khá rẻ. Tôi nghĩ Mù Cang Chải cần đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống nhà nghỉ vì đây cũng là dịp giúp người dân tăng thêm thu nhập”.
Khách du lịch đổ về Mù Cang Chải, ngoài nhà nghỉ thì các dịch vụ kinh doanh hàng ăn, buôn bán các sản vật, các đồ lưu niệm do chính đồng bào Mông nơi đây làm ra cũng thu hút lượng lớn thăm quan, mua sắm. Một bữa cơm “chay” theo yêu cầu của 2 người bạn thành phố Hồ Chí Minh gồm: rau muống, đậu luộc, nước canh và cơm… đã có giá trên 300 nghìn đồng.
Đặc biệt, các sản phẩm mang đặc trưng hương vị của núi rừng Tây Bắc là thảo quả, cây thuốc nam và quả táo mèo (sơn tra) được du khách chú ý nhiều… Riêng táo mèo, một mặt hàng đặc biệt được ưa chuộng nên giá cả tăng vùn vụt trong những ngày diễn ra Tuần văn hóa: từ chỗ 60 ngàn, rồi 70 ngàn và cực điểm 100 ngàn đồng/kg không có mà mua.
“Đắt và cháy sạch bách, người dân nơi đây có thể sống được nhờ cây này”, anh bạn đồng nghiệp Báo Hànộimới đi cùng tôi khẳng định. Ngoài các sản vật được khách du lịch ưa chuộng, Mù Cang Chải hiện nay cũng đã xuất hiện một số cửa hàng cho thuê mô tô làm phương tiện “leo” dốc hiệu quả cho du khách nước ngoài và nhất là các tay săn ảnh thích chọn vị trí đẹp để sáng tác...
Đánh thức “nàng công chúa”
Năm 2013 là năm thứ 2 Mù Cang Chải tổ chức Tuần văn hóa danh thắng ruộng bậc thang với nhiều hoạt động như: phiên chợ vùng cao, triển lãm ảnh đẹp Tây Bắc, ẩm thực, thi gặt nhanh cầy giỏi, đêm hội múa hát xòe người Thái, các làn điệu dân ca dân tộc Mông giao lưu tôn vinh nét đẹp văn hóa của 8 tỉnh vùng Tây Bắc… đã hút về nơi đây một lượng khách du lịch lớn góp phần quảng bá hình ảnh ấn tượng của đất và con người Mù Cang Chải.
Song thực tế cũng chỉ ra rằng, khi có lượng khách du lịch tăng đột biến thì các dịch vụ như: nhà nghỉ, cửa hàng ăn uống, giải khát, điểm dịch vụ cho thuê hoặc chở thuê khách du lịch đến các điểm thăm quan các bản làng, nét đẹp của các thửa ruộng bậc thang; các sản phẩm du lịch … dường như không “theo” kịp!
Nhiều ý kiến cho rằng, một năm Mù Cang Chải chỉ đón du khách đến thăm quan, du lịch theo thời vụ, “rộ” nhất là vào vụ lúa chín cuối tháng 9 đầu tháng 10 Dương lịch nên rất khó có thể xây dựng thành điểm du lịch với quy mô lớn. Song cách đánh giá về Mù Cang Chải hiện tại qua thực tế đã khác.
Mù Cang Chải quanh năm đều có thể hút khách du lịch thăm quan bởi vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang không chỉ quyến rũ, rực rỡ khi mùa lúa chín mà mỗi mùa đều có những góc cạnh để khai thác: óng ánh nước bạc viền đất nâu mùa đổ nước gieo cấy, xanh thắm bạt ngàn lúc lúa thì con gái như một tấm lụa lớn vắt ngang núi rừng Tây Bắc, vàng xanh đan xen khi lúa bắt đầu chín...
Mùa đông đến, du khách còn được cảm nhận hơi ấm khi ngồi bên bếp lửa trong cái lạnh se sắt vùng cao để thưởng thức các món đặc sản: xôi, bánh dày, thịt gà, thịt lợn gác bếp, rượu ngô, rau cải nướng với lá dứa thơm…, cùng tham gia công đoạn pha sáp ong vẽ lên vải đay tạo hoa văn trên váy áo của đồng bào; cũng có thể được tham gia nấu bạc và đúc bạc chế tác thành vòng đeo tay, khuyên tai, rèn nông cụ…
Như vậy, phát triển du lịch ở Mù Cang Chải không nhất thiết phải quy mô lớn mà liên kết du lịch cộng đồng sẽ là hướng đi bền, chắc, giúp đồng bào nơi đây có điều kiện để tăng thêm thu nhập. Đơn cử, chỉ nhà nghỉ, riêng 2 điểm nhà sàn trong khu người Thái cách trung tâm huyện hơn 1 km trước 1 tuần tổ chức lễ hội văn hóa danh thắng ruộng bậc thang năm 2013 đã chật cứng người thuê. Trung bình một nhà sàn có sức chứa 20 đến 30 người mà mỗi tối khách thuê có giá 70 nghìn đồng/người; tính bình quân, một ngày thu 2 đến 3 triệu đồng, 1 tuần cũng phải trên 10 triệu.
Như vậy, đối với một gia đình, một năm nhờ các dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng của mình cũng đã thu về 15 đến 20 triệu đồng trong dịp lễ hội- một con số không nhỏ với những người dân thuần phác chỉ quanh năm vùi mình vào nương rẫy! Quả táo mèo - thứ quả đặc sản vùng cao qua mùa lễ hội đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho đồng bào Mông.
Trung bình mỗi cân táo mèo có giá 30 ngàn đồng, cao điểm lễ hội 60 đến 100 nghìn đồng trong khi mùa lễ hội cũng là chính vụ thu hoạch táo mèo… Hiện tại, Mù Cang Chải chỉ có 2 đến 3 điểm cho khách du lịch thuê xe mô tô đi thăm quan, như vậy quá ít so với nhu cầu thuê mượn hoặc thuê chở của khách đường xa chưa quen thung thổ. Đây cũng là một trong những gợi ý đem lại thu nhập cho người dân…
Để du lịch Mù Cang Chải phát triển, góp phần quảng bá thương hiệu danh thắng ruộng bậc thang, các điểm du lịch sinh thái… đến với bạn bè, du khách trong nước, quốc tế, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao, đặc biệt là đồng bào Mông, không ít ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện, hướng dẫn đồng bào cách phát triển du lịch theo hướng cộng đồng; chỉ cho đồng bào cách xây dựng nhà nghỉ phải đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, không được thả rông gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể cơ sở cần quy hoạch, trồng mới, hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc, bảo vệ cũng như thu hái sản phẩm táo mèo; các điểm du lịch sinh thái đảm bảo thông suốt các tuyến đường và có các dịch vụ du lịch đi kèm như ăn uống, phương tiện chuyên chở tại các điểm dừng chân; phát triển các sản phẩm du lịch địa phương như trang phục, các vật dụng, các món ăn đặc trưng cơ bản của đồng bào nơi đây...
Đó là những mong ước chính đáng song có phần “chỉ đạo”, “vĩ mô” cần phải có thời gian dài, riêng anh bạn tôi - một nhiếp ảnh gia nhiều năm “mộng mị” vì ruộng bậc thang thì đơn giản chỉ là “có thêm nhà nghỉ chân giữa đường, vài cái chiếu kèm mấy chai nước lọc, đồ ăn nhẹ kiểu như du lịch chùa Hương phục vụ khách đường xa, khách lên ngày cuối tuần còn đông nữa”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Theo báo cáo mới nhất ngày 20.10 của BCĐ PCLBTƯ, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại miền Trung. Theo đó, có 22 người chết, 2 người mất tích, 116 người bị thương. Hiện do mưa to kéo dài nên riêng tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, tình hình lũ đang rất phức tạp.
Cần có những điều chỉnh để giải quyết “cái gốc” của xóa đói, giảm nghèo Trong chuyên mục "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời" ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời về những chính sách xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước ta trong thời gian qua, cũng như đưa ra những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngày 20/10, tại Trường Đại học Bình Dương, Hội kiến trúc sư Việt Nam thông báo về sự kiện Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ IX-2014 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.
Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang giảm mạnh từ trên 20% xuống khoảng 12%. Bên cạnh đó, số cán bộ hưởng lương từ ngân sách qua tài khoản ngân hàng cũng tăng mạnh.