Yên Bái phát triển bền vững đô thị và đô thị sinh thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2013 | 9:58:40 AM

YBĐT - Đô thị sinh thái là một đô thị mà trong quá trình tồn tại của nó không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong nó.

Khu trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay đã hình hài rõ một đô thị sinh thái. (Ảnh: Thanh Miền)
Khu trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay đã hình hài rõ một đô thị sinh thái. (Ảnh: Thanh Miền)

VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam vừa qua đã phát sóng chương trình “Không gian xanh” với chuyên mục “Kiến trúc sư và tác phẩm” giới thiệu những công trình kiến trúc xanh, hòa hợp với thiên nhiên và thân thiện môi trường đã được xây dựng ở nước ta. Vậy “kiến trúc xanh” là gì? “Kiến trúc bền vững” được hiểu như thế nào? Tôi xin trao đổi với các bạn đọc, các bạn đồng nghiệp một số suy nghĩ về vấn đề này qua nhiều năm làm công tác thiết kế kiến trúc và quản lý Nhà nước về kiến trúc, quy hoạch.

Đối với một đất nước phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đây là định nghĩa năm 1992 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Riode Janeiro. Phát triển bền vững là kết quả tổng hòa của ba mặt cơ bản: bền vững về kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế); xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường, phòng chống cháy và chặt phá rừng, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên).

Ở Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã được ban hành và triển khai thực hiện; nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này đã được tiến hành và thu được kết quả bước đầu. Nhiều nội dung cơ bản về phát triển bền vững đã đi vào cuộc sống và dần dần trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

Kiến trúc sinh thái hay còn gọi là “kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” được hiểu là kiến trúc mà trong suốt vòng đời của nó từ khi xây dựng, sử dụng cho đến khi loại bỏ đều được tiến hành theo các nguyên tắc sinh thái, đó là:

- Cộng sinh với môi trường tự nhiên.
- Sử dụng các vật liệu tuần hoàn, tái sinh.
- Tạo môi trường bên trong lành mạnh, dễ chịu.
- Hòa nhập với môi trường nhân văn của lịch sử và khu vực.
- Ứng dụng các kỹ thuật mới tiết kiệm năng lượng.

Chúng ta cũng cần phải hiểu: sinh thái là đặc tính sinh lý và tập quán sinh hoạt của sinh vật. Sinh thái gồm hai yếu tố vô sinh và hữu sinh. Yếu tố vô sinh bao gồm: ánh sáng, độ ẩm, nước, đất, gió… Yếu tố hữu sinh là các sinh vật. Hệ sinh thái hay môi trường sinh thái là hệ thống tự nhiên do bầy đàn sinh vật (yếu tố hữu sinh) và môi trường tự nhiên (yếu tố vô sinh) tồn tại tác động lẫn nhau mà thành. Hệ sinh thái không chỉ cung cấp cho con người nhu yếu phẩm như: lương thực, bông sợi, nước mà còn làm sạch không khí, nước, điều tiết khí hậu, tuần hoàn dinh dưỡng và tạo ra thổ nhưỡng. Hệ sinh thái là điều kiện cơ bản để cho con người tồn tại và phát triển.

 

Một góc trung tâm thành phố Yên Bái khung cảnh thơ mộng với hồ nước, cây xanh. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong thiết kế kiến trúc, chúng ta thường lấy địa điểm và vật liệu địa phương làm điểm xuất phát hay theo trường phái kỹ thuật cao, sử dụng kỹ thuật để giải quyết những vấn đề sinh thái theo chủ nghĩa triết trung vừa coi trọng tính địa phương và sử dụng kỹ thuật mới thì thiết kế sinh thái phải đạt được những nội dung sau:

1. Lựa chọn địa điểm xây dựng, kiểm tra những điều kiện hiện có như khí hậu, thổ nhưỡng, nước ngầm, không khí… đặt ra trong điều kiện sinh thái.

2. Việc bố trí hướng của công trình tận dụng điều kiện khí hậu môi trường và tránh sử dụng những biện pháp nhân tạo, tận dụng vật liệu địa phương, tận dụng tài nguyên có thể tái sinh không ô nhiễm môi trường.

3. Tạo khả năng phát triển trong quá trình xây dựng và sử dụng.

4. Tiết kiệm giá thành, sử dụng vật liệu kỹ thuật mới, sáng tạo hình thức kiến trúc đa dạng, mật độ xây dựng gắn với cảnh quan thiên nhiên. Dựa vào thực tế trong nước để chọn những giải pháp kỹ thuật phù hợp.

5. Không chỉ nghiên cứu bản thân công trình kiến trúc mà còn phải nghiên cứu môi trường xung quanh, kết hợp một cách hữu cơ thảm thực vật, sông núi và kiến trúc lại với nhau làm cho kiến trúc trở thành một bộ phận của môi trường rộng lớn.

Như vậy, nói cho cùng, mục đích cao nhất của kiến trúc sinh thái là giảm chất thải đối với môi trường song cả quá trình từ thi công, sử dụng đến loại bỏ nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và không gây ô nhiễm đối với môi trường.

Đô thị phát triển bền vững luôn được phát triển trong sự cân bằng về các mặt sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Đô thị sinh thái là một đô thị mà trong quá trình tồn tại của nó không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong nó. Đô thị sinh thái phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, được quy hoạch và quản lý xây dựng theo hướng cân bằng sinh thái, đảm bảo tôn trọng các đặc điểm của địa hình tự nhiên, hệ sinh thái cơ bản trong đô thị và vùng lân cận phải được bảo vệ, khai thác hợp lý.

Thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành phố Yên Bái và các đô thị khác trong tỉnh đã, đang quy hoạch đô thị trên những định hướng đô thị bền vững và đô thị sinh thái. Chúng ta phát triển thành phố sang hữu ngạn sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục phát triển, tiếp tục kè hai bên bờ sông, bố trí các công trình phúc lợi như vườn hoa, cây xanh hai bên bờ sông; bố trí mạng lưới giao thông hợp lý với hai cây cầu Giới Phiên và Tuần Quán; hạn chế tối đa việc san gạt đất, giữ lại các ao, hồ tạo cảnh và điều tiết nước khi xảy ra mưa lớn; chuyển các công trình công nghiệp ra ngoại vi thành phố như: nhà máy cơ khí, nhà máy chè…

Có thể nhận xét tổng quát, tổng thể thành phố và đặc biệt là không gian khu trung tâm hành chính đã thể hiện một bố cục uyển chuyển và gắn kết với địa hình tự nhiên. Ở thành phố này, đi một thoáng lại thấy mặt nước, hệ thống các hồ và địa hình đồi núi đã thực sự được khai thác trong quy hoạch, tạo lập không gian chung, làm nên một diện mạo kiến trúc không dễ có ở các đô thị miền núi phía Bắc nước ta.

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Yên Bái

Các tin khác

YBĐT - Cầu Khe Dầy Km9+580 đường Đại Lịch - Minh An (ĐT.173) là cầu bản lắp ghép có tải trọng H13-X60 thuộc địa bàn thôn Khe Dầy, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn. Do xe chở quặng quá tải trọng của cầu lưu thông qua đã gây sập 01 bản mặt cầu (bản giữa thứ 2 tính từ hạ lưu).

Sáng 4/11, tại Bộ Y tế, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về “Công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện các sở, ban, ngành; cơ quan thông tấn báo chí cả nước.

Công đoàn viên cơ sở xã, phường ở Nghĩa Lộ là hạt nhân trong bảo tồn văn hóa dân gian.

YBĐT - Nhiều năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Nghĩa Lộ và ban chấp hành công đoàn các cấp luôn coi trọng phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường tới đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động.

Nhân dân tổ 17, phường Pú Trạng giúp gia đình anh Đồng Văn Lơi làm nhà theo Chương trình 67 của Chính phủ.

YBĐT - Bình quân mỗi năm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) ủng hộ Quỹ "Ngày vì người nghèo" 300 triệu đồng gồm cả tiền mặt, ngày công lao động và vật chất. Trong đó, tiền mặt là 100 triệu đồng, cấp thị xã vận động ủng hộ đạt từ 60 - 70 triệu đồng, còn lại là cấp xã, phường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục