Để Luật Lưu trữ phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2013 | 3:10:52 PM
YBĐT - Ngày 11/11/2011, Luật Lưu trữ đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012.
Hội nghị phổ biến Luật Lưu trữ của UBND tỉnh Yên Bái.
|
Quốc hội ban hành Luật Lưu trữ đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để Nhà nước quản lý một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo quản an toàn và phát huy giá trị của tài liệu phông lưu trữ quốc gia, phục vụ lợi ích của Nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Luật Lưu trữ gồm những nội dung chính như sau:
Thứ nhất: Luật quy định các nguyên tắc quản lý lưu trữ và quy định cụ thể các chính sách của Nhà nước về lưu trữ, các hành vi bị nghiêm cấm, các chế tài, các quy phạm pháp luật đủ mạnh để xử lý các hành vi, vi phạm làm phương hại đến tài liệu lưu trữ quốc gia (Điều 3, Điều 4, Điều 8).
Thứ hai: Luật hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân trong bảo quản và sử dụng tài liệu phông lưu trữ quốc gia. Quy định rõ trách nhiệm của CBCCVC trong việc lập và nộp lưu hồ sơ tài liệu vào lưu trữ cơ quan (Điều 9).
Đặc biệt, Luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc “quản lý công tác lưu trữ, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thu thập, quản lý, bảo quản và sử dụng tài liệu lưu trữ; ban hành quy chế của cơ quan mình; quản lý tài liệu lưu trữ của cơ quan, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ tài liệu vào lưu trữ cơ quan; chỉnh lý tài liệu; bố trí kho lưu trữ, phương tiện thiết yếu và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và đảm bảo sử dụng tài liệu lưu trữ” (Điều 6, Điều 9, Điều 15, Điều 25).
Luật quy định rõ thẩm quyền và nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ; thủ tục sử dụng tài liệu lưu trữ; các hình thức sử dụng tài liệu lưu trữ; sao và chứng thực tài liệu lưu trữ; mang tài liệu ra khỏi lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử (Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34).
Thứ ba: Luật quy định lưu trữ lịch sử được tổ chức ở Trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn thuộc danh mục tài liệu nộp lưu vào lưu trữ lịch sử (Điều 19, Điều 20).
Thứ tư: Các quy định của Luật về người làm công tác lưu trữ, về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ, hoạt động dịch vụ lưu trữ (Điều 7, Điều 35, Điều 36).
Thứ năm: Luật quy định nhiều quy phạm có tính chuyên ngành như quy định về lập và nộp lưu hồ sơ, tài liệu lưu trữ, thu thập, chỉnh lý, bảo quản tài liệu, quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử, tài liệu quý hiếm. Đặc biệt, Luật quy định rõ các nguyên tắc, phương pháp, các tiêu chí cơ bản xác định giá trị tài liệu lưu trữ (Điều 16), việc đưa chế định hội đồng xác định giá trị tài liệu vào trong Luật để khẳng định việc lập hội đồng xác định giá trị là một nhiệm vụ, một bước bắt buộc trong quy trình nghiệp vụ lưu trữ nhằm tham mưu, tư vấn cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định đúng việc giữ các tài liệu để lưu hoặc tiêu hủy, tránh tùy tiện, thiếu khách quan.
Thứ sáu: Khác với Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001, Luật quy định rõ trách nhiệm quản lý về lưu trữ, việc cấp phát kinh phí cho các công việc cụ thể của hoạt động lưu trữ.
Mục đích cuối cùng là làm sao để tài liệu lưu trữ phát huy được “giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cách đây 67 năm. Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác lưu trữ; phải thường xuyên quan tâm, động viên đời sống vật chất cũng như tinh thần của cán bộ lưu trữ vì đây là một nghề rất đặc thù, âm thầm, đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mỉ, chu đáo; bố trí kho tàng, mua sắm các trang thiết bị bảo quản; chỉnh lý, sắp xếp, tu bổ, phục chế, lập công cụ tra cứu, trưng bày, công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ. Các CBCCVC làm công tác lưu trữ cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng với yêu cầu công việc, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học trong công tác chuyên môn, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Để góp phần đưa Luật Lưu trữ vào cuộc sống, chúng ta cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chính sau đây:
1. Căn cứ vào Luật Lưu trữ, văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của tỉnh về công tác văn thư, lưu trữ, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát các văn bản đã ban hành để quản lý, chỉ đạo công tác văn thư, lưu trữ thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với Luật Lưu trữ và tình hình thực tế của cơ quan, địa phương.
2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Lưu trữ để nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ; đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ thuộc phạm vi quản lý.
3. Các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm của mình cần chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả việc thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị của tài liệu để giao nộp những tài liệu có giá trị lưu trữ vĩnh viễn đã tới hạn nộp lưu theo đúng Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 6/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thu nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử tỉnh Yên Bái; tài liệu bảo quản có thời hạn được tập trung bảo vệ, bảo quản tại kho lưu trữ cơ quan, địa phương đồng thời đẩy mạnh việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ thông qua các hình thức thuận lợi nhất.
4. Các cấp, các ngành quan tâm động viên cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ; ủng hộ, tạo điều kiện để họ thêm yêu nghề, gắn bó với nghề.
5. Cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ cần phấn đấu vươn lên trong công tác, tăng cường giao lưu, học hỏi bạn bè đồng nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác lưu trữ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.
Dương Quốc Tiến - Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Nhận thấy nhu cầu của nhiều người muốn tìm mua các loại dược liệu từ rừng, hơn chục hộ dân ở thôn Ba Cầu, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đứng ra thu mua các loại dược liệu và sơ chế bán lại cho du khách thập phương qua đây.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tại các địa phương ảnh hưởng của siêu bão Haiyan (bão số 14) đã có 13 người chết và 81 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn khi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối. Siêu bão Haiyan đã đánh chìm 1 tàu của Phú Yên, làm hỏng 4 phương tiện của các tỉnh Hải Phòng, Phú Yên.
Bộ Y tế vừa đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương phối hợp chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo, đài quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm chức năng.
Sau khi bão số 14 tan, miền Bắc giảm mưa, trời trở rét, miền Trung tiếp tục có thời tiết xấu do chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu áp thấp suy yếu từ bão.