Miền Trung, Tây Nguyên: Tan hoang vì lũ kép
- Cập nhật: Chủ nhật, 17/11/2013 | 8:26:23 AM
Ngày 16-11, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong lúc nhiều hồ thủy điện trên địa bàn đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn đã khiến hàng ngàn nhà dân ngập chìm trong biển nước.
Sáng 16-11, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi huy động lực lượng tiếp tế lương thực cho bà con thôn Ân Phú.
|
Giao thông tê liệt
Đến cuối ngày 16-11, toàn tỉnh Bình Định ghi nhận có 14 người chết, mất tích do mưa lũ. Mưa lũ còn làm ngập khoảng 95.000 nhà dân ở các địa phương trong tỉnh… Trong khi đó, nước lũ tại huyện Tuy Phước, An Nhơn đã bắt đầu rút. Các lực lượng và phương tiện cứu hộ đã tiếp cận được các vùng bị ngập nặng của hai địa phương trên. Gần 2 tấn mì tôm đã được chuyển đến người dân Tuy Phước bị thiệt hại nặng do lũ. Mực nước tại 19/22 hồ chứa nước trên địa bàn huyện đã vượt tràn.
Ông Đỗ Đức Nguyên, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết, dọc Quốc lộ 1A - đoạn qua thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước sáng 16-11 hoàn toàn bị chìm sâu trong nước. Mưa lũ đã gây sập 2 cầu Tân An, Liêm Trực (trên QL 1A, đoạn qua thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Đến 17 giờ, các chuyến xe Bắc - Nam tập trung ở hai đầu tỉnh Bình Định kéo dài hơn 10 km do nước dâng quá lớn, không thể di chuyển. Còn các tuyến đường nối về các huyện, nhất là đường lên các huyện miền núi như An Khê, Tây Sơn... bị sạt lở, cắt đứt hoàn toàn. Tình trạng ngập lụt cũng làm sân bay Bình Định phải đóng cửa; 5 chuyến tàu đang kẹt ở ga bởi đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua phường Bình Định thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát bị ngập và hư hỏng nặng.
Tại Quảng Ngãi, ngày 16-11, có 7 tàu của ngư dân neo đậu tại cửa sông Phú Thọ bị đứt dây neo, cuốn trôi ra biển, có tất cả 10 người đang ở trên tàu. Bộ đội Biên phòng đã điều động 2 tàu cứu nạn. UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập 5 đoàn công tác đến các địa phương để chỉ đạo cứu hộ khẩn cấp các vùng dân cư còn bị cô lập. Quốc lộ 24B (huyện Trà Bồng) nhiều đoạn sạt lở, vùi lấp hoàn toàn. Quốc lộ 24, Quốc lộ 24C cũng bị hư hỏng nặng. Tuyến đường sắt đoạn qua Quảng Ngãi đang bị ngập và hư hỏng.
Hàng ngàn ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu từ 1-1,5m nước từ ngày 15-11. Tỉnh lộ 4B, đường Nguyễn Chí Thanh từ trung tâm huyện về các xã ven phá Tam Giang ngập sâu trong lũ từ 0,5-1m. Đặc biệt, tuyến đê Bác Vọng - Nam Phù và Niêm Phò - Gio Lâm dài khoảng 2km ngăn lũ sông Bồ vỡ thành nhiều đoạn trong đợt lũ bão Haiyan vừa hàn khẩu nay tiếp tục sạt lở nặng, cuốn văng hàng ngàn bao tải cát vừa được gia cố. Địa phương lại phải huy động hơn 500 thanh niên đội mưa, ngâm mình trong lũ dữ cùng lực lượng công an và quân đội do huyện điều về tiến hành đóng cọc tre làm kè rồi chèn bao tải cát gia cố những điểm sạt lở trên tuyến đê này. Quốc lộ 1A đoạn từ xã Lộc Bổn đến xã Lộc Tiến thuộc huyện Phú Lộc dài khoảng 7km, ngập sâu từ 0,3-0,7m.
Tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày 16-11 đã ngập chìm trong lũ, có nơi ngập sâu đến 3m khiến hàng ngàn du khách phải sơ tán khẩn cấp.
Người dân phố cổ Hội An (Quảng Nam) chạy lũ. |
Thủy điện xả lũ: Lũ chồng lũ
Bất ngờ trong đêm 15, rạng sáng ngày 16-11, các thủy điện trên thượng nguồn đồng loạt xả lũ khiến nước sông Vu Gia và Thu Bồn đột ngột dâng cao nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, do lũ ở thượng nguồn đổ về nhanh nên người dân không kịp ứng phó. Mọi người chị kịp chạy thoát thân, còn tất cả vật dụng trong gia đình, gia cầm, gia súc bị cuốn trôi. Toàn huyện ước khoảng 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có nơi nước tràn vào nhà ngập đến 1-2m. Các địa phương ngập sâu buộc phải di dời 2.000 hộ. Anh Nguyễn Quốc Vũ cho biết, trong đêm, điện cúp, nước lũ lên rất nhanh và chảy xiết khiến người dân dọn đồ chạy lũ gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà không kịp đưa vật nuôi như heo, trâu, bò, gà,… chạy lũ đã bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi.
Người dân xã Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng) chạy lũ bằng ghe chèo cá nhân. |
Chiều 16-11, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, từ 10 giờ ngày 15-11, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng từ 1.000m³/giây trở lên. Đến 16 giờ cùng ngày, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng 3.700m³/giây. Trong khi đó, ngày 15-11, thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) lưu lượng nước về hồ rất lớn, từ 4.000 đến 5.000m³/giây. Do lượng nước về hồ quá lớn nên mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 dâng lên gần 166m, cao hơn ngưỡng tràn chính phủ cho phép là gần 5m nước ào ạt dồn về hạ du làm các xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và cả huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn do lũ cắt đường.
Tập trung sơ tán, cứu hộ
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, đến tối 16-11, mưa lũ đã làm trên 30 người chết và mất tích. Trong đó, riêng tỉnh Bình Định đã có 14 người chết và mất tích. Các địa phương còn lại chưa thể thống kê do nhiều nơi bị ngập sâu, chia cắt, thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn.
Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên cho biết, để ứng phó với mưa lũ dâng cao, từ chiều tối 15 đến trưa ngày 16-11, các địa phương tổ chức sơ tán người dân vùng trũng thấp, bị cô lập, vùng có nguy cơ sạt ở đến nơi an toàn. Trong đó, Quảng Ngãi tổ chức sơ tán tại 13 huyện, thị với 11.538 hộ/49.400 người; Bình Định so tán 220 hộ ở TP Quy Nhơn; Phú Yên sơ tán tại thị xã Sông Cầu với 717 hộ/2.235 người; Khánh Hòa sơ tán tại 3 huyện, thị với 1.645 hộ/5.610 người. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn di dời 1.273 người/809 lồng, bè ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Thượng tá Hà Lương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, vào lúc 22 giờ ngày 15-11, nhận được thông tin có một đoàn xe tải cùng 7 lái xe và 10 công nhân bị lũ cô lập tại công trường cầu Kỳ Lam, thuộc khu vực xã Điện Quang, Ban CHQS huyện Điện Bàn đã chỉ đạo lực lượng ứng cứu. Khi tiếp cận hiện trường, lực lượng cứu hộ đã phát hiện và đưa được 3 lái xe lên ca nô về khu vực Nhà văn hóa thôn Kỳ Lam. Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ phải điều khiển ca nô ngược dòng đến khu vực cầu Kỳ Lam cứu 4 lái xe và 10 công nhân còn lại.
|
(Theo SGGP)
Các tin khác
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị ghép mô tạng và điều phối ghép mô tạng tại Việt Nam do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tổ chức ngày 16-11.
YBĐT – Sáng ngày 16/11, Trường THCS Quang Trung, TP. Yên Bái long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 và kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.
Hàng nghìn nhà dân, công sở, trường học ở vùng ven sông các tỉnh miền Trung ngập chìm trong biển nước.
Ngày 15-11, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có thư gửi các thầy giáo, cô giáo trong toàn ngành.