Mừng tuổi đầu xuân
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/2/2014 | 9:02:42 AM
YBĐT- Không ai biết đích xác tục mừng tuổi đầu xuân có ở nước ta tự bao giờ. Song, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè gặp gỡ, đoàn tụ trong niềm hân hoan, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và mừng tuổi đầu năm đã trở thành một nét đẹp của phong tục truyền thống dân tộc Việt Nam.
Phong bao “lì xì” dùng để đựng tiền mừng tuổi đầu năm.
|
Mừng tuổi đầu năm là nét văn hóa lâu đời của dân tộc, hàm chứa trong đó những giá trị tinh thần của tục lệ mừng năm mới. Tôi vẫn nhớ từ khi còn nhỏ, sau khi làm các thủ tục cúng đón giao thừa, cả nhà lại đoàn tụ, quân quần bên nhau để được bố, mẹ mừng tuổi.
Những đồng tiền mà bố, mẹ tôi mừng tuổi về giá trị không lớn nhưng là để chúc mừng động viên các con, cháu thêm một tuổi mới học hành thành đạt, chăm chỉ làm ăn… Đồng thời, nhắc nhở chúng tôi phải biết quí trọng đồng tiền và những đồng tiền mừng tuổi ấy, tôi vẫn luôn trân trọng giữ nó cho đến tận bây giờ. Tục mừng tuổi cũng đã trở thành truyền thống của gia đình tôi, cứ vào sáng Mùng một tết, tất cả đại gia đình tôi lại tập trung để chúc thọ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và mẹ tôi vẫn không quên dành những đồng tiền mệnh giá chỉ 1 - 2 nghìn hoặc 5 nghìn đồng tiền giấy còn mới để mừng tuổi cho các con, các cháu…
Mẹ tôi gọi đó là “tiền phát vốn” để các con lấy lộc may mắn cho cả một năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, còn các cháu thì chăm ngoan, học giỏi. Mặc dù đã trưởng thành đi công tác và có gia đình nhưng tôi vẫn háo hức chờ đợi tết đến để được nhận những đồng tiền từ tay mẹ mừng tuổi vào dịp đầu xuân năm mới đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Những năm gần đây, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tục mừng tuổi đầu năm đã có những biểu hiện lệch lạc, biến dạng, làm mai một đi phần nào những ý nghĩa tốt đẹp, tích cực vốn có. Ngày xưa, tiền mừng tuổi chỉ là tiền xu, tiền hào mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt bởi quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, học tập, làm ăn phát đạt trong năm mới. Ngày nay, khi tiền xu, tiền hào không còn được lưu thông, người ta cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những đồng polimer có mệnh giá từ hàng chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Đáng nói là, tiền mừng tuổi cũng không còn đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp vào dịp đầu năm mà việc mừng tuổi còn bị “thương mại hóa” khi được sử dụng nhằm phục vụ cho những mục đích, toan tính cá nhân. Những đồng tiền mừng tuổi không còn mang ý nghĩa tượng trưng, thiên về tinh thần mà tất cả đều được “quy ra thóc”. Trong trường hợp giữa những người lớn với nhau, hai bên vốn đã có hoặc đang hình thành quan hệ “dây mơ rễ má” về quyền thế hay địa vị xã hội thì số tiền mừng tuổi cho con trẻ nhiều khi thực chất là tiền hối lộ, biếu xén lẫn nhau. Nhất là khi tiền “mừng tuổi” lên tới hàng triệu đồng. Vậy là, từ một phong tục đẹp, trong nhiều trường hợp, mừng tuổi đầu năm đã bị “thương mại hóa”, bị làm cho biến dạng, trở thành dịp để một số người thực hiện việc đổi chác, mua danh, cầu lợi.
Câu chuyện mừng tuổi đầu xuân lắm khi trở thành “nỗi sợ” của không ít người lớn, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp. Ngày tết, nhiều khoản phải chi tiêu, lại phải dành ra một khoản kha khá cho việc mừng tuổi. Nhiều khi, không có tiền mừng tuổi nên không dám đi đâu chúc tết. Ngoài ra, khi mà mừng tuổi đầu năm trở thành một thứ “lệ” bắt buộc, một số người quan niệm, mừng tuổi cũng phải “bằng người” cho “đẹp mặt”.
Đến chúc tết nhà có điều kiện kinh tế khá giả, chủ nhà họ đã mừng tuổi cho con mình nhiều thì mình phải “đáp lễ” mừng tuổi cho con họ với số tiền bằng hoặc nhiều hơn. Có những người quanh năm làm ăn chi tiêu dành dụm tiết kiệm nhưng lại phải “bấm bụng” chi mạnh tay cho khoản tiền mừng tuổi. Chính vì vậy mà tâm lý lo đến tết, “sợ” đến tết vẫn còn ám ảnh nhiều người. Xuân sang, ai cũng mong có được một năm mới hạnh phúc, sung túc, an lành và phong tục mừng tuổi đầu năm với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến vào dịp đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phong tục ấy vẫn cần được bảo lưu, gìn giữ. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để giữ được bản sắc vốn có của mỹ tục lâu đời này, không để cho những ý nghĩa tốt đẹp của tục mừng tuổi bị mai một. Mừng tuổi là để cầu chúc sự may mắn tốt đẹp cho người thân trong gia tộc cũng như bạn bè thân thiết. Đấy là niềm vui không chỉ đối với người được chúc mà cho cả người đi chúc, là sự chia sẻ tình cảm và niềm vui trong những ngày đầu năm mới với niềm hy vọng mới.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT- Nam giới thường chọn cho mình những công việc như: luật sư, bác sỹ, kỹ sư, ít ai chọn làm giáo viên mầm non suốt ngày hát, múa và dỗ dành trẻ nhỏ. Ấy vậy, ngày nối ngày, những thầy giáo dạy mầm non ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải vẫn miệt mài vượt dốc đến từng nhà vận động trẻ ra lớp.
YBĐT - Ngày 16/5/2013, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng có thư khen Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Đồng chí rất vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở một xã thuộc huyện đặc biệt khó khăn...
YBĐT - Người Mông ở tỉnh Yên Bái có gần 82.000 người, cư trú chủ yếu ở vùng cao, miền núi nên nhà ở của đồng bào luôn được thiết kế thấp với cấu trúc phù hợp với môi trường sống nơi có địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Tuy nhiên, cũng từ tập quán đó đã tạo nên nét độc đáo riêng về ngôi nhà của người Mông.
YBĐT - Vào thời khắc chuyển giao năm cũ và đón chào năm mới Xuân Giáp Ngọ năm 2014, hẳn là trong lòng mỗi chúng ta trào dâng niềm tin hân hoan chào đón một mùa xuân mới, với biết bao niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, may mắn và thành công trong cuộc sống.