Chiến đấu với "giặc lửa"
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/2/2014 | 2:20:17 PM
YBĐT - Bất kể ngày hay đêm, dù trời nắng hay mưa, các anh - những người chiến sỹ không ngại khó khăn, gian khổ để chiến đấu với "giặc lửa" bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần giữ bình yên cho mọi người.
Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ luyện tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
|
Đã 13 năm anh Hoàng Huy Hoàng làm lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ công an tỉnh. Qua nhiều năm tháng sống, chiến đấu cùng anh em đồng chí, anh càng hiểu thêm tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát PCCC, nhưng cũng từng ấy mùa xuân, anh và các đồng chí trong đơn vị chưa từng một lần được đón tết cùng gia đình. Chỉ sau những cuộc vui xuân, những chuyến du xuân, khi tất cả mọi người đều quay trở lại sinh hoạt với cuộc sống ngày thường thì các anh - các cán bộ, chiến sỹ PCCC mới được đón tết muộn cùng gia đình.
Đã từng đảm nhiệm nhiều công việc, từng là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, trưởng phòng An ninh điều tra, anh bỡ ngỡ bước chân vào ngành PCCC. Những tưởng so với những công việc mình đã trải qua thì công việc PCCC sẽ đơn giản nhưng đến khi vào thực tế mới thấy những khó khăn phức tạp của công việc này. Đặc thù của nghề chữa cháy là lúc nào người lính cứu hỏa cũng phải luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa", kể cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi, hay đang vui chơi giải trí...
Lính cứu hỏa gần như phải “lên ca” thường xuyên, phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ. Cái nghề “trái khoáy” là vậy mà những lính cứu hỏa vẫn ngày đêm bất chấp hiểm nguy, chiến đấu với “giặc lửa” trong tình huống có thể bị tường sập, hoặc thiếu oxy... để nhanh chóng dập tắt đám cháy, giữ được tài sản, cứu sống người bị nạn... Đặc biệt với cương vị lãnh đạo càng đòi hỏi ở anh sự quyết đoán, bản lĩnh, kiến thức chuyên ngành để có thể thẩm duyệt phương án PCCC của các công trình xây dựng cũng như kỹ thuật tác chiến khi có vụ cháy xảy ra.
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, anh đã ý thức được rằng Yên Bái là một tỉnh đang phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, do đó, công tác PCCC càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt, gas phát triển thì khả năng xảy ra cháy nổ càng lớn nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa cao. Do đó, anh sát sao chỉ đạo Đội Kiểm tra hướng dẫn làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh khâu phòng cháy để giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Trong năm qua, đơn vị đã triển khai kế hoạch công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất và mở lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC và giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC cho các đơn vị, đã lập 43 phương án, phúc tra 39 phương án, tổ chức thực tập 30 phương án chữa cháy. Phòng đã xuất xe cứu chữa 25/25 vụ cháy đạt kết quả cao. Năm 2013, số vụ cháy giảm 13 vụ chỉ còn 54/67 vụ, tiết kiệm gần 19 tỷ đồng cho Nhà nước.
Vất vả, bận rộn, công việc đã cuốn đi thời gian và cuộc sống riêng tư của những người lính cứu hoả. Anh Hoàng tâm sự: "Tết nào cũng vậy, anh em phải túc trực 24/24 nên phải ở cơ quan ăn tết. Ở đây, lính nghĩa vụ PCCC của đơn vị đa phần ở xa, có anh em ở tận huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Bình thường các chàng trai của chúng tôi mạnh mẽ lắm nhưng đến lúc cơ quan tổ chức gặp mặt chúc tết sớm có cậu mặt buồn thiu, có cậu khóc rồi lấy cớ mệt bỏ đi nằm. Tôi cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đến tận giường động viên, tâm sự, chia sẻ”. Anh nói vui: "Vào nhập đội lính cứu hoả thì ai chưa có người yêu sẽ ế, còn ai có vợ sẽ bị vợ bỏ".
Đùa vui thế thôi nhưng các chiến sỹ vẫn miệt mài gắn bó với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện nghĩa vụ của một người lính. Anh cho rằng để trở thành người lính cứu hỏa thật không hề đơn giản. Phải có sức khỏe, phải yêu nghề và giàu lòng can đảm, nhanh nhẹn, thông minh trong các trường hợp.
Vẫn quan niệm "nuôi quân ba năm, dùng một giờ" nhưng để có được một giờ thành công ấy đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Các anh không chỉ chuẩn bị tốt phương tiện, quần áo, mũ, ủng, lăng, vòi, phương tiện chiến đấu, hàng ngày, hàng tuần kiểm tra để không bị mất mát, hư hỏng mà còn phải thường xuyên tập luyện, nhớ như in vị trí từ số 1 đến số 6 để khi có lệnh tác chiến được ngay.
Để đảm bảo thắng lợi khi chiến đấu với "giặc lửa", các anh thường xuyên phải lên kế hoạch diễn tập, lập phương án PCCC, đặt ra các giả định và các tình huống có thể xảy ra. Tất cả cán bộ, chiến sỹ trong phòng đều tâm niệm rằng "Thà đổ mồ hôi ở thao trường còn hơn để đổ máu ở chiến trường".
Nhưng không phải lúc nào ra quân, những người lính cứu hỏa cũng chiến thắng. Vì vậy, không ít vụ khiến những người lính kiên cường ấy phải rơi nước mắt, bởi sự hung tàn của "giặc lửa" đã đem đến những nỗi đau không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình... Song không vì thế mà các anh buồn và nhụt chí với công việc, những lúc như vậy các anh lại càng tập trung vào công tác và chiến đấu tốt hơn.
Đặc biệt, mỗi độ tết đến xuân về cũng là mùa khô, mùa gió, việc sử dụng lửa để đun, nhang đèn thờ cúng trong mỗi gia đình lớn, mức độ sử dụng các thiết bị điện thường xuyên và lượng hàng hóa đổ về các chợ, kho bãi rất nhiều, khả năng xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn luôn rình rập. Bởi vậy, trong những ngày xuân lực lượng PCCC phải làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần ngày thường, như tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, tuyên truyền công tác phòng cháy và chữa cháy, tổ chức và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để khi có tình huống cháy nổ xảy ra sẽ chủ động hơnvà ít gây thiệt hại nhất.
Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái hướng dẫn công nhân Điện lực Yên Bái cách sử dụng bình chữa cháy.
Bất kể ngày hay đêm, dù trời nắng hay mưa, các anh - những người chiến sỹ không ngại khó khăn, gian khổ để chiến đấu với "giặc lửa" bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần giữ bình yên cho mọi người vui xuân đón tết theo đúng lời dạy của Bác: “Thức cho dân vui chơi, thức cho dân ngủ ngon, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui và lẽ sống”.
"Nhất thuỷ nhì hoả", "Giặc phá không bằng nhà cháy", đó là câu nói quen thuộc của người cảnh sát PCCC thể hiện ý thức về tầm quan trọng của công việc. Mỗi người lính cứu hỏa luôn tâm niệm, phải cố gắng hết sức nâng cao hiệu quả của công tác PCCC tại cơ sở, nâng cao tinh thần và ý thức cảnh giác phòng ngừa hỏa hoạn ở mỗi người dân nhằm mang lại sự ổn định, bình yên cho gia đình và cộng đồng.
Với những nỗ lực, đóng góp không mệt mỏi, cán bộ, chiến sỹ Phòng PC66 Công an tỉnh Yên Bái đã được Bộ Công an và UbND tỉnh tặng Bằng khen, Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội tặng giấy khen về những thành tích đạt được trong hoạt động PC&CC. Và trong năm 2013, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ được Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Công an xét tặng "Cờ thi đua xuất sắc cấp cơ sở" cho “Đơn vị quyết thắng”.
Đã bao năm rồi, khi phút giao thừa sắp điểm, cả khu trung tâm Km 5 đông cứng người và xe cộ. Bao ánh mắt đổ dồn về hướng bắn pháo hoa. Hồi hộp, mong chờ. Cảm giác thiêng liêng vỡ oà khi những chùm pháo hoa đầu tiên bắn lên cao vút. Từng chùm hoa, từng cột hoa, từng khóm khoa và cả bầu trời hoa như các vì sao với muôn vàn màu sắc rực rỡ được vẽ trên nền trời, thắp sáng bầu trời đêm, xua đi cái rét lạnh cóng, kéo mọi người nhích lại gần nhau.
Năm mới đã về. Dù ngày hay đêm, dù ai đó đang vui vầy với gia đình, đang mải mê dạo chợ hay đang có mặt trong những cuộc vui thì cán bộ, chiến sĩ phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Yên Bái vẫn lên đường làm nhiệm vụ. Thầm lặng cống hiến để một mùa xuân bình yên đến với mỗi mái ấm, đến với mọi người, và những ngày hội xuân có được niềm vui trọn vẹn.
Ngọc Yến
Các tin khác
YBĐT - Xác định công tác phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của cả cộng động và xã hội, năm 2008, Chi hội Phụ nữ phố Tân Thành 2, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Phòng chống HIV/AIDS”. Đến nay sau gần 7 năm đi vào hoạt động, CLB đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân trên địa bàn phường.
Theo chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng giai đoạn 2014-2015 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH).
Trước tình trạng quả tải tại bến xe Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) trong khi nhu cầu đi lại của người dân khu vực phía Tây thành phố ngày càng tăng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đầu tư trên 51 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng bến xe này trong năm 2014.
Cầu Long Biên, mặc dù chưa được cấp nào công nhận nhưng đã trở thành di sản trong lòng người Hà Nội. Giá trị văn hóa tinh thần phải được đặt lên trên công năng giao thông – PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nói.