Để có đội ngũ lao động tay nghề cao
- Cập nhật: Thứ tư, 26/2/2014 | 2:54:58 PM
YBĐT - Những năm gần đây, công tác dạy nghề ở Yên Bái đã có chuyển biến tích cực, nhiều ngành nghề đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Các cơ sở đào tạo nghề gắn kết với các doanh nghiệp để các học viên có môi trường tốt thực nghiệm.
|
Mặt khác, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Với xu thế phát triển như hiện nay, yếu tố quan trọng là phải phát triển được mạng lưới cơ sở dạy nghề và đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, hàng loạt các cơ sở dạy nghề vừa được nâng cấp, góp phần nâng cao năng lực đào tạo cung cấp nguồn lực cho tỉnh.
Đến nay, Yên Bái có 32 cơ sở dạy nghề (tăng 3 cơ sở dạy nghề với năm 2012), trong đó có 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp và 11 trung tâm dạy nghề và 16 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Năm 2013 và tháng 2/2014, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo trên 11.380 người, đạt 104% chỉ tiêu.
Trong đó, trình độ cao đẳng nghề 435 người, trung cấp 750 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 10.195 người (dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956 cho 6.425 người, đào tạo theo các chương trình, dự án 1.740 người, đào tạo nghề cho lao động xã hội 2.030 người). Cùng với đó, việc phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2013, tỉnh đã đào tạo đạt chuẩn cho 120 giáo viên,135 giáo viên đào tạo kỹ năng nghề. Yên Bái đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 38 người.”.
Theo khảo sát nhu cầu lao động thực tế năm 2013, các ngành nghề hiện đang đào tạo thu hút nhiều người, như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, điện tử điện lạnh, tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, cơ khí chế tạo máy, điện tử công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, những ngành nghề đào tạo nghề LĐNT như: chế biến lâm - nông sản, chăn nuôi - thú y, mây tre đan… cũng được rất nhiều người quan tâm và tham gia.
Phần lớn lao động sau đào tạo nghề có việc làm, thu nhập ổn định.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện quy hoạch phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2010 - 2020, xây dựng và hoàn thiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT”. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đang được nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Qua đó, giúp các cơ sở đào tạo phát huy, đẩy mạnh hơn việc nâng cao chất lượng đào tạo. Một số chính sách, chế độ cũng được ban hành, thể hiện sự quan tâm, động viên đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên trong tỉnh, kể cả giáo viên dạy nghề.
Mặt khác, để nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề, ngành còn tổ chức nhiều hội thi, hội giảng để đánh giá năng lực của từng giáo viên. Bên cạnh đó, có chính sách, chế độ thể hiện sự quan tâm, động viên đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên được triển khai.
Công tác đào tạo nghề của Yên Bái ngày càng phát huy hiệu quả, điều đó được thể hiện rõ nhất về quy mô, về đầu tư cơ sở vật chất, trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên. Qua đó, học viên ra trường từ các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,6%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 24,7%.
Cùng với phát triển về mạng lưới, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dạy nghề đáp ứng theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho biết: “Thời gian qua, Sở tập trung chỉ đạo các trường thành lập bộ phận, trung tâm giới thiệu việc làm có sự phối hợp và quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp. Thông qua đó, tạo cầu nối giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Hơn thế, phải xử lý tốt những ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp để các cơ sở dạy nghề từng bước điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp nên coi công tác đào tạo nghề cho người lao động là chiến lược để nâng cao chất lượng sản phẩm, để có đội ngũ lao động tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất”.
Có thể nói, trong công tác đào tạo nghề cho người lao động, mối liên kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề. Như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra và bảo đảm an sinh xã hội.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thấm nhuần từ lờidạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu",trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm công tác y tế trong lực lượng công an tỉnh luôn luôn rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng với yêu cầu công tác.
YBĐT - Chùa Minh Pháp và đền Rối tọa lạc tại thôn Trấn Ninh II, xã Tân Thịnh. Chùa và đền thờ Công chúa Ngọc Dung là con thứ tám của Hùng Nghi Vương do Nguyên phi họ Phạm sinh ra. Hàng năm, nơi đây đón hàng vạn lượt du khách.
YBĐT - Ngày 26/2, Ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2014). Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
“Phải là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, chứ không chỉ đơn giản là bỏ phiếu, giơ tay”.