Nửa hành trình "học" làm "công bộc" của dân

Bài 1: "Đón" tri thức trẻ lên xã nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/3/2014 | 9:49:20 AM

YBĐT - Mục tiêu Chương trình 30a là tới năm 2020 các huyện nghèo phát triển ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Khó khăn lớn các huyện gặp phải và lúng túng khi triển khai, thực hiện là thiếu hụt lớn về cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có trình độ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Bộ Nội vụ trao đổi với các đội viên Dự án sau 1 năm triển khai. (Ảnh: P.V)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Bộ Nội vụ trao đổi với các đội viên Dự án sau 1 năm triển khai. (Ảnh: P.V)

Dự án 600 trí thức trẻ (Dự án 600) có thể coi là quyết sách đột phá về công tác cán bộ, góp phần thúc đẩy vùng đặc biệt khó khăn đi lên. Qua nửa hành trình triển khai thực hiện ở Yên Bái đã có những kết quả bước đầu khá tích cực nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề cần được quan tâm và cả những kiến nghị, đề xuất...

“Đón” trí thức trẻ lên xã nghèo

Nữ đội viên - Phó chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) Nguyễn Thị Thanh Lam đi bản chưa về. Chúng tôi và Bí thư Đảng ủy Giàng Chứ Ly ngồi đợi trong cái nắng hanh hanh của vùng cao mà trò chuyện. Trí thức trẻ tình nguyện trước đây nhiều đoàn đã lên giúp đỡ xã, hết đợt lại về, ở lại tham gia gánh vác công việc địa phương thì lần này mới có.

"Bí thư à, trí thức trẻ tình nguyện lên đây làm phó chủ tịch UBND xã, ý của bà con ra sao?". Anh Ly quay sang, xòe hai tay ra tỏ bày như sợ nói không hết cái ý: "Việc của xã nhiều như lá cây táo rừng. Không có nhiều cán bộ trẻ mà nhiệt tình lên đây thì cái tay, cái chân, cái đầu của bà con mình cũng khó đấy!". Vùng cao có cái khó chung là: đất sản xuất nông nghiệp ít, phong tục tập quán còn lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn khá phổ biến.

La Pán Tẩn cũng vậy. Muốn thoát nghèo thì phải giải quyết cho được những cái khó trên, mà muốn thế thì phải có cán bộ. "Mình làm nhiều thì thành quen chứ mấy anh em trên này cái chuyên môn cũng hạn chế, cũng chưa nghĩ được nhiều cái mới để giúp bà con thoát nghèo!" - anh Giàng Chứ Ly nói chân tình như vậy.

Chuyện dài, chuyện ngắn, rồi Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Lam cũng từ bản về. Cô đen hơn, gầy hơn hồi mới lên đây làm việc. Lam người dân tộc Kinh, sinh năm 1989, quê ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. "Xã nghèo "đón" trí thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch UBND xã ra sao?".

Lam gạt mồ hôi trên trán, xởi lởi: "Lúc chuẩn bị lên đây, em cũng rất lo. Ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác nhau, mình còn trẻ, lại là nữ, mà với trách nhiệm, cương vị giao không biết sẽ làm việc ra sao. Lên đây, nơi ăn, nơi ở, trang thiết bị làm việc được huyện, xã bố trí khá chu đáo. Đảng ủy, chính quyền cũng phân công rõ nhiệm vụ, hoàn tất các quy trình, thủ tục kịp thời, nên em có thể bắt tay vào việc được giao ngay"- Lam chia sẻ.

Bí thư Giàng Chứ Ly trao đổi rất cụ thể: "Phó chủ tịch Lam chỉ đạo khối văn hóa - giáo dục. Cụ thể việc đang làm là vận động học sinh đến lớp đầy đủ, xây dựng mô hình nhà du lịch cộng đồng, vận động bà con vệ sinh bản làng, không thả rông gia súc. Đảng ủy, chính quyền có trách nhiệm giúp đỡ, các đồng chí cán bộ giúp việc có trách nhiệm tham mưu, chấp hành chỉ đạo của Phó chủ tịch Lam". Cách nói của anh lúc này không giống kiểu ví von việc xã, việc bà con nhiều như lá cây táo rừng mà rất cụ thể, chặt chẽ.

Trí thức trẻ tình nguyện về xã công tác, xã mừng, huyện mừng. Trí thức trẻ tình nguyện trước đây nhiều đoàn đã lên giúp đỡ xã, hết đợt lại về, ở lại tham gia gánh vác công việc địa phương thì lần này mới có. Xã có thêm cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, có thêm biên chế, con người làm việc cho xã nhưng kinh phí chi trả bằng nguồn của Chính phủ, thuận lợi mọi bề.
Ở huyện Trạm Tấu, Bí thư Đảng ủy xã Pá Hu Thào A Tông cũng cụ thể, rành rọt như thế khi nói về việc "đón" đội viên trí thức trẻ Hà Chánh Thảo: "Đảng ủy, chính quyền phân công nhiệm vụ, bố trí nơi ăn ở chu đáo để anh Thảo có thể làm việc ngay. Cán bộ trẻ, có trình độ lên đây là quý lắm, mình phải giúp đỡ cán bộ trẻ cùng làm cho tốt lên".

Hà Chánh Thảo sinh năm 1988, dân tộc Tày, quê ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Tây Bắc. So với một số đội viên trí thức trẻ khác, Thảo có vẻ "chất" hơn nhưng xem cung cách của phó chủ tịch mới hôm qua còn là sinh viên thì thấy đúng là không có sự giúp đỡ của cán bộ, nhân dân thì sẽ khó khăn lớn.

 

Đội viên về xã được bố trí nơi làm việc chu đáo. (Ảnh: Đội viên Sùng A Nhà - Phó chủ tịch xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (ngồi giữa) trao đổi nhiệm vụ với cán bộ xã).

“Đón” trí thức trẻ lên xã rồi nhưng để họ nhanh chóng hòa nhập và phát huy năng lực, áp dụng kiến thức vào thực tế quả thực rất khó khăn nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, trách nhiệm của tập thể và mỗi cán bộ cơ sở và nỗ lực lớn của từng phó chủ tịch trẻ. Tỉnh Yên Bái có 20 đội viên trí thức trẻ nhận nhiệm vụ tại 20 xã của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Trong đó, 18 đội viên nam, 2 đội viên nữ. 8 đội viên là đảng viên, 14 đội viên là đoàn viên, 9/20 đội viên là người dân tộc thiểu số tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Cơ cấu dân tộc, 8 đội viên dân tộc Mông, 4 đội viên dân tộc Kinh, 4 đội viên dân tộc Tày, dân tộc Thái, Giáy mỗi dân tộc 1 đội viên. Đội viên về xã, ngoài hành trang kiến thức chuyên môn, nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng đã được Ban quản lý Dự án 600 bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng đối với phó chủ tịch UBND xã 3 tháng tại Sơn La, trong đó 1/3 thời gian dành cho thực tế.

Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Văn Thuyên cho biết: "Đón" đội viên về xã - Sở Nội vụ đã hướng dẫn kịp thời công tác nghiệp vụ bầu cử và cử cán bộ chuyên môn tham dự các kỳ họp ở xã. Huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch, nội dung, tổ chức tốt các kỳ họp bầu cử HĐND xã.  Huyện Mù Cang Chải, các xã đã tổ chức kỳ họp bầu đúng và đủ 10 đội viên vào chức danh phó chủ tịch UBND, người trúng cử cao nhất đạt 100% số phiếu, thấp nhất đạt 78%. Tỷ lệ này tương ứng ở Trạm Tấu là 100% và 81%”.

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Giàng A Thào bộc bạch: “Nếu không có Dự án 600 thì chúng tôi lấy đâu ra một lúc 10 phó chủ tịch trẻ có trình độ chuyên môn cao. Chính phủ giúp đỡ cán bộ cho xã nghèo cũng chính là giúp huyện. "Đón" tri thức trẻ về xã chính vì thế đã được các địa phương tổ chức, thực hiện rất tốt - một thuận lợi cho sự khởi đầu một dự án có tính đột phá về công tác cán bộ, cho cả một hành trình rèn luyện, cống hiến, khẳng định mình của những đội viên trí thức trẻ mới hôm qua còn là sinh viên hôm nay đã "gánh" trọng trách là "công bộc" cho nhân dân...

Tuấn Anh - Anh Hải

Kỳ sau đăng tiếp
Bài 2Học làm "công bộc" của dân

Các tin khác

Đại diện của Việt Nam và 10 quốc gia Đông Nam Á khác, cùng lãnh đạo Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), hiện đang tham dự Hội nghị Lãnh đạo Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ của khu vực Đông Nam Á, tổ chức tại Singapore, từ ngày 24-26/3.

Đây là nội dung được nêu tại văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện rà soát và điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến 2020.

Ông Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo.

YBĐT - Ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý đã tham dự Lễ khánh thành và bàn giao mô hình “Nhà bán trú cho em”, tại Trường THCS xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục