Nửa hành trình "học" làm "công bộc" của dân

Bài 2: Học làm "công bộc" của dân 

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2014 | 3:11:22 PM

YBĐT - Bố trí nơi ăn, ở, nơi làm việc, giúp đỡ phó chủ tịch xã chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ những buổi ban đầu là một cách "đón" chu đáo nhưng còn một cách "đón" rất "30a" là phiên dịch tiếng đồng bào cho phó chủ tịch, "dạy" phó chủ tịch nói và nghe tiếng đồng bào. Để làm "công bộc" của dân thì phải hiểu dân, "phải nói tiếng nói của đồng bào, nghe đồng bào” để thấy hết những tâm tư của bà con...

Đội viên, Phó chủ tịch UBND xã Pá Hu - Hà Chánh Thảo (người ngồi) vận động học sinh điểm trường mẫu giáo thôn Pá Hu đến lớp chuyên cần. (Ảnh: T.A)
Đội viên, Phó chủ tịch UBND xã Pá Hu - Hà Chánh Thảo (người ngồi) vận động học sinh điểm trường mẫu giáo thôn Pá Hu đến lớp chuyên cần. (Ảnh: T.A)

 >> Bài 1: "Đón" tri thức trẻ lên xã nghèo

Đội viên Lò Văn Khởi, người dân tộc Thái lên công tác tại xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu nói: "Em phải bám sát cán bộ xã người Mông, học nói, học nghe, ghi chép, ngày tranh thủ học, đêm em cũng dành thời gian nghiền ngẫm, tự thoại". Nữ đội viên Nguyễn Thị Thanh Lam ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) chia sẻ: "Học hỏi cán bộ nam giới, em còn gần gũi chị em người Mông nghe nói được tiếng phổ thông trong xã để học".

Còn kinh nghiệm của Hà Chánh Thảo ở xã Pá Hu là tranh thủ Bí thư Đảng ủy Thào A Tông. Giờ làm việc là bí thư cấp ủy, ngoài giờ, Thảo gọi anh Tông bằng "bố" xưng “con”. Chủ tịch Mùa A Lềnh cũng vậy, trong giờ là cấp trên, ngoài giờ thân tình như anh em trai.

Vừa học vừa làm, Thảo tâm sự: "Được giao phụ trách, chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, em cố gắng học tiếng Mông, rồi tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ xã, thôn, bản, xuống bản "ba cùng" với bà con". Đem hết khả năng diễn tả trực quan, với hỗ trợ phiên dịch của anh em, Thảo đã kiên trì vận động, hướng dẫn bà con thôn Pá Hu và trực tiếp phụ trách kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. 500 hộ, hầu hết là hộ nghèo, nhiều hộ trong thôn thiếu đói khi giáp hạt. Thảo đã xắn quần làm đất, trồng ngô đối chứng trên đất lúa nương, ăn nghỉ với bà con ngay trên nương. Xong Pá Hu, anh lại "ba cùng" để chỉ đạo các bản: Háng Gàng, Cang Giông, Tà Tầu, Km 16 trồng ngô xuân.

Sức trẻ và tâm huyết giúp anh làm việc không ngừng nghỉ, khi xã khuyết chức danh phó chủ tịch khối văn hóa - xã hội, được cấp ủy phân công, Thảo không nề hà. Anh tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động bà con ăn chung tết Nguyên đán, những gia đình có người mất phải cho người chết vào quan tài, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận.

 

Phó chủ tịch xã La Pán Tẩn Nguyễn Thị Thanh Lam trình độ chuyên môn lĩnh vực kinh tế nhưng đang chỉ đạo khá tốt việc vận động học sinh ra lớp.
Ảnh: Lam chia quà Trung thu cho các em học sinh. (Ảnh: A.H)

Ở xã Túc Đán, đội viên Vàng A Giàng nhận thấy bà con trong xã vẫn phải mua rau ăn trong khi đất đai bỏ phí, cây keo trồng nhiều năm nhưng năng suất thấp vì không phù hợp với điều kiện tự nhiên. Anh tham mưu cho xã và vận động, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức xã gương mẫu trồng rau xanh để bà con học tập, làm theo. Cây giống trồng rừng đã chuyển sang  trồng sơn tra và một số cây bản địa.

Trong10 đội viên công tác ở Trạm Tấu, Đặng Phúc Long - Phó chủ tịch UBND xã Phình Hồ là người dám làm. Anh đã thuê 1 ha đất nương để trồng ngô vụ xuân, phối hợp cùng một đơn vị tư vấn triển khai thí điểm Đề án trồng 2,5 ha cây dược liệu... Những đội viên lăn mình vào thực tiễn, "ba cùng" với dân để học làm "công bộc" của dân như Thảo, Long, Khởi, Giàng ... khá nhiều.

Trong đó có nữ Phó chủ tịch xã La Pán Tẩn Nguyễn Thị Thanh Lam. Cô đã đề xuất và vận động nhân dân xây dựng 300 công trình nhà vệ sinh cải thiện môi trường. Đặc biệt, đã tham mưu triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại xã. Theo Lam, đây là thế mạnh của xã nhưng chưa được phát huy. Nếu khép kín dịch vụ phục vụ khách du lịch thăm quan danh thắng ruộng bậc thang thì thu nhập của bà con sẽ tăng lên, đời sống bà con sẽ được cải thiện. Hơn hai năm qua, cô đã nỗ lực bỏ nhiều công sức, tâm huyết cho mục tiêu này. Đây cũng là một trong những chủ trương mà huyện Mù Cang Chải chỉ đạo trong chương trình phát triển kinh tế du lịch của vùng danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải...

Hầu hết, những việc ở xã đều có bóng dáng trí thức trẻ tình nguyện: tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình của cấp ủy, HĐND, UBND xã đề ra trong nhiệm kỳ, phối hợp với cán bộ phụ trách xã đi thôn, bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực phụ trách, tham gia chỉ đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, văn hóa, xã hội.

 

Thanh niên trí thức trẻ tình nguyện xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) ngoài công việc chuyên môn còn trực tiếp giúp đỡ địa phương nhiều hoạt động khác như tổ chức tết Trung thu cho thiếu nhi trong xã. (Ảnh: A.H)

Những kết quả tích cực với những con số phấn khởi được ghi nhận trong các đánh giá của địa phương về những việc đội viên trí thức trẻ đã tham gia làm được. Riêng huyện Trạm Tấu, qua hơn một năm các đội viên xã Xà Hồ, Tà Xi Láng vận động 30 hộ gia đình không cho con tảo hôn, 27 hộ gia đình không lấy tiền thách cưới, 13 hộ khi có người mất đã không để lâu trong nhà và phải đưa vào quan tài.

Các đội viên ở xã Làng Nhì, Tà Xi Láng, Túc Đán, Pá Hu, Phình Hồ đều tích cực vận động, chỉ đạo tốt thâm canh lúa, trồng ngô vụ xuân vượt kế hoạch từ 20 - 36%. Đội viên ở xã Phình Hồ, Bản Công vận động và chỉ đạo nhân dân trồng 280 ha cây sơn tra, 2,5 ha cây dược liệu. Đội viên ở Pá Lau, Pá Hu chỉ đạo sửa chữa 9,4 km và mở mới 5,3 km đường giao thông nông thôn. 

Ở huyện Mù Cang Chải, đội viên xã Chế Cu Nha tham gia chỉ đạo 3 nhà trường vận động học sinh ra lớp, đạt tỷ lệ 90% ở bậc mầm non, 97% với bậc tiểu học. Đội viên ở xã Hồ Bốn chỉ đạo hoàn thành 12 nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, làm 9,92 km đường giao thông nông thôn. Đội viên xã La Pán Tẩn chỉ đạo làm 300 nhà vệ sinh cải thiện môi trường, tham gia hỗ trợ, cứu trợ hiệu quả vụ sạt lở đất núi ngày 7/9/2012. Đội viên Tô Văn Học ở xã Cao Phạ trồng thí điểm 1.700 gốc tre măng Bát Độ...

Những nỗ lực và kết quả công việc mà những đội viên trí thức trẻ ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải đạt được trong nửa hành trình học làm "công bộc" của dân được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Ngô Thanh Giang cho rằng, chính những đội viên đã góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc, trách nhiệm công tác của cán bộ, công chức xã, thôn, bản. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên ở vùng cao hôm nay.

Minh Tuấn - Ngọc Sơn
Kỳ sau đăng tiếp Bài 3: Đang có những "ngập ngừng"?

Các tin khác

YBĐT - Ngày 26/3, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 - NQ/TƯ (Hội nghị Trung ương 8, khóa XI), Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TƯ và sơ kết công tác quý I/2014.

Ưu điểm của chứng minh thư mới là sẽ không làm giả được, không cho người khác mượn được.

Việc cấp chứng minh thư mới 12 số sẽ được áp dụng trên toàn TP Hà Nội từ 1/4, trong khi Tổng cục Thống kê sẽ tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc.

Toàn cảnh Hội nghị.

YBĐT – Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2014), sáng ngày 26/3 Tỉnh Đoàn Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ Tỉnh đoàn qua các thời kỳ và ra mắt CLB Nguyên cán bộ cơ quan Tỉnh đoàn.

YBĐT - Ngày 26/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp năm 2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục