WHO: “Bộ Y tế nên đặt bệnh sởi vào tình huống khẩn cấp”

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2014 | 2:06:53 PM

Hiện nay, tình hình bệnh sởi tại Việt Nam đang diễn biến khá phức tạp, với số lượng người tử vong cao.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam xem phim hình ảnh của một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam xem phim hình ảnh của một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước thực trạng trên, khá nhiều người tỏ ra lo lắng về tình hình dịch bệnh và băn khoăn liệu Việt Nam có cần thiết phải công bố dịch sởi để có những giải pháp mạnh ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, để có cái nhìn rõ hơn và khách quan hơn về vấn đề này.

- Ông nhận định như thế nào về mức độ của bệnh sởi hiện nay và diễn biến dịch bệnh có điều gì bất thường không?

Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Tôi biết rằng nhiều người đang tỏ ra rất lo lắng khi thấy con số tử vong vì bệnh sởi trong thời gian vừa qua.

Sáng 16/4, tôi tới Bệnh viện Nhi Trung ương cùng với đoàn của Bộ Y tế để khảo sát trực tiếp. Khi vừa tới phòng bệnh nhân thở máy nặng tại Khoa Truyền nhiễm tôi đã chứng kiến một ca vừa tử vong ít phút vì bệnh này. Quả thực, sự việc trên làm tôi cảm thấy thật đáng tiếc và đau lòng.

Tôi biết rằng các bác sỹ tại bệnh viện trong những ngày qua đã làm việc rất tích cực. Tuy nhiên, bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nhanh nhất và là một trong những lý do chính gây tử vong ở trẻ em.

Ở Việt Nam, hiện lượng trẻ mắc sởi rất cao nên khi thấy số lượng tử vong thì chúng tôi cũng không quá bất ngờ. Những ca bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm vắcxin. Vì vậy, việc tiêm vắcxin rất quan trọng, nó không chỉ ngăn bệnh ở người được tiêm mà nó còn phòng chống cho cả cộng đồng.

- Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên công bố dịch sởi. Ông có thể cho biết, trong điều kiện nào cơ quan chức năng phải công bố dịch?

Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Đầu tiên tôi phải nói rằng không có một định nghĩa toàn cầu nào về dịch, nó phụ thuộc vào mục đích của từng quốc gia.

Chẳng hạn như theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ cần 3 ca bệnh thôi là chúng tôi đã có thể công bố được thành dịch. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng chung cho tất cả mà phải phụ thuộc vào mục tiêu của từng quốc gia. Khi họ không thể giải quyết được, họ cần sự giúp đỡ hoặc số ca mắc quá nhiều khiến họ không thể kiểm soát nổi thì tự quốc gia đó sẽ lựa chọn thời điểm để công bố dịch.

- Trước tình hình diễn biến bệnh sởi phức tạp như hiện nay, theo ông, Việt Nam có nên công bố dịch sởi hay không?

Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Đây là một câu hỏi rất khó. Như tôi đã đề cập trước đó, việc công bố dịch cần phải dựa trên mục đích, cho nên tôi không thể trả lời được là Việt Nam có nên công bố hay không.

Theo tôi, điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng và họ cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình trạng này.

Tôi cho rằng Bộ Y tế đã triển khai một hệ thống phòng chống dịch rất tốt và họ sẵn sàng thiết lập các trạm y tế dã chiến để đối phó bệnh sởi và hỗ trợ cho các bệnh viện. Tổ chức Y tế Thế giới rất ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ nếu Việt Nam cần.

- Thưa ông, để kiểm soát tốt bệnh sởi trong bối cảnh như hiện nay thì Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Số lượng trẻ tử vong vì bệnh sởi cao đặt ra một vấn đề là chúng ta phải tự bảo vệ bản thân và những đứa con của chúng ta.

Một câu hỏi được đặt ra là trong tình hình hiện nay cái gì là quan trọng nhất? Theo tôi, đó chính là vấn đề kiểm soát bệnh sởi và khoanh vùng các ổ dịch. Để làm được điều đó thì chúng ta phải chắc chắn rằng người dân đã được tiêm vắcxin đầy đủ.

Một điều nữa tôi cũng cần lưu ý là những nhân viên y tế của bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân sởi điều trị luôn cần phải có sự quan sát, đặc biệt là ở các khu khám bệnh - nơi tập trung nhiều bệnh nhân và có khả năng lây lan bệnh dịch nhanh chóng.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhiều bậc cha mẹ đưa con đến bệnh viện trong khi bệnh tình không có gì nghiêm trọng đã vô tình lây sởi trong cả đám đông đang ẩn chứa các virus gây bệnh sởi.

Vì vậy, chúng tôi muốn khuyên người dân là không nên đưa con đến bệnh viện khi không cần thiết, khi bệnh chưa nặng và bệnh viện cần phải kiểm soát tốt các bệnh lây nhiễm.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Bên cạnh tổ chức cho học sinh ôn các môn thi tốt nghiệp, Trường THPT Chu Văn An chú trọng dạy đều các môn học giúp học sinh nắm vững kiến thức.

YBĐT - Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông báo về những điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 với những điểm mới nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh THPT nhưng vẫn đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, Trường THPT Chu Văn An huyện Văn Yên (Yên Bái) đã nhanh chóng “bắt nhịp” khâu chuẩn bị cho kỳ thi.

Học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trong giờ thực hành.

Chiều ngày 16-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức công bố chi tiết khái toán kinh phí “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” (Đề án).

Cả nước đã có trên 3.000 trường hợp mắc bệnh sởi.

Ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi.

YBĐT- Ngày 16/4, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Báo Hànộimới đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng và Kỷ niệm 25 năm Báo Hànộimới ra số cuối tuần đầu tiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục