Bùa hộ mệnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2014 | 8:30:19 AM

YBĐT - Tháng 8 năm 1969, từ Binh trạm 27, Đoàn 500, Tiểu đoàn 9A chúng tôi nhận lệnh chuyển giao đường 8 (Khăm Muộn - Lào) hành quân gấp ra Hương Sơn (Hà Tĩnh) để nhận nhiệm vụ mới.

Bàn giao trọng điểm Pu Hoắc cho đơn vị bạn, trung đội tôi nhanh chóng hành quân trở lại Việt Nam (là trung đội rút ra sau cùng nên chúng tôi độc lập đi lẻ). Nửa đêm hôm đó, trung đội đến bản Nabo đầu đồn điền Napicơ của tỉnh Khăm Muộn - một bản dân Lào đã bỏ từ lâu vì gần ngay đường tuyến nhưng những cây me cổ thụ thì vẫn xanh tốt và trĩu quả. Vừa mệt, vừa buồn ngủ tôi bàn với đồng chí trung đội phó cho anh em nghỉ tạm 30 phút rồi tiếp tục hành quân đến gần sông Nậm Thơn tìm chỗ nghỉ để tối mai vượt sông về Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thấy me chua, lính ta đang buồn ngủ đều tỉnh như sáo. Tôi chưa kịp hạ ba lô thì cậu liên lạc đã tót lên cây me và ném cho tôi một chùm nặng quả. Tôi dựa lưng vào ba lô rồi với tay nhặt chùm me mà cậu liên lạc vừa ném xuống cho. Cái gì thế này? Tay tôi chạm vào một gói vải chàm nhỏ nhưng rất nặng. Vừa ăn me tôi vừa tò mò giở gói vải ra xem, sau 3 lần vải bọc là 2 chiếc nhẫn vàng đánh vội, nhẫn to bằng đầu đũa ăn cơm (phải đến 3-4 chỉ một cái), tôi không nói gì và cất gói vải có 2 chiếc nhẫn vào túi áo, định bụng về đến Việt Nam sẽ báo cáo đại đội trưởng đưa vào quỹ của đơn vị.
Hết giờ giải lao, đơn vị tiếp tục hành quân vượt đồn điền Napicơ, men theo đường 8 tiến về sông Nậm Thơn.

Vừa vượt suối Nậm Niên thì đồng chí cảnh giới phía trước phát hiện hai bóng người đang đi lại, đội hình trung đội được nhanh chóng tản ra và sẵn sàng chiến đấu (vì vùng này thám báo và phỉ vẫn thường xuyên hoạt động để phát hiện xe ta báo cho máy bay địch đánh phá). Tôi tiến lên đầu để chỉ huy đơn vị và kịp thời xử lý tình huống. Hai bóng người dường như không phát hiện được đội hình của ta nên cứ tiến thẳng vào vòng vây của chúng tôi. Người đi trước vừa đi vừa ơi hời như khóc.

Lúc này bốn đèn pin của chúng tôi bật sáng, tôi hô "Ta hán Việt"(*) đây, đứng im không sẽ bị bắn". Hai người thấy tôi hô sợ quá liền ngồi sụp xuống giơ tay lên lạy lấy lạy để và nói tiếng Việt lắp bắp: "Là dân... là dân, xin bộ đội không bắn".

Tôi rọi đèn tiến gần lại nhận ra một người đàn ông chừng 60 tuổi và một cháu gái khoảng 13-14 tuổi. Tôi hỏi: "Sao đêm khuya thế này mà cụ đi đâu, không sợ thám báo giết à?". Ông không trả lời mà luôn mồm kêu: "Chết rồi, chết rồi...!". Thấy vậy tôi lại hỏi: "Sao chết, có phải nhà cụ bị bọn phỉ đến phá không, nói bộ đội giúp?". Ông lắc đầu và nói thều thào: "Không phải phỉ đâu... mà chết cả mất thôi", rồi cụ lại ơ hờ khóc không thành tiếng. Thấy vậy tôi nói để ông yên tâm: "Không chết được đâu, có bộ đội Việt Nam ở đây giúp cụ không chết đâu mà sợ".

Qua những lời động viên của tôi và nhất là khi cậu liên lạc đưa cho ông bình tông nước chè rừng để uống, ông mới bình tĩnh lại và kể là hôm qua đi về bản Nabo cũ bắt con trâu thì đánh rơi mất bọc "bùa hộ mệnh", mất "bùa' là 2 đứa con phải chết, thầy mo nó bảo vậy, bây giờ không tìm được thì 2 con phải chết thật rồi, khổ quá... khổ quá, nói đến đấy cụ lại khóc hu hu. Nghe ông nói vậy, tôi cười động viên: "Không chết đâu, bộ đội Việt Nam nhặt được cho cụ rồi nhưng cụ phải nói "bùa hộ mệnh" là cái gì, đúng bộ đội Việt Nam trả cho".

Ông nửa tin nửa ngờ và nói: "Gói vải bùa hộ mệnh có 2 nhẫn vàng do thầy mo đã yểm để giữ linh hồn của đứa này (cụ chỉ tay vào cháu gái đi cùng) và thằng con trai còn đang ốm ở nhà". Nghe vậy tôi mừng quá nói: "Thế thì đây rồi, xin gửi lại cho cụ" - vừa nói tôi vừa lấy gói vải trong túi áo đưa cho ông.

Ông đưa hai tay run run nhận gói vải quen thuộc của mình và mở ra xem, khi thấy 2 chiếc nhẫn vàng, ông liền quỳ sụp xuống lạy tôi liên tục, tôi vội đỡ ông dậy và nói: "Không việc gì phải thế, bộ đội Việt Nam luôn làm việc nghĩa giúp nhân dân, nhặt được của rơi mà tìm lại trả cho chủ là tốt lắm rồi, bây giờ bộ đội Việt Nam phải tiếp tục hành quân không muộn, trời sắp sáng rồi".

Ông khẩn khoản nói: "Bản Nabo sơ tán cũng ở bên bờ sông Nậm Thơn, mời bộ đội Việt Nam về bản nghỉ rồi mai sang sông đi đường tắt gần được nhiều đường đấy". Nghe vậy tôi mừng quá, cho trung đội bỏ đường 8 theo ông đi đường tắt rẽ vào bản Nabo.

Trên đường đi, ông kể cho tôi nghe về gói "bùa hộ mệnh" mà ông quý hơn cả mạng sống của mình. Ông tên là BunPênh, trưởng bản Nabo, nhà ông sinh được 9 người con. Khi đường tuyến của bộ đội Việt Nam và bộ đội Pha Thét Lào đi qua gần bản, một hôm máy bay Mỹ đuổi đánh theo xe hàng của ta, 2 quả bom đã rơi trúng bản làm cháy 4 nóc nhà và giết hại 11 người của bản (trong đó có người con trai cả của ông đang lợp lại nhà cho bà con). Không thể ở bản cũ được, ông đã dẫn cả bản Nabo rời xa đường tuyến ngược lên thượng nguồn sông Nậm Thơn làm bản mới.

Rời bản là việc không ai muốn nhưng vì cách mạng cần có đường đi qua để chuyển lương thực, vũ khí vào đánh thắng Mỹ, ngụy là nhân dân sẵn sàng. Ở bản mới rất thiếu thốn nên nhân dân thường phải về bản cũ lấy rau, kiểm trâu, bắt cá ở kênh rạch trên cánh đồng và chẳng hiểu sao 6 người con của ông cứ bị chết liên tục trong hai năm.

Đầu tiên người con trai thứ 2 bị rắn hổ mang cắn khi đi bắt cá. Đứa con gái út ngã trâu chết. Người con trai thứ 3 và thứ 4 bị sốt thương hàn chết trong một tuần, rồi đến người con gái thứ 8 chết đuối ngay ở vũng trâu đằm khi đi bắt cá. Đến đứa con trai út mới 6 tuổi đi bắt chim bị hổ vồ mất xác thì gia đình ông kiệt quệ về tinh thần.

Thương các con, bà nhà ốm liệt giường rồi cũng ra đi, để lại cho ông 2 người con. Nhiều lần thầy mo về cúng và bảo ông đánh 2 nhẫn vàng để thầy yểm bùa rồi giao cho ông phải giữ cẩn thận, mất là 2 người con còn lại cũng theo anh, theo em chúng nó. Từ đó đến nay đã được 2 năm ông luôn cẩn thận mang bên mình, thế mà hôm qua về bản cũ bắt trâu ông lại đánh rơi mất. Về đến nhà thì thằng con trai lên 9 tuổi lại sốt cao, ông hoảng hốt sợ con ma nó lại đến bắt con mình nên vội vàng đi tìm.

Đến bản Nabo mới, bộ đội mệt quá đều tản ra các nhà, cử người gác theo phương án chiến đấu, còn lại ngủ trên sàn nhà dân trong bản. Tôi, đồng chí y tá và đồng chí liên lạc ở tại nhà ông. Tôi nói y tá khám bệnh cho cháu nhỏ đang ốm, thì ra cậu bé bị sốt do viêm họng, đồng chí y tá cho uống thuốc một lát cơn sốt dịu đi, cậu bé lại ngủ ngon lành. Khi tôi chuẩn bị đi ngủ, cụ mang cho tôi một túi vải chàm trong đó đựng đến hơn 1 lạng vàng cốm (loại vàng sa khoáng dân Lào đãi ở suối) và nói trả ơn tôi. Tôi không nhận và nói vui: "Bộ đội Việt Nam giúp dân là nghĩa vụ và tình cảm thôi, bộ đội không lấy vàng đâu, chỉ nhận là người cùng nhà thôi".

Thấy tôi nói là làm người nhà thì ông vui lắm, cứ cầm tay tôi vuốt vuốt.... Đang ngủ ngon thì tôi thấy có người giật giật chân, tưởng có chuyện gì, tôi liền vơ vội khẩu AK sẵn sàng chiến đấu nhưng ông BunPênh đã ra hiệu cho tôi không được nói gì và im lặng theo ông ra sàn nứa sau nhà, cụ ra hiệu cho tôi cởi quần áo dài chỉ mặc quần lót rồi chỉ tôi ngồi lên chiếc ghế gỗ (đẽo bằng gốc cây khộp), sau đó ông ra hiệu cho hai người con còn lại (cũng cởi trần) quỳ bên cạnh tôi, lần lượt hai chị em cầm gáo nứa múc nước thơm (nấu từ cây sả và hoa Chăm Pa) dội cho tôi tắm, còn cụ BunPênh thì cứ lầm rầm khấn vái... Tôi tắm xong, ông nói: "Thế là từ nay bộ đội Việt Nam là con trai lớn của nhà ta rồi ... vui quá, vui quá".

Sáng ra, ông đưa tôi lên bìa nương của nhà và chỉ cho tôi 3 cây thuốc, nói phải nhớ kỹ. Khi ngồi xuống gốc cây thuốc loại to nhất, ông nói: "3 cây thuốc này là gia truyền, không nói lại với người ngoài vì để giữ nòi giống mình đông hơn các dòng họ khác", rồi ông hướng dẫn cho tôi cách sử dụng thuốc: Khi người ta bị sốt rét, nhiều đàn ông rất ảnh hưởng đến việc sinh con vì tinh trùng bị chết nhiều và yếu, phương thuốc này sẽ làm cho tinh trùng mạnh khỏe, phát triển và sinh con được; còn phương thuốc thứ hai là cho phụ nữ, khi người nữ bị xảy thai liên tục đến lần thứ 3 trở lên thì rất khó giữ, phải dùng loại thuốc này để cơ dạ con co lại bền vững mới không sảy thai. Tôi cám ơn bố nuôi và hứa sẽ ghi nhớ.

Sau bữa trưa được cả bản thết đãi, chiều hôm đó, chúng tôi được bố nuôi dẫn ra bờ sông Nậm Thơn để vượt sông về Việt Nam. Trên bờ sông, rặng tre xanh ngút ngàn kín đáo đã có 8 chiếc mảng tre chắc chắn với 8 thanh niên ở bản Nabo đã chờ sẵn. Trời vừa chạng vạng tối chúng tôi vượt sông nhanh chóng. Khi tất cả đã lên bờ an toàn, bố nuôi cùng 2 thanh niên đưa chúng tôi đi tắt rừng theo một lèn đá có 2km đã ra đến đường 8 gần hơn đường hành quân dự kiến 12km.

Chia tay tôi, bố nuôi BunPênh khóc nức nở làm tôi cũng khó cầm nước mắt. Tôi động viên bố nuôi yên tâm về chăm sóc thằng em và đưa cho ông chiếc áo Bà Định(**) tôi mới được lĩnh để mặc rét mùa đông và hứa ngày giải phóng sẽ về thăm gia đình. Bố nuôi cầm tay tôi lắc lắc nghẹn ngào: "Con đi mạnh khỏe nhé... Bố thương lắm... thương lắm".

Cuộc chiến cứ kéo tôi đi mãi, đi mãi vì sau khi ra Bắc chúng tôi được lệnh hành quân gấp vào Quảng Bình bổ sung cho Trung đoàn 4 Công binh cơ động anh hùng. Từ Thừa Thiên Huế rồi sang CamPuChia lại về Ban Mê Thuật để mở đường mới đưa hàng vào chiến trường...
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chuyển ngành nhưng lại lên biên giới phía Bắc để chỉ huy lực lượng tự vệ của ngành địa chất chiến đấu bảo vệ biên cương, bảo vệ vùng mỏ.

Những kỷ niệm chiến trường đầy ắp, nguyên vẹn trong tôi nhưng vì công việc cơ quan, gia đình bộn bề nên chẳng có thời gian nào để trở lại Nabo... nhưng phương thuốc gia truyền của bố nuôi  người Lào ngày đó tôi đã đem giúp cho một đôi vợ chồng có được đứa con mong mỏi bấy lâu, hàn gắn lại hạnh phúc gia đình ấy trước nguy cơ tan vỡ.

Câu chuyện "bùa hộ mệnh" là một kỷ niệm đẹp của những người lính Trường Sơn luôn gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào như anh em, ruột thịt, luôn giúp đỡ nhau giữa gian khổ, hy sinh của chiến tranh để đưa cách mạng hai nước đến toàn thắng. Chỉ tiếc rằng tôi chưa được có dịp nào trở lại đường 8, trở lại Napicơ để đến thăm bản Nabo, nơi có những người thân của tôi, chắc cũng như tôi, đang mong tin... của nhau từng ngày.

Vân Anh (Hội Bộ đội Trường Sơn tỉnh Yên Bái)
(*) "Ta hán Việt" tiếng Lào là "bộ đội Việt Nam"
(**) Áo Bà Định: Là loại áo sợi phát cho bộ đội mặc chống rét mùa đông.

Các tin khác

Nắng nóng ở Bắc Bộ tạm thời giảm nhẹ nhưng sẽ nhanh chóng quay trở lại trong 2 ngày nữa. Trong khi đó, miền Trung tiếp tục nắng nóng trên diện rộng đến hết ngày 21/5.

Các bản đồ cổ và Atlas của phương Tây và Trung Quốc đều cho thấy biên giới lãnh thổ phía Nam đều dừng lại ở đảo Hải Nam.

Ngày 15/5, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức cho biết theo Bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symond) vừa công bố kết quả xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2014, lần đầu tiên, Việt Nam có ba cơ sở giáo dục đại học được lọt vào danh sách năm nay gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao Cờ luân lưu cho Hội Nhà báo Phú Thọ.

YBĐT - Hội nhà báo các tỉnh miền núi Đông Bắc và Trung du vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động Hội Nhà báo” lần thứ IX năm 2014 tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo có sự tham gia của Hội Nhà báo 11 tỉnh miền núi Đông Bắc và Trung du.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục