Đề án 1956 ở Yên Bái: Đã đáp ứng nhu cầu ?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/6/2014 | 2:44:23 PM

YBĐT - Chỉ tiêu đào tạo nghề của Yên Bái năm 2014 là gần 14 ngàn người, tăng hơn 2 ngàn người so với năm 2013. Trong đó: đào tạo theo Đề án 1956 là 6.950 lao động nông thôn, chủ yếu các nghề nông - lâm nghiệp.

Nhiều lao động nông thôn có nhu cầu học nghề thực sự để phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Lao động nông thôn tham gia lớp học kỹ thuật trồng rau an toàn tại huyện Văn Chấn).
Nhiều lao động nông thôn có nhu cầu học nghề thực sự để phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Lao động nông thôn tham gia lớp học kỹ thuật trồng rau an toàn tại huyện Văn Chấn).

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội giúp người nông dân được học nghề, có thể tự tìm kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống. Song, qua 4 năm triển khai, Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết ngay.

“Ngại” học nghề

Điều dễ nhận thấy là công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các địa phương vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Lý do:  cơ sở vật chất hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao, bản thân người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, gia đình nên chưa quan tâm đến học nghề.

Tới thăm hộ gia đình anh Thào A Lồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải - một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã, tôi hỏi:
- Tại sao anh không đi học nghề theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước?
- Học nghề làm gì? Học xong thì vẫn vậy thôi!
- Học nghề để tìm việc làm, tăng thêm thu nhập nuôi vợ con chứ.
- Ở nhà vẫn có tiền hỗ trợ của Nhà nước mà!

Đó là một trong những hộ gia đình có điển hình cho tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Người lao động “ngại” học nghề - đây chính là một trong những nguyên nhân làm Đề án triển khai khá khó khăn và hiệu quả chưa được như mong muốn. Năm 2013, qua khảo sát, Mù Cang Chải có 28.000 lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, trong đó, LĐNT chiếm khoảng 1/4, các nghề phi nông nghiệp tập trung ở các xã khu I và II, còn nghề nông nghiệp tập trung các xã khu III và IV.

Ông Trịnh Thế Bình - Phó phòng phụ trách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Mù Cang Chải cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức, trình độ bà con rất hạn chế, một bộ phận khá đông đồng bào chưa xác định được lợi ích khi học nghề trong khi huyện đã cử cán bộ xuống tận thôn, bản tuyên truyền, giải thích, vận động. Cũng như Mù Cang Chải, việc triển khai Đề án 1956 ở huyện Văn Chấn cũng rất khó khăn.

Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện cho biết: “Do địa bàn rộng, nhiều xã vùng cao đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn của LĐNT vùng cao còn rất thấp, nhiều lao động không biết chữ, không biết đọc, tiếng phổ thông chưa thạo. Trong khi, khá đông LĐNT chưa tích cực, tự giác lao động, chứ chưa nói đến tự giác tham gia học nghề. Một số lao động có suy nghĩ rất đơn giản, ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu. Họ cho rằng, đi học mất thời gian mà tiền kiếm được không bằng đi làm thuê mà vẫn được ở nhà.

Cho dù còn những khó khăn nhưng qua khảo sát, nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn tỉnh vẫn tăng từng năm: năm 2012 là 10.498 người, năm 2013 là 11.540 người và năm 2014 có khoảng 12.524 người.

 

Đối với các địa phương vùng cao, cần khảo sát nhu cầu học nghề phù hợp điều kiện của địa phương.
 
Những nguyên nhân khác

Hàng năm, Sở LĐ,TB&XH có kế hoạch khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu thực tế của LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Được biết, chỉ tiêu đào tạo nghề của Yên Bái năm 2014 là gần 14 ngàn người, tăng hơn 2 ngàn người so với năm 2013. Trong đó: đào tạo theo Đề án 1956 là 6.950 LĐNT, chủ yếu các nghề nông - lâm nghiệp. Những vùng có lao động người dân tộc thiểu số tỉ lệ học nghề còn thấp bởi chưa thoát được tập quán canh tác lạc hậu, còn nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mặt khác, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy nghề mới chỉ cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu nhiệm vụ. Hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy của các trung tâm dạy nghề rất thiếu, đặc biệt năm 2014, có sự sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên nên Đề án 1956 triển khai chậm, thậm chí như huyện Mù Cang Chải chưa triển khai.

Tiến độ triển khai Đề án năm 2014 chậm còn do những nguyên nhân cố hữu: cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt phân bổ kinh phí chậm trễ. Theo bà Phạm Thị Minh Hạnh, một số địa phương vùng cao, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, vào cuộc (chẳng hạn như xã An Lương, Tú Lệ của huyện Văn Chấn, đến thời điểm này chưa tổ chức được lớp dạy nghề nào).

Từ đó, việc rà soát nhu cầu ở cơ sở chỉ triển khai lấy lệ. Theo báo cáo kết quả điều tra năm 2013, khoảng 70% lao động qua đào tạo có việc làm, chủ yếu tập trung ở các nghề phi nông nghiệp (điện dân dụng, xây dựng, may mặc…), còn những nghề nông nghiệp thì khả năng có việc làm ổn định là rất khó.

Cùng với đó một bộ phận đội ngũ giáo viên của các cơ sở tham gia đào tạo nghề còn thiếu kinh nghiệm, chưa sâu sát địa bàn, đặc biệt là chưa nắm chắc tâm tư nguyện vọng của người học nên đã xảy ra tình trạng người học và người dạy đều lấy lệ cho xong chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong khi đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động thuộc diện nghèo ở mức rất thấp (15.000 đồng/người/ngày), kinh phí thực hành các lớp nghề hạn chế nên giữa lý thuyết và thực hành còn quá xa vời làm công tác đào tạo nghề kết quả thấp, giảm hiệu quả của Đề án.

Chất lượng đã vậy, số lượng cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2013, cả tỉnh mới có 130 giáo viên tham gia dạy nghề cho LĐNT. Ở hai huyện Yên Bình và Văn Yên, triển khai Đề án 1956 còn hạn chế do phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương. Cụ thể, hiện LĐNT huyện Văn Yên chiếm phần nhỏ trong số lao động có nhu cầu đào tạo nghề của toàn huyện nhưng đều đi làm thuê. Mỗi năm huyện có khoảng 1.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng đi học nghề chỉ chiếm 10%...

Một khó khăn nữa trong thực hiện Đề án 1956 ở Yên Bái là vấn đề  kinh phí. Nguồn kinh phí được xác định thực hiện các hoạt động của Đề án chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Năm 2010, kinh phí hỗ trợ dạy nghề từ Trung ương trên 5,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2,4 tỷ đồng triệu đồng, năm 2014, Trung ương hỗ trợ 7,6 tỷ đồng, địa phương 3,6 tỷ đồng song dự kiến sẽ bị cắt giảm khoảng 40% theo chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, nguồn kinh phí phân bổ chậm về các địa phương, tạo ra sự chậm trễ trong tổ chức các lớp học nghề so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Gỡ khó theo hướng nào?

Trước những khó khăn, vướng mắc của Đề án, ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ,TB&XH phân tích: “Trước hết là kinh phí. Tỉnh sẽ cấp đối ứng khoảng 40% tổng kinh phí, Trung ương cấp một phần kinh phí theo từng đợt. Do đó, chỉ kinh phí của tỉnh sẽ không đáp ứng, phải chờ hỗ trợ Trung ương nên Đề án triển khai chậm. Sở đã tham mưu cho tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu giao hàng năm và có điều chỉnh bổ sung. Thứ hai, đây là việc của toàn xã hội cần phải kiểm tra đôn đốc thực hiện Đề án ở cơ sở, rất cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền để tránh việc điều tra, khảo sát qua loa lấy lệ. Đối với LĐNT, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp họ thấy được lợi ích của việc học nghề để họ yên tâm và tự bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu thực sự cần học nghề gì. Hơn nữa, triển khai các nghề gần gũi với người nông dân như: trồng trọt, chế biến lâm sản, chăn nuôi - thú y... phù hợp với điều kiện của từng địa phương, phân vùng, đào tạo theo nhóm chuyên sâu khai thác lợi thế của từng vùng, làm tốt công tác khảo sát nhu cầu để phân loại đối tượng, ngành nghề đào tạo một cách hiệu quả nhất".

Ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

“Sở LĐ, TB&XH đã tham mưu đề xuất với tỉnh tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp đôn đốc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, chỉ đạo các trung tâm, cơ sở dạy nghề phải liên kết có địa chỉ, mở thêm các lớp dạy nghề truyền thống của đồng bào thiểu số (thêu dệt thổ cẩm, du lịch cộng đồng) đặc biệt quan tâm giới thiệu việc làm… Như vậy, Đề án mới thực sự phát huy hiệu quả”.

 

 

 

Bà Vương Thị Thoan - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

“Phải giảm bớt hình thức, không nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Nghề phi nông nghiệp phải chia thành vùng đào tạo, không để học theo phong trào. Các cơ sở đào tạo nghề phải xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần khảo sát thị trường lao động, nắm bắt kịp thời thông tin lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động không tìm được việc làm hoặc không tự tạo được việc sau khi kết thúc khóa học. Hiện tại, Hội Nông dân tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân, dự kiến hoàn thành năm 2016, mở thêm cơ hội lao động được học nghề”.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái

“Từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã đào tạo khoảng 1.600 LĐNT và đem lại hiệu quả rất tốt. Theo tôi, để triển khai Đề án này có hiệu quả cần tạo cơ hội để người dân được tiếp xúc với doanh nghiệp, nâng cao nhận thức. Qua đó, người dân sẽ thể hiện nhu cầu học nghề, biết chọn ngành nghề phù hợp. Để tìm được nghề thực sự hợp với người dân, địa phương cần có cam kết ba bên giữa người học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”.

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Sáng ngày 13/6, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết về công tác phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014.

Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" tập trung vào một số vấn đề như: Giới thiệu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ góc độ luật quốc tế...

Lãnh đạo UBND thành phố tặng giấy khen cho 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2013

YBĐT – Nhằm tri ân và động viên cán bộ công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, thanh niên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện, ngày 13/6, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Yên Bái đã tổ chức hưởng ứng Ngày “Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6” và tôn vinh những cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2013.

Đồng chí Phùng Đình Lai - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình, Trưởng ban Tổ chức Hội thi trao giải Nhì cho thí sinh Nguyễn Duy Nhất - xã Phúc An.

YBĐT - Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2014 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ Yên Bình bởi hầu hết cán bộ, nhân dân các Đảng bộ, chi bộ cơ quan quân sự, trường học, các xã, thị trấn đến dự, cổ vũ cho các thí sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục