Một bài toán đã có lời giải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 8:49:15 AM

YBĐT - Với đặc thù riêng, sản phẩm báo chí phát thanh, truyền hình muốn đến được với người nghe, người xem phải thông qua công đoạn truyền dẫn phát sóng. Cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, phát thanh - truyền hình (PT-TH) Yên Bái cũng từng bước trưởng thành.

Tờ báo nói của tỉnh từ truyền thanh (năm 1957) đến phát thanh (năm 1977) bằng sóng ngắn, sóng trung rồi chuyển sang phát sóng FM công suất 1kw, sau nâng lên 5kw, đến nay đã cơ bản tới được các vùng, miền trong tỉnh.

Cũng như các tỉnh miền núi khác, truyền hình Yên Bái ra đời muộn hơn so với phát thanh. Cuối năm 1988, trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh trang bị cho Đài một máy phát hình 100w do Liên Xô sản xuất, 01 đầu video và một máy thu hình 12inch - đó là cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu của sự nghiệp truyền hình.

Sau gần 2 năm chuẩn bị và đầu tư thêm trang thiết bị, ngày 15/7/1990, chương trình truyền hình đầu tiên ra mắt khán giả tỉnh nhà và trở thành kênh thông tin mới được nhiều người quan tâm. Từ năm 1991 trở lại đây, truyền hình quốc gia phát sóng vệ tinh, tỉnh Yên Bái được tái lập, sự nghiệp PT-TH địa phương mới có bước bứt phá phát triển với tốc độ nhanh. Lần lượt các trạm phát lại truyền hình được xây dựng ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải , Văn Chấn, Lục Yên và các huyện, thị khác. Đài tỉnh được trang bị máy phát hình màu 500w, các thiết bị ghi, dựng hình được bổ sung, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của tờ báo hình địa phương.

Cùng với trụ sở làm việc xây dựng mới và đưa vào sử dụng giữa năm 1996, gần một năm sau, cột anten tự đứng cao 100m do Ma-lai-xi-a sản xuất được đưa vào hoạt động thay thế anten cũ cao 64m. Tiếp tục các năm sau đã đầu tư đưa vào sử dụng 3 máy phát hình màu công suất từ 2kw đến 5kw, đủ điều kiện để tăng thời lượng chương trình địa phương và tiếp sóng 3 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Từ năm 2007 đến nay, Đài PT-TH Yên Bái triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực làm tin thời sự và mở rộng diện phủ sóng truyền hình” bằng nguồn vốn ODA (Tây Ban Nha), trị giá 5 triệu USD gồm 5 trạm phát lại truyền hình, mỗi trạm 3 máy phát hình màu công suất từ 1kw đến 2kw, cột an-ten tự đứng cao 60m cùng các thiết bị khác như xe truyền hình lưu động, 1 máy phát hình màu 5kw cho Đài tỉnh và 450 điểm xem truyền hình công cộng. C

ùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 30 trạm phát sóng truyền hình, 35 trạm phát sóng FM, 104 trạm TVRO và DTH. 9 đài truyền thanh - truyền hình huyện, thị, thành phố được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước khang trang, đồng bộ. Nhờ đó, đến năm 2012, tất cả các địa bàn dân cư trong tỉnh đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho những người làm công tác PT-TH Yên Bái luôn trăn trở, suy nghĩ là làm thế nào để mở rộng diện phủ sóng Đài tỉnh đến các địa bàn dân cư và đến với tất cả các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng cao.

Do địa hình chia cắt , nhiều núi cao nên dù có nâng công suất lên bao nhiêu đi nữa cũng không thể đưa tín hiệu đến tất cả các vùng miền, trong khi nhu cầu nghe, xem chương trình địa phương ngày càng tăng lên. Giải quyết bài toán này trong những năm qua đi đôi với tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chương trình hàng ngày, Đài PT-TH Yên Bái đã luôn tìm tòi, đề ra một số giải pháp để đưa sản phẩm báo chí điện tử đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Giai đoạn đầu, các chương trình truyền hình (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) sau khi phát sóng tại Đài tỉnh được in vào băng đĩa, chuyển qua đường bưu điện đến các đài huyện, thị và 1 số trạm truyền hình vùng cao phát chậm 1 đến 2 ngày. Tiếp đến là chuyển chương trình qua đường Internet để các đài huyện, thị in lại và phát sóng theo lịch tiếp, phát sóng của mỗi địa phương.

Bước tiến bộ hơn là từ năm 2009 đến năm 2013, Đài PT-TH Yên Bái phối hợp với Viễn thông tỉnh Yên Bái chuyển tín hiệu đến các trạm phát lại thông qua đường cáp quang. Cách làm này đã phần nào tiết kiệm được thời gian và các chương trình được phát đồng thời tại các đài huyện, thị và một số trạm truyền hình khu vực đông dân cư.

Bên cạnh đó, từ năm 2007, Đài mở thêm Trang thông tin điện tử PT-TH Yên Bái; năm 2009 phối hợp với Công ty Điện lực Yên Bái xây dựng và đưa truyền hình cáp vào hoạt động, phục vụ người xem ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Mặc dù đã có nhiều cố gắng song chương trình truyền hình của tỉnh mới chỉ phủ sóng chủ yếu ở các trung tâm huyện, thị, các xã nơi có trạm phát lại truyền hình. Vì vậy mới chỉ có hơn 60% số hộ trên địa bàn tỉnh có thể xem được truyền hình Yên Bái.

Tiếp tục tìm lời giải cho bài toán hóc búa này, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, từ đầu năm 2011, Đài PT-TH Yên Bái đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng PT-TH Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015” và ngày 20/7/2012, tại kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Đề án đã được thông qua.

Nội dung chính của Đề án là tập trung tăng thời lượng đi đôi với nâng cao chất lượng các chương trình PT-TH, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tuyển dụng mới những người đã học qua các chuyên ngành liên quan đến ngành PT-TH và quan trọng nhất là phấn đấu phát sóng truyền hình Yên Bái trên vệ tinh trước năm 2014. Thực hiện Đề án này, Đài PT-TH Yên Bái đã cùng các ngành chức năng triển khai các phần việc cụ thể.

Trong đó, Đài tỉnh đã tập trung công sức, trí tuệ của cán bộ, viên chức trong đơn vị xây dựng kế hoạch, tăng thời lượng chương trình truyền hình hàng ngày trên kênh YTV từ 6h sáng đến 23h30, đảm bảo phần tự sản xuất tại địa phương đạt 40% thời lượng phát sóng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về cơ sở vật chất đã trang bị thêm trường quay ảo, tăng cường hệ thống âm thanh, ánh sáng và các điều kiện khác cho việc sản xuất chương trình. Đài đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở một lớp đại học báo chí cho 70 học viên; phối hợp với Hội đồng Tuyển dụng viên chức tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh tổ chức thi tuyển 20 biên chế được giao năm 2013, nâng tổng số cán bộ, viên chức của cơ quan lên 105 người. Đặc biệt, Đài đã động viên, giáo dục cán bộ, viên chức xây dựng lề lối, tác phong làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Với sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, từ ngày 1/1/2014, chương trình truyền hình của Đài PT-TH Yên Bái đã bắt đầu phát sóng trên vệ tinh Vinasat-1, mở ra một thời kỳ mới trong chặng đường phát triển của tờ báo hình địa phương. Từ đây, hàng ngày, kênh truyền hình Yên Bái đã phát ổn định qua vệ tinh, phủ sóng tới tất cả các vùng miền trong tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đề án, Đài PT-TH Yên Bái đã xây dựng khung chương trình mới, trong đó tăng thời lượng chương trình truyền hình buổi sáng, buổi tối lên hơn một giờ, chương trình thời sự buổi trưa lên 30 phút (gấp đôi so với trước); mở mới mục “Điểm báo”, “Thời sự quốc tế buổi chiều” và “Bản tin cuối ngày”.

Cùng với gần 30 chuyên đề, chuyên mục đã có, Đài đã xây dựng thêm một số chuyên mục như: “Đưa nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống”, “Yên Bái làm theo lời Bác”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Bạn hỏi - cơ quan chức năng trả lời”, “Sức khỏe của bạn”, “Khuyến học”, “Đưa Hiến pháp vào cuộc sống”… Chương trình văn hóa - văn nghệ đã mở thêm nhiều nội dung mới như: “Âm nhạc và đời sống”, “Còn mãi với thời gian”, “Giai điệu quê hương”, “Gương mặt nghệ nhân”, “Đồng hành cùng nghệ sĩ”, “Tuổi thần tiên”, “Giai điệu tuổi thơ”…

Đối với truyền hình tiếng dân tộc, ngoài tiếng Mông đã duy trì từ năm 1997, khi triển khai thực hiện Đề án, Đài PT-TH Yên Bái đã mở thêm chương trình tiếng Dao và tiếng Thái, đủ điều kiện phát luân phiên mỗi ngày một chương trình truyền hình của cả 3 thứ tiếng Thái, Mông, Dao. Ngoài ra, Đài PT-TH Yên Bái còn liên kết với các đài khu vực miền núi Tây Bắc, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài PT-TH Hà Nội và một số tỉnh khác để hợp tác, liên kết, trao đổi các chương trình văn hóa - văn nghệ, phim tài liệu, ký sự truyền hình về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước để giới thiệu với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tuy mới triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, kết quả chưa nhiều song Đề án “Nâng cao chất lượng PT-TH Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015” đã góp phần tích cực vào việc giải bài toán khó là mở rộng diện phủ sóng truyền hình địa phương mà những người làm báo nói, báo hình tỉnh nhà trăn trở trong nhiều năm qua. Bài toán đã có lời giải là điều kiện hết sức thuận lợi để sự nghiệp PT-TH Yên Bái tiếp tục phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thông tin của nhân dân.

Hà Minh Ất - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Cán bộ Bưu điện tỉnh vận chuyển, phát hành báo Yên Bái vùng cao đến bạn đọc trong tỉnh.

YBĐT - Sau 19 năm, từ xuất bản 1 kỳ/tháng, số lượng phát hành 1.500 tờ/kỳ, lên 2 kỳ/tháng với số lượng phát hành trên 3.000 tờ/kỳ, Báo Yên Bái vùng cao đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, trở thành cầu nối của Đảng bộ tỉnh với đồng bào các DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Ngày 19-6, sau khi cập nhật hết số liệu của 63 tỉnh thành, Bộ Giáo dục –Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố, tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2014 của cả nước: giáo dục THPT là 99,02% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 89,01% (năm 2013 là 78,08%). Với tỷ lệ này, cả nước có 17.586 thí sinh (bao gồm 8.043 thí sinh giáo dục THPT và 9.543 thí sinh GDTX) không đỗ tốt nghiệp.

Thị trấn Đông Khê, tỉnh Cao Bằng được công nhận là thị trấn An toàn khu cách mạng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định công nhận 30 xã, thị trấn của 6 huyện thuộc vùng An toàn khu của Trung ương tại tỉnh Cao Bằng thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí chiều 19/6. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng nhắc lại lời nhắn nhủ của Bác Hồ, báo chí cũng là vũ khí sắc bén để “phò chính, trừ tà”.

Báo chí đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, không chỉ phản ánh hoạt động mà còn có tiếng nói để toàn xã hội đồng thuận, cùng thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dưới sự điều hành của Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục