Không muốn làm “điển hình kinh tế giỏi”
- Cập nhật: Thứ hai, 10/11/2014 | 3:19:54 PM
YBĐT - Làm thế nào để những điển hình làm kinh tế giỏi cởi mở và chia sẻ với những người xung quanh. Bài viết sau đây là một ví dụ về những băn khoăn của họ.
Một lần tôi đến xã C ở huyện Văn Chấn thăm người họ hàng, tình cờ gặp chị H - người cùng thôn đến chơi. Qua nói chuyện, người nhà tôi cho biết gia đình chị H là một gia đình làm kinh tế giỏi trong khu vực. Hiện, gia đình chị có gần 3ha cam, quýt các loại đang cho thu hoạch, ngoài ra còn có hai ao ba ba lớn, nhiều gà, lợn. Mỗi năm chị thu được từ trồng trọt, chăn nuôi gần 300 triệu đồng. Tôi thấy nể phục chị quá, xin địa chỉ và theo chị đến thăm nhà.
Chị H vui vẻ dẫn tôi ra phía sau nhà. Từ đây nhìn xuống thung lũng là một màu cam vàng rực, hai bên trái nhà là hai ao nuôi ba ba được xây bờ kiên cố, có tường rào thép gai rộng chừng 500m2. Phía dưới những tán cam ấy là gà, vịt... Tôi đề nghị chị được chụp ảnh và viết bài về chị nhưng chị không đồng ý. Tôi bảo: “Chị làm kinh tế giỏi thế này rất xứng đáng là nông dân giỏi, là gương tiêu biểu để nhiều người học tập đấy!”. Chị cười bảo: “Em đừng viết gì nhé. Thú thật, chị sợ lên báo, đài lắm. Nhớ cách đây 3 năm, ngày đó chị chưa làm ăn được như bây giờ, đã có mấy anh chị nhà báo đến chụp ảnh, quay hình rồi. Nhưng sau dạo đó, chị không làm ăn được gì cả, ngày nào cũng có khách đến chơi, thăm quan, học hỏi mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, có lần còn phải làm cơm tiếp khách vì nể mấy anh chị trong UBND xã dẫn xuống bảo là đoàn cán bộ huyện bên về học hỏi. Lần nào có khách đến, lúc về họ lại đề nghị gia đình bán hoặc tặng chút cam, quýt, gà, cá... Lại còn có nhiều tổ chức cũng đến đề nghị ủng hộ nọ kia. Một số cán bộ thuế cũng hỏi thăm, đo đạc như thể trước nay mình làm ăn gian dối... Nói thật với em, gia đình chị chỉ lao động bằng sức của mình mà nên chứ có gì to tát đâu nên em đừng viết gì nhé”.
Tôi ngẩn người, cười cười với chị mà trong lòng thấy điều gì thật vô lý.
Lần khác, tôi có dịp lên xã T ở huyện Lục Yên cùng cậu em tìm mua gà trống thiến về ăn tết và làm quà cho gia đình. Người bạn đưa chúng tôi đến tận trang trại nuôi gà của gia đình anh B trong xã. Phải nói là tôi rất ngạc nhiên bởi nơi đèo heo hút gió này mà gia đình anh có thể phát triển chăn nuôi khá hiệu quả.
Nhìn gần nghìn con gà, cả gà thiến, gà lấy trứng đang tranh nhau mổ những hạt ngô, tôi liền hỏi anh: “Nhiều gà thế này anh chị chắc phải đầu tư nhiều tiền lắm nhỉ?”. Anh B trả lời: “Lúc mới đầu chăn nuôi, tôi phải vay vốn ngân hàng. Được cái gà trống thiến ở đây rất hợp khí hậu, không bị nhiễm dịch bệnh, hơn nữa nhà gần suối nên cũng tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên khá phong phú nên gà lớn nhanh. Từ tiền bán gà lần đầu, gia đình tiếp tục đầu tư các lứa tiếp theo. Đến giờ tôi đã trả hết tiền nợ ngân hàng. Trừ chi phí, mỗi năm cũng bỏ ra gần trăm triệu đồng. Khi tôi đưa máy lên chụp ảnh, anh B vui vẻ nói: “Xin chị đừng đưa tôi lên báo. Tôi thật sự rất ngại khi cánh báo chí đến làm việc, sau đó là các cuộc điện thoại, các đoàn, hội nông dân những xã bên, các huyện khác cứ kéo nhau đến học tập kinh nghiệm rất phiền phức. Hơn nữa, kết quả tôi thu được cũng do chịu khó mà có thôi”.
Ở thành phố Yên Bái, tôi biết có xưởng mộc, gò hàn khung nhôm cửa kính của anh D rất nổi tiếng về quy mô và sản phẩm được nhiều người ưa dùng. Theo quan sát hàng ngày, tôi thấy xưởng gỗ nhà anh lúc nào cũng duy trì thường xuyên trên 20 công nhân lao động, bình quân mỗi tháng anh trả lương từ 5- 7 triệu đồng/người. Vào mỗi dịp tết thì lượng người làm cho anh khá đông, công việc của họ là lắp cầu thang, đánh giấy ráp, đánh véc-ni, hàn khung nhôm, lắp cửa kính...
Rút kinh nghiệm từ chị H, anh B, tôi tế nhị hỏi anh: “Xưởng mình làm ăn thịnh vượng thế này cũng nên tạo danh tiếng một chút để nhiều người biết đến nữa có khi còn phát triển hơn, anh D ạ!”. Anh nhìn tôi nói: “Thú thực, xưởng của mình cũng được nhiều người biết đến do họ mách nhau đến đặt hàng vì chất lượng và giá cả hợp lý. Còn nếu tạo danh tiếng thì mình không bao giờ nghĩ đến vì công việc bây giờ khá ổn định và không hết việc làm, chẳng may được báo chí đăng tin có khi lại không làm ăn được gì vì cán bộ ngành chức năng đến họ hỏi thăm suốt thì mệt lắm, mặc dù mình sống và làm việc theo đúng pháp luật”.
Sau khi gặp và nói chuyện với ba điển hình tiên tiến trên, tôi thấy có đôi điều suy nghĩ. Bởi lẽ họ đều là những người xuất thân từ lao động, nhờ dám nghĩ, dám làm và tư duy nhạy bén mà có được thành quả xứng đáng. Làm thế nào để họ cởi mở với những người xung quanh mà không sợ bị làm phiền? Câu hỏi này vẫn đang chờ một lời giải từ những người tuyên truyền và muốn học hỏi họ.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
Tính đến giữa tháng 10/2014, các Bộ ngành đã đơn giản hóa 4.169/4.712 thủ tục hành chính (đạt 88,% kế hoạch) thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể, phá sản DN, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...
Khoảng ngày 11 hoặc 12/11, không khí lạnh có khả năng tiếp tục tăng cường tới các tỉnh miền Bắc kèm mưa, nhiệt độ giảm 1-2 độ C.
YBĐT - Thời gian qua, Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã có những giải pháp tích cực, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và trình độ nhận thức của chiến sỹ, nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo nguồn quân nhân dự bị.
YBĐT - Ngày 9/11, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái, Công ty APB Môi trường Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái, Công ty Cổ phần Aquaseure (CH. Pháp) phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả khảo sát mô hình thí điểm công nghệ xử lý cung cấp nước lưu động Aquaseure (CH. Pháp) tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.