Đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 9:00:19 AM
YBĐT - Thời gian qua, phòng giáo dục và đào tạo huyện Văn Yên đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ở tất cả các mặt như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp quản lý, dạy học…. Mỗi đơn vị trường trên địa bàn huyện đã thực hiện các nội dung phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.
Mô hình học VNEN đang được nhân rộng trên địa bàn huyện.
|
Năm học 2014 - 2015 là năm thứ 3 Trường Tiểu học số 2 An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) triển khai mô hình dạy học VNEN, áp dụng cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Mỗi lớp học đều trang bị tủ đựng đồ dùng, giá treo tranh, giáo viên để đồ dùng trên lớp, tự quản ngay tại lớp với phương châm "dễ thấy - dễ lấy - dễ tìm" giúp cho việc sử dụng thuận tiện hơn và luôn có sự giám sát, kiểm tra và đánh giá của nhà trường.
Các phòng học dạy theo mô hình VNEN bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh động với góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm; tài liệu, sách, vở cho dạy và học thiết kế, biên soạn phù hợp để học sinh có thể tự đọc, tự tìm hiểu tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên và tổ chức học tập của nhóm. Trong buổi học, học sinh là trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân học sinh, giáo viên hướng dẫn học sinh tự học. Lớp học do học sinh tự quản và tổ chức theo các hình thức như: làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó, hình thức học theo nhóm là chủ yếu.
Phương pháp này đã thay đổi thói quen học tập, giúp các em tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức từ bài học. Những kiến thức khó, các em trao đổi với bạn trong nhóm và mạnh dạn trao đổi vướng mắc với giáo viên, qua đó, phát huy tính độc lập, chủ động tiếp thu kiến thức và hiểu sâu về bài học; rèn luyện nhiều kỹ năng sống, kỹ năng tập thể. Việc xây dựng góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học, hòm thư "điều em muốn nói"… đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn thông qua "hội đồng tự quản học sinh" do các em bầu ra và đảm nhiệm.
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Hiểu - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Mô hình VNEN đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy tính sáng tạo, tự giác, tự quản, tự tin; tạo hứng thú trong học tập; phát huy tốt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá của học sinh. Mỗi tiết học không còn tạo áp lực đối với các em. Học sinh hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, học hỏi bạn để tự hoàn thiện, luôn có ý thức phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên, tránh sự thụ động trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục".
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện của ngành giáo dục và đào tạo, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đại Sơn đã có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có năng lực, có phương pháp đổi mới dạy mẫu cho các giáo viên khác dự giờ, học tập và rút kinh nghiệm. Giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học mới cần tránh khuynh hướng thụ động, truyền tải kiến thức một chiều, linh hoạt hình thức dạy học đối vơi mỗi bài học, khơi dạy hứng thú học tập ở học sinh".
Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường ngày càng cải thiện, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 39%, tỷ lệ học sinh lên lớp, chuyển cấp đạt 100% và tham gia thi học sinh giỏi các cấp, đạt 1 giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và 2 giải học sinh giỏi cấp huyện. Đây là lần đầu tiên nhà trường có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Thư viện xanh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đại Sơn.
Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Những năm học qua, Phòng đã thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở ngành học mầm non và giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học ở bậc học phổ thông.
Ngoài ra, còn chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học, tăng cường công tác bồi dưỡng, khảo sát đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt huy động đông đảo các lực lượng tham gia công tác giáo dục và đào tạo".
Bên cạnh đó, huyện cũng quy hoạch, sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển; đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, vùng khó khăn; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường kiểm tra việc triển khai các cuộc vận động và các phong trào thi đua, đẩy mạnh công tác xã hội hóa.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn bám lớp, bám trường; phong trào "Toàn dân chăm lo giáo dục", "Xây dựng xã hội học tập" phát triển mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục đã từng bước phát triển, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng. Năm học 2013 - 2014, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 8,2%, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 7,4%; học sinh khá, giỏi ở bậc tiểu học đạt 53%, bậc THCS đạt 38,4%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng tăng cao. Tại kỳ thi học sinh giỏi các môn năng khiếu cấp tỉnh năm học 2013 - 2014, huyện đạt 35 giải, trong đó, có 3 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 28 giải khuyến khích.
Với các bộ môn văn hóa, thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 34 giải, trong đó có 4 giải nhất, 4 giải nhì, 13 giải ba và 13 giải khuyến khích, xếp thứ nhất toàn đoàn về chất lượng giải.
Với các giải pháp phải đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo của Văn Yên đã bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học.
Mỹ Vân - Thu Nhài
Các tin khác
Sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được nhận mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở.
Chế độ bảo hiểm hiện nay chưa hướng mạnh đến phòng ngừa rủi ro cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động.
YBĐT - Từ cán bộ, chiến sỹ đến người dân vùng cao Mù Cang Chải đều yêu mến Thượng úy Nguyễn Văn Liêm - Trợ lý tác chiến Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện, một tấm gương điển hình trong phong trào thi đua quyết thắng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực giúp dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn.
YBĐT - Ở một số địa phương vùng cao hoặc những xã vùng cao thuộc các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đồng bào Mông, Dao thường cư trú khá thuần nhất thành từng xã, bản. Vì vậy, trong giao tiếp thường nhật, bà con chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình hay nói cách khác là chỉ dùng tiếng mẹ đẻ.